Cồng chiêng Tây Nguyên đã bớt “chảy máu” sau 10 năm thành di sản nhân loại

(Dân trí) - Di sản văn hóa Không gian văn hóa Cồng chiêng là một trong những vốn di sản văn hoá truyền thống vô cùng độc đáo và quý giá của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Sau 10 năm trở thành di sản nhân loại, Cồng chiêng Tây Nguyên đã bớt “chảy máu” nhờ các hoạt động thiết thực.

Hàng nghìn hoạt động “cứu sống” cồng chiêng

Từ khi Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (2005) và sau này chuyển thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2009), Cồng chiêng Tây Nguyên đã có những đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn, góp phần bảo tồn, và phát huy tính đa dạng văn hóa của vùng miền, quốc gia và quốc tế.

Sau 10 năm thực hiện các dự án, đề án bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã thu được nhiều thành tích đáng kể. Ảnh: TL.
Sau 10 năm thực hiện các dự án, đề án bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã thu được nhiều thành tích đáng kể. Ảnh: TL.

Theo đó, ngay sau khi được UNESCO ghi danh Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, các địa phương có di sản này đã thực hiện nhiều phương cách để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Tính đến nay, các tỉnh có di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đều có các đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản này.

Sau 10 năm thực hiện các đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cồng chiêng Tây Nguyên, tỉnh Đăk Nông khôi phục được hơn 50 lễ hội của các nhóm dân tộc; tổ chức được trên 100 lớp truyền dạy cồng chiêng từ cấp huyện, thị xã đến cấp tỉnh; thành lập được 8 Câu lạc bộ cồng chiêng và 8 đội văn nghệ dân gian; cấp 150 bộ chiêng và 15 bộ goong cấp cho phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị...

Tỉnh Đắk Lắk thống kê được 2.307 bộ chiêng đủ; 3.855 người biết diễn tấu cồng chiêng; 393 người biết chỉnh chiêng có; 635 người biết dạy đánh cồng chiêng; 1.270 nghệ nhân biết sử dụng nhạc cụ tre nứa; 2.608 nhà truyền thống; 220 bến nước truyền thống; 155 nghi lễ - lễ hội truyền thống với các tên khác nhau; số nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ tre nứa, gỗ, đá có 568 người.

Toàn tỉnh hiện có 16 đội thông tin lưu động; 184 đội văn nghệ cấp xã, phường; 554 đội cồng chiêng truyền thống; tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng, ngày hội văn hóa các dân tộc; hội diễn văn nghệ quần chúng ở tỉnh 2 năm/lần, ở huyện, thị xã, thành phố 1 năm/lần.

Riêng tỉnh Lâm Đồng mở được 45 lớp truyền dạy cồng chiêng cho hơn 1.080 học viên là thế hệ trẻ người Mạ, K’ho hoặc Churu; tổ chức thành công 3 liên hoan văn hoá cồng chiêng cấp huyện; trang bị được 12 bộ chiêng truyền thống (chiêng 6 hoặc chiêng 3) kèm theo trang phục truyền thống cho các địa phương trong tỉnh; hỗ trợ hình thành 3 mô hình bảo tồn tại địa bàn huyện Đơn Dương, huyện Đức Trọng và huyện Lạc Dương.


Cồng chiêng đã hồi sinh sau một thời gian bị chảy máu. Ảnh: TL.

Cồng chiêng đã hồi sinh sau một thời gian bị "chảy máu". Ảnh: TL.

Tỉnh Kon Tum dến tháng 12/2014, toàn tỉnh có 427 đội nghệ nhân cồng chiêng.

