Chuyện về bầy ong được nuôi trong lâu đài Buckingham

Bích Ngọc

(Dân trí) - Hoàng gia Anh nuôi hai bầy ong tại cung điện Buckingham và dinh thự Clarence (London, Anh). Khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, người nuôi ong thực hiện nghi thức báo tang và giúp bầy ong để tang.

Chuyện về bầy ong được nuôi trong lâu đài Buckingham - 1

Người đứng đầu nhóm nuôi ong của Hoàng gia Anh - ông John Chapple (79 tuổi - phải) (Ảnh: Daily Mail).

Truyền thống báo tang cho bầy ong sau khi người chủ qua đời đã được Hoàng gia Anh duy trì từ hàng thế kỷ nay. Người đứng đầu nhóm nuôi ong của Hoàng gia Anh - ông John Chapple (79 tuổi) - cho biết ông đã báo tang cho bầy ong của Nữ hoàng.

Chia sẻ với truyền thông Anh, ông John Chapple cho biết ngay sau khi Nữ hoàng qua đời, ông đã làm nhiệm vụ của mình theo truyền thống, đó là tới thăm bầy ong ở cung điện Buckingham và dinh thự Clarence, để báo tin buồn cho hai bầy ong của Hoàng gia. Sau đó, ông buộc ruy băng đen cho các tổ ong để bầy ong có thời gian để tang chủ cũ.

Chuyện về bầy ong được nuôi trong lâu đài Buckingham - 2

Ruy băng đen buộc lên các tổ ong để bầy ong có thời gian để tang chủ cũ (Ảnh: Daily Mail).

Ông John Chapple giải thích rằng truyền thống này được thực hiện để bầy ong Hoàng gia biết về sự thay đổi chủ, nhớ về phận sự của mình và tiếp tục làm ra mật mà không lơ là nhiệm vụ hoặc rời bỏ tổ.

Ông John Chapple cho biết ông tới gõ nhẹ lên từng tổ ong và nói: "Nữ hoàng đã qua đời, nhưng ong sẽ vẫn ở lại đây, chủ mới sẽ đối xử tốt với ong". Tại dinh thự Clarence có 2 tổ ong, cung điện Buckingham có 5 tổ ong, mỗi tổ có khoảng 20.000 chú ong.

Ông Chapple đã là người đứng đầu tổ nuôi ong của Hoàng gia trong 15 năm qua. Cơ duyên để ông đảm nhận công việc này tới khá tình cờ: "Tôi nhận được một email từ người đứng đầu nhóm chăm sóc vườn tược của cung điện Buckingham, người ta mời tôi tới cung điện để nói về việc nuôi ong, tôi không biết đó chính là một cuộc phỏng vấn đề người ta xem tôi có phù hợp với công việc hay không.

Ban đầu, tôi tưởng họ gặp vấn đề gì đó với bầy ong ở cung điện, nên tôi sẵn sàng tới để hỗ trợ, hóa ra họ muốn nuôi ong lấy mật và tôi đã đảm trách công việc này từ đó đến nay. Tôi có kinh nghiệm nuôi ong hơn 30 năm nay, mọi việc bắt đầu từ chỗ vợ tôi rất thích mật ong, tôi tập nuôi ong bằng cách mua sách về đọc và cứ thế phát triển kỹ năng dần dần.

Ban đầu, đây là một thú vui của tôi, nhưng rồi thú vui này đã trở thành công việc chính đưa lại cho tôi nhiều cơ hội trong cuộc sống. Tôi cảm thấy rất vinh dự vì công việc mà mình đang đảm trách".

Chuyện về bầy ong được nuôi trong lâu đài Buckingham - 3

Nữ hoàng Anh Elizabeth II lúc sinh thời (Ảnh: Daily Mail).

Truyền thống báo tang cho bầy ong được biết tới tại nhiều quốc gia Châu Âu, nơi các quý tộc từ thời xưa đã có truyền thống tuyển thợ giúp nuôi ong lấy mật trong khu vườn của mình.

Theo quan niệm trong đời sống dân gian ở một số quốc gia Châu Âu, những sự việc trọng đại trong cuộc đời của người chủ như có hôn sự, có con, tạm thời vắng nhà, hay đã trở về nhà... đều cần thông báo cho bầy ong biết.

Người ta cho rằng bằng cách luôn báo tin cho bầy ong, những chú ong sẽ biết mình được trân trọng và có mối liên hệ mật thiết hơn với khu vườn và với chủ nhân, nhờ vậy mà bầy ong sẽ cho nhiều mật ngon. Ngược lại, nếu mối liên hệ lỏng lẻo, bầy ong có thể sẽ bỏ tổ hoặc không cho mật nữa.

Công việc của người đứng đầu nhóm nuôi ong của Hoàng gia Anh (Video: Daily Mail).

Theo Daily Mail