Chuyện tình lãng mạn của vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam qua 500 lá thư tình

(Dân trí) - Chiều qua (13/5), vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam - Thanh Hương đã tổ chức buổi ra mắt cuốn sách “Hồi ức tình yêu qua những lá thư riêng”.

Vợ chồng nhà văn vừa kỷ niệm 63 năm bên hạnh phúc. Và cuốn sách là tuyển tập những lá thư tình mà hai nhà văn đã viết cho nhau trong suốt quãng thời gian xa cách trong thời chiến, bắt đầu từ giai đoạn tìm hiểu đến kết hôn và làm bố mