Con đường đưa điện ảnh ASEAN ra thế giới

(Dân trí) - Trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, ngày 25/11, tại Đà Nẵng, diễn ra hội thảo “Con đường đưa điện ảnh ASEAN ra thế giới”.

Hội thảo Con đường đưa điện ảnh ASEAN ra thế giới vừa diễn ra trong ngày 25/11 tại Đà Nẵng
Hội thảo "Con đường đưa điện ảnh ASEAN ra thế giới" vừa diễn ra trong ngày 25/11 tại Đà Nẵng

Hội thảo do Cục Điện ảnh phối hợp với Sở VH-TT&DL Đà Nẵng tổ chức với sự tham dự của đại diện Bộ Ngoại giao, Văn phòng Quốc hội; Ban Thư ký ASEAN; các nhà phê bình, đạo diễn và nhà sản xuất phim trong và ngoài khu vực Đông Nam Á.

Hội thảo đã thu hút nhiều tham luận hướng tới chủ đề “Con đường đưa điện ảnh ASEAN ra thế giới ở cả lĩnh vực của ngành công nghiệp điện ảnh bao gồm sản xuất, phát hành và chiếu phim. Trong đó có nhiều bài tham luận đáng chú ý như: “Vai trò của điện ảnh trong việc xây dựng Cộng đồng văn hóa, xã hội ASEAN”, “Những chính sách thúc đẩy điện ảnh ASEAN phát triển”, “Xây dựng cộng đồng điện ảnh ASEAN”.

Các đoàn làm phim đến từ các quốc gia trong khu vực tham dự Giải thưởng phim ASEAN trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 đang diễn ra tại Đà Nẵng
Các đoàn làm phim đến từ các quốc gia trong khu vực tham dự Giải thưởng phim ASEAN trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 đang diễn ra tại Đà Nẵng

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên chia sẻ: Trong bối cảnh nền điện ảnh thế giới có rất nhiều “nhà khổng lồ”, mong muốn đưa điện ảnh ASEAN ra thế giới là mong muốn chung của cả cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á, qua đó kích thích, thúc đẩy điện ảnh mỗi quốc gia phát triển.

Và theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, để hiện thực hóa mục tiêu này, điện ảnh các nước ASEAN phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, điện ảnh mỗi nước mạnh lên sẽ giúp điện ảnh ASEAN mạnh lên, giúp hình thành nên bản sắc điện ảnh ASEAN, từ đó không chỉ phục vụ tốt thị trường, thị hiếu trong khối mà còn đủ sức cạnh tranh được với phim từ bên ngoài.

Góp ý tại Hội thảo, Giám đốc điều hành Quỹ phim ASEAN - Miguel Dela Rosa cho rằng, để mở được cánh cửa đưa điện ảnh khu vực ra thế giới, cần có những buổi chiếu phim, có những rạp chiếu phim ASEAN thường xuyên, cùng với đó là tổ chức liên hoan phim tầm cỡ quốc tế, quảng bá nền điện ảnh của các nước trong khu vực. Đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn viết kịch bản; mời các chuyên gia, nhà làm phim nổi tiếng thế giới đến truyền đạt, trao đổi kinh nghiệm.

Phát biểu về việc xây dựng bản sắc điện ảnh ASEAN, ông Vongthep Arthakaiwalvate - Phó Tổng thư ký ASEAN chia sẻ hội thảo lần này chính là một sự kiện ý nghĩa vì sự hợp tácphát triển ngành công nghiệp điện ảnh trong ASEAN góp phần quan trọng trong chiến lược xây dựng bản sắc điện ảnh ASEAN.

“Sự hội nhập ASEAN sẽ không hoàn thành nếu không có bản sắc. Nếu chúng ta muốn kết nối con người với nhau cần phải hiểu nhau và dựa trên các yếu tố về ngôn ngữ, nhưng chúng ta không cần phải hiểu tất cả ngôn ngữ trong từng nước ASEAN, khía cạnh văn hóa xã hội sẽ giúp làm tốt điều này và điện ảnh sẽ làm con người gần hơn” - ông Vongthep Arthakaiwalvate nói.

Trở lại mục tiêu tìm ra hướng đi để đưa nền điện ảnh ASEAN ra thế giới, ông Đỗ Duy Anh - Phó Cục trưởng Cục điện ảnh Việt Nam đưa ra thực tế nhiều phim của các nước trong khu vực, trong đó có cả phim Việt đã tham gia các liên hoan phim quốc tế, những chưa gặt hái được nhiều thành công như mong đợi. Phó Cục trưởng Cục điện ảnh Việt Nam cho rằng vấn đề cốt lõi là phải có các tác phẩm chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của điện ảnh các nước trong khu vực trên trường quốc tế.

Phim Dạ cổ hoài lang của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dự Giải thưởng phim ASEAN
Phim "Dạ cổ hoài lang" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dự Giải thưởng phim ASEAN

“Chúng tôi đã hết sức cố gắng nhưng nếu chúng ta không có tác phẩm điện ảnh hay thì cố gắng cũng vô nghĩa. Để đưa phim Việt Nam nói riêng, tác phẩm điện ảnh của các nước khu vực ASEAN nói chung ra thế giới cần phải có những giải pháp cụ thể, trong đó cần phải hợp tác. Khi đã hợp tác, chúng ta sẽ có những tác phẩm chất lượng cao” - ông Đỗ Duy Anh nói.

Đồng ý hướng tới giải pháp tập trung nâng cao chất lượng tác phẩm điện ảnh, Chủ tịch Hội Điện ảnh Ba Lan - Jacek Bromsky cho rằng các nhà làm phim phải tạo ra các tác phẩm sáng tạo, độc đáo mà những nhà làm phim khác không làm mới mong tác phẩm của mình bước ra thế giới và gây được sự chú ý.

Cùng với đó, ông Jacek Bromsky nhấn mạnh tầm quan trọng của chính quyền với các chính sách, cơ chế hỗ trợ điện ảnh phát triển. Như ở Ba Lan, ông Jacek Bromsky chia sẻ sự đồng hành của chính phủ nước sở tại, với bộ luật về nghe nhìn, bản quyền tác phẩm... Cùng với đó là tăng cường hợp tác quốc tế mạnh mẽ với mong muốn giới thiệu nền điện ảnh nước nhà ra thế giới.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập khu vực Đông Nam Á - ASEAN, trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 (diễn ra từ ngày 24/11 - 28/11 tại Đà Nẵng), Ban Tổ chức đã sáng tạo Giải thưởng phim ASEAN lần đầu tiên được tổ chức, và nhận được sự ủng hộ của giới điện ảnh trong khu vực. Theo đó, có 10 phim của 10 quốc gia trong khu vực tham dự Giải thưởng. Phim “Dạ cổ hoài lang” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là tác phẩm của Việt Nam tham dự Giải thưởng phim ASEAN

Tâm An