Tại Gia Lai, đã tổ chức được 87 lớp truyền dạy với gần 1.200 học viên được truyền dạy văn hóa dân gian như: truyền dạy nghệ thuật hát dân ca, truyền dạy nghề dệt, truyền dạy nghệ thuật đánh các bài cồng, chiêng trong các dịp lễ hội của cộng đồng các dân tộc, lớp chế tác các nhạc cụ dân tộc. Năm 2009, tỉnh này đã đăng cai và tổ chức thành công Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 với sự tham gia của 63 đội cồng chiêng đại diện cho 6 quốc gia trong khu vực: Campuchia, Indonesia, Lào, Philippin, Myanma và Việt Nam; tổ chức các lớp truyền dạy chỉnh chiêng cho người Bahnar, Jrai trên địa bàn; tổ chức phục dựng: Lễ chuyển gươm của Yang Pơtao Apui tại làng Plơi Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện; Lễ Mừng lúa mới của người Jrai tại làng Mrông Yố, xã Ia Ka, huyện Chư Păh; Lễ Mừng lúa mới của người Bahnar tại làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang.

52 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú

Điều đặc biệt, cộng đồng các dân tộc bản địa có di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vẫn thường xuyên thực hành di sản của mình trong các lễ hội, nghi lễ, sự kiện văn hóa nghệ thuật của địa phương; nhiều không gian văn hóa, nghi lễ, tín ngưỡng được phục hồi, nhiều liên hoan, ngày hội văn hóa được tổ chức.

Năm 2015, trong đợt xét tặng Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lần thứ nhất năm 2015, đã có 52 người thực hành cồng chiêng tại 5 tỉnh Tây Nguyên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.

52 người đã được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú. Ảnh: TL.
52 người đã được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú. Ảnh: TL.

Trong 10 năm qua, các địa phương có di sản cồng chiêng đã tạo dựng được một đội ngũ nghệ nhân trẻ kế cận để đảm nhận sự trao truyền kinh nghiệm của thế hệ đi trước và cơ bản đã hạn chế được nạn “chảy máu cồng chiêng”. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của các dòng văn hóa tín ngưỡng và sự biến đổi của xã hội hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa đã tác động mạnh mẽ và làm thay đổi môi trường của văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa.

Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ trồng cây lúa rẫy sang cây công nghiệp (cà phê, cao su, ca cao…), đã dẫn đến sự suy giảm những sinh hoạt cồng chiêng gắn với hoạt động sản xuất truyền thống. Không gian buôn làng, khu nhà mồ, bến nước... là không gian văn hóa cồng chiêng đã bị thu hẹp hoặc thay thế bằng nhà xây kiên cố, giếng khoan. Đời sống và sinh hoạt hiện đại làm thay đổi nhận thức về tính thiêng và tính cộng đồng của văn hoá cồng chiêng. Nhiều hộ gia đình đã bán đi những bộ chiêng, ché, kpan quý.

Bên cạnh những thành tích đáng nể thì công cuộc bảo tồn và gìn giữ không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên còn gặp khá nhiều khó khăn. Ảnh: TL.
Bên cạnh những thành tích đáng nể thì công cuộc bảo tồn và gìn giữ không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên còn gặp khá nhiều khó khăn. Ảnh: TL.

Nhờ kinh tế xã hội phát triển nên xuất hiện nhiều loại hình giải trí mới thu hút giới giới trẻ, do đó, việc hướng họ theo học cồng chiêng và các loại hình văn hóa dân tộc trở nên khó khăn. Lớp trẻ chưa thật sự yêu thích, quan tâm đến cồng chiêng trong khi nhiều nghệ nhân giỏi (từ nghệ nhân chỉnh sửa chiêng đến nghệ nhân trình diễn, múa Xoang) do tuổi tác cao, lần lượt qua đời.

Một bộ phận đồng bào Bahnar, Gia-rai (tỉnh Gia Lai), Mnông (tỉnh Đăk Nông) từ bỏ tín ngưỡng truyền thống trong đó có thực hành đánh cồng chiêng và các sinh hoạt gắn với văn hóa cồng chiêng. Những huyện hiện còn số lượng cồng chiêng ít nhất chính là những huyện có số lượng cư dân theo các tôn giáo mới, như: huyện Đắk Đoa (Gia Lai) chỉ còn 131 bộ cồng chiêng, có 42 làng không còn cồng chiêng; thành phố Pleiku (Gia Lai) chỉ còn 81 bộ cồng chiêng và có tới 20 làng không còn cồng chiêng, trong khi trước kia, ở khu vực Tây Nguyên này, không có làng nào là không có cồng chiêng.

Hà Tùng Long