1. Dòng sự kiện:
  2. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Công bố khoản tài trợ tu sửa cấp thiết mái vòm cổng Nam Thành nhà Hồ

(Dân trí) - Chiều 26/10, Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tổ chức lễ công bố khoản tài trợ Quỹ bảo tồn văn hóa Đại sứ quán Hoa Kỳ cho dự án "Tu sửa cấp thiết mái vòm và bảo tồn cổng thành phía Nam, di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ".

Công bố khoản tài trợ tu sửa cấp thiết mái vòm cổng Nam Thành nhà Hồ

Theo đó, dự án nêu trên được Quỹ bảo tồn văn hóa Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ với tổng kinh phí 92.500USD.

Đây là một trong 33 dự án được Quỹ bảo tồn văn hóa Đại sứ quán Hoa Kỳ lựa chọn để cấp vốn trong tổng số 106 đề xuất từ rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Cổng Nam Thành nhà Hồ.
Cổng Nam Thành nhà Hồ.

Từ năm 2001, Việt Nam đã nhận được tài trợ cho 14 dự án với tổng trị giá 1,13 triệu đô la Mỹ, mỗi dự án đã đóng góp vào việc tu bổ, bảo tồn những phương diện khác nhau của vốn di sản phong phú của Việt Nam.

Nguồn tài trợ nêu trên sẽ được sử dụng vào việc khắc phục và ngăn chặn kịp thời tình trạng xuống cấp, sụt lở mái vòm; loại bỏ sự xâm hại, tác động của các loài thực vật, rêu mốc, địa y, muối lên tường cổng thành phía Nam; đảm bảo tính toàn vẹn, mỹ quan của di sản.

Khối đá nứt vỡ có trọng lượng khoảng 200kg, đã vỡ và tụt xuống tạo thành khe hở khoảng 5cm.
Khối đá nứt vỡ có trọng lượng khoảng 200kg, đã vỡ và tụt xuống tạo thành khe hở khoảng 5cm.

Bên cạnh đó, thông qua dự án này, Trung tâm bảo tồn Di sản thế giới Thành nhà Hồ còn hướng đến việc nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý di sản và người dân vùng lân cận trong công tác bảo tồn di sản; phát huy giá trị di sản.

Được xây dựng năm 1397 bởi nhà Hồ làm kinh đô của nước Đại Ngu, Thành nhà Hồ độc đáo ở kỹ thuật xây dựng nổi bật, sử dụng các khối đá lớn nặng từ 10 đến 26 tấn, được gia công phẳng phiu, xếp khít nhau và chồng lên nhau ở độ cao khoảng 10 m.

Sự xâm hại, tác động của các loài thực vật, rêu mốc, địa y, muối lên tường cổng thành phía Nam.
Sự xâm hại, tác động của các loài thực vật, rêu mốc, địa y, muối lên tường cổng thành phía Nam.

Công trình đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc, và là nhân chứng của lịch sử Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15.

Trải qua 600 năm, các điều kiện tự nhiên đã làm tổn hại đến di tích, cổng thành phía Nam, đặc biệt là mái vòm bên trái - hoặc phía Tây - là cấu trúc nguyên gốc quan trọng nhất trong quần thể khu di sản, nhưng cũng là nơi bị hư hại nhiều nhất.

Bà Molly Stephenson, Tham tán Văn hóa - Thông tin Đại sứ quán Hoa Kỳ trao khoản tài trợ dự án cho đại diện Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ.
Bà Molly Stephenson, Tham tán Văn hóa - Thông tin Đại sứ quán Hoa Kỳ trao khoản tài trợ dự án cho đại diện Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ.

Phần kiến trúc như vọng lâu, các cánh cổng cũng như tình trạng sụt vỡ các khối đá tạo vòm đã xảy ra nhiều năm nay. Các chuyên gia bảo tồn đánh giá, hiện tượng sụt vỡ của các viên đá vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Đá xây dựng vòm cửa Nam là đá vôi rất giòn và cứng, vì vậy hiện tượng nứt vỡ là hoàn toàn tự nhiên. Khối đá nứt vỡ có trọng lượng khoảng 200kg, đã vỡ và tụt xuống tạo thành khe hở khoảng 5cm.

Bà Molly Stephenson, Tham tán thông tin văn hoá Đại sứ quán Hoa Kỳ, khẳng định: “Thông qua việc hỗ trợ bảo tồn mái vòm và bảo tồn cổng thành phía nam Thành Nhà Hồ, chúng tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với các truyền thống và di sản giàu có của Việt Nam”.

Bà Molly Stephenson khảo sát tình trạng xuống cấp, sụt lở mái vòm cổng phía Nam Thành nhà Hồ.
Bà Molly Stephenson khảo sát tình trạng xuống cấp, sụt lở mái vòm cổng phía Nam Thành nhà Hồ.

Cũng theo bà Molly Stephenson: “Di sản văn hóa là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, đồng thời cũng làm giàu những trải nghiệm hiện tại của chúng ta. Chúng tôi vinh dự được đồng hành cùng các bạn để bảo tồn di tích lịch sử này vì lợi ích của các thế hệ mai sau. Sau khi hoàn thành việc tu sửa, đây sẽ là món quà hướng tới kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam.

Ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, cho biết: Đây là minh chứng rõ ràng về tầm quan trọng, cấp thiết của dự án cũng như thể hiện sự quan tâm đặc biệt từ Đại sứ quán Hoa Kỳ đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Thành nhà Hồ".

Công trình đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc, và là nhân chứng của lịch sử Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15.
Công trình đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc, và là nhân chứng của lịch sử Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15.

Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, cho biết: Việc tu sửa sẽ được tiến hành một cách tỷ mỉ trên cơ sở kết hợp giữa yếu tố kỹ thuật và các biện pháp thủ công, có sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia, trong đó có một chuyên gia quốc tế.

Duy Tuyên