Có nên mô tả trần trụi cảnh “sex” trong tiểu thuyết lịch sử?

(Dân trí) - Tiểu thuyết lịch sử “Chim ưng và chàng đan sọt” của tác giả Bùi Việt Sĩ đoạt giải sách quốc gia có đoạn miêu tả cảnh ái ân giữa Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người đặt vấn đề, với tiểu thuyết lịch sử, có nhất thiết phải mô tả trần trụi cảnh ái ân?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, tiểu thuyết lịch sử và sử ký là hai thể loại khác nhau của hai lĩnh vực khác nhau nên chúng rất xa nhau về nghệ thuật lẫn tư duy sáng tạo.

“Về cơ bản, nhà chép sử, đặc biệt là người làm “quốc sử”, người ta phải lựa chọn trong sự phồn tạp của rất nhiều sử thực hoặc nhiều ghi chép, rút ra những hiện tượng, những sự kiện, những nhân vật để trình bày nhằm đích chính tái hiện được sử thực với hy vọng là khách quan và sự tái hiện đó thể hiện một đánh giá rút ra làm bài học cho cho muôn đời. Điều này tùy thuộc vào quan điểm thế giới mà nhà sử học được đào luyện và trở thành tín đồ.

“Đại Việt sử ký toàn thư” - tác phẩm đến với ta hiện nay là của các nhà chép sử Nho giáo, họ đã có lựa chọn theo hai hướng đó khi cấp cho ta hình ảnh nhân vật Trần Khánh Dư vừa là tướng tài vừa thiếu đức (theo quan niệm của họ).

Còn nhà tiểu thuyết lịch sử thì khác. Họ cũng trải qua sự lựa chọn từ sử thực hoặc từ các tài liệu cổ (như người làm sử ký) nhưng sự lựa chọn của họ chủ yếu lại lựa chọn từ sự phồn tạp trong trí tưởng tượng từ bộ não của chính tác giả. Rất nhiều khả năng để xây dựng một nhân vật, một hình tượng hay một chi tiết, một hoàn cảnh... nhưng họ sẽ chọn cái gì và như thế nào.

Đoạn mô tả cảnh quan hệ ái ân của Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy trong Chim ưng và chàng đan sọt đã tạo nên những tranh cãi trái chiều. Ảnh: TL.
Đoạn mô tả cảnh quan hệ ái ân của Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy trong "Chim ưng và chàng đan sọt" đã tạo nên những tranh cãi trái chiều. Ảnh: TL.

Mục đích của họ, ngoài những tính chất như thật (khách quan), ngoài đem đến một bài học, nó còn điều quan trọng hơn, đem đến một thông điệp thẩm mỹ. Không có cái đó, không có sáng tạo tiểu thuyết với tư cách là nghệ thuật ngôn từ. Vấn đề là nhà tiểu thuyết đã lựa chọn và trình diễn cái gì để thành nghệ thuật hoặc phản nghệ thuật. Bởi vậy, không thể lấy cái kiểu làm một văn bản sử ký rồi đối chiếu cho kiểu làm một văn bản tiểu thuyết để biết “sai lệch” như thế nào”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nói.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, cảnh ái ân trong tiểu thuyết lịch sử vô cùng cần thiết nhưng vấn đề viết như thế nào để được mọi người công nhận là nghệ thuật hoặc phi nghệ thuật, thẩm mỹ hoặc phản thẩm mỹ… thì còn tùy thuộc vào người viết.

“Tôi là người đọc cũng như nhiều người đọc khác, tôi thấy cái tiểu đoạn anh Bùi Việt Sĩ viết đó là sex bẩn. Vì điều đó nó phản ánh một góc tưởng tượng bẩn của anh và anh lựa chọn cái bẩn trong đầu đó để trình diễn. Tôi nói lại, có nhiều phồn tạp trong trí tưởng tượng nhà văn khi xây dựng những chi tiết. Vấn đề anh ta “sướng” cái gì trong mớ phồn tạp tiềm tàng có trong tư duy để trình diễn trước bạn đọc.

Điều này chứng tỏ tay bút tác giả khá non, sáng tác dễ dãi. Không thể phủ nhận đa số coi đó là một đoạn nhục dục phi thẩm mỹ, thiếu sạch sẽ. Chúng ta nên đi theo hướng tìm hiểu tại sao lại đa số tiếp nhận như vậy để lý giải chứ bao biện cho nó thì đúng là hơi coi thường độc giả”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ thẳng thắn.

PGS.TS Kiều Thu Hoạch lại cho rằng, việc có một vài đoạn mô tả cảnh nhân vật Trần Khánh Dư và bà Thiên Thụy “quan hệ nam nữ” với nhau trong tiểu thuyết lịch sử “Chim ưng và chàng đan sọt” không có gì đáng phải ồn ảo bởi đời sống lịch sử của nhân vật này dưới thời Trần trong chính sử đúng như vậy.

“Nếu soi rọi vào lịch sử đời Trần thì đúng là thời này tồn tại một số vấn đề về quan hệ nam nữ. Vừa rồi, khi nghiên cứu về chầu văn đời Trần, tôi tra cứu nhiều tư liệu thì đời sống lịch sử dưới thời vương triều này khá phức tạp. Lịch sử vẫn ghi lại rất rõ nhiều người cướp vợ của người khác như là tục cướp vợ của người dân tộc ở vùng cao hiện nay vậy.

Và thời Trần không cho phép người trong họ Trần lấy người ngoại tộc nhằm mục đích bảo tồn dòng tộc. Ngôn ngữ ngày nay gọi đó là loạn luân. Nếu nhìn bằng con mắt của khoa học và của người hiện đại thì điều đó không được đồng tình”, PGS Kiều Thu Hoạch nói.

Theo PGS Kiều Thu Hoạch, nếu nói về chuyện “ăn chơi sa đoạ” của các nhân vật lịch sử “Lĩnh nam chích quái truyện” cũng mô tả nhiều chuyện khá trần trụi. Tuy nhiên, nếu tác giả “Chim ưng và chàng đan sọt” khôn ngoan thì nên đưa xuống chú thích một vài tư liệu trong “Đại Việt sử ký toàn thư” để người đọc hiểu rằng trong lịch sử đã từng mô tả về đời sống thời Trần, đặc biệt là nhân vật Trần Khánh Dư như thế, chứ không phải do mình bịa ra.

“Tác giả cũng có thể viết nhẹ tay đi một chút hoặc có chú thích về mặt lịch sử sẽ khiến người đọc hiểu chuyện hơn. Đây tác giả lại viết hơi “tự nhiên chủ nghĩa” nên mới tạo nên phải ứng đối với xã hội hiện đại. Còn chuyện quan hệ nam nữ ngày nay cũng không đến nỗi khắt khe như ngày xưa. Thậm chí, các bạn trẻ ngày nay còn ăn ở với nhau trước hôn nhân cả năm này qua năm khác được nữa mà”, PGS Kiều Thu Hoạch bày tỏ thêm.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ lại chia sẻ rằng, khi nhà văn Bùi Việt Sĩ dựng lại quan hệ giữa Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy trong tiểu thuyết “Chim ưng và chàng đan sọt”, có đoạn “sex” giữa hai người mà phê phán nhà văn này bôi nhọ nhân vật lịch sử là không đúng.

“Sách chính sử nhiều bộ đều ghi rõ nhân vật Trần Khánh Dư. Ông là vị tướng có tài đã đánh tan đội quân hậu cần của quân Nguyên Mông, góp phần rất quan trọng cho nhà Trần đại phá quân Nguyên Mông lần thứ hai. Nhưng sách sử cũng chép lại rõ ràng rằng Trần Khánh Dư lắm tật. Vì tư thông với công chúa Thiên Thụy ông đã bị vua Trần quở phạt rất nặng. Nếu không có công lớn và không phải tướng tài ấy sẽ bị đánh đòn tới chết.

Như vậy, khi xét về việc nhà văn quan hệ với chính sử, Bùi Việt Sĩ đã không bịa đặt cho nhân vật lịch sử mà chỉ làm rõ thêm tính hai mặt của một nhân vật lịch sử, có tài và có tật. Vì chi tiết mô phỏng sex của hai nhân vật nói trên mà quy kết ông “xúc phạm lịch sử, bôi nhọ Trần Khánh Dư” là cách nói thiếu thận trọng khi phán xét trách nhiệm và quyền năng của nhà văn viết về nhân vật lịch sử”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ phân tích.

Theo nhà văn này, chính sử không ghi chi tiết cảnh tư thông giữa Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy nhưng khi chính sử xác lập việc tư thông đến bị phạt tội của nhân vật này thì Bùi Việt Sĩ có quyền dựng, mô phỏng chi tiết một sự thật. Đấy là quyền năng thuộc về nhà văn trong nghệ thuật cấu trúc tiểu thuyết.

Tác giả của “Quyên” cũng cho rằng, trường đoạn 1/3 trang, tả cảnh truy hoan giữa Trần Khánh Dư và Thiên Thụy trong cuốn sách kể trên xét về tâm lí nhân vật của cảnh huống tiểu thuyết là tác giả có lí. Bởi sự tư thông khuất lấp của con người bao giờ cũng mãnh liệt nhất. Bản năng thúc đẩy người ta như thế. Trần Khánh Dư là một danh tướng sức khỏe hơn người thì việc tạo dựng sex với những đoạn như thế cũng hợp lí và tự nhiên.

“Trong sự đổi mới hiện nay của văn học, nhiều nhà văn trong và ngoài nước đã mạnh dạn đặt sex vào trang văn để nhìn nó một cách trực diện không né tránh. Sự cởi mở đã giúp nhà văn có nhiều trang văn không né tránh sex, chính là giúp bạn đọc quan sát cận với sự thật của đời sống con người vốn không thể không có sex. Nhà văn viết sex không phải để thỏa mãn dục vọng, kể chỉ để mà kể.

Những trang sex có giá trị, cần có trong văn chương phải được cảnh tình, cảnh huống tự nó đòi hỏi một cách logic, nó là một phần cần để làm rõ thêm nhân vật nào đó trong cấu trúc hệ thống nhân vật. Điều này quan trọng khi nhà văn muốn truyền đạt một thông điệp mang tính tư tưởng của tác phẩm. Đây là một trong các quyền năng quan trọng của nhà văn trong nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết hay truyện ngắn”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.

Hà Tùng Long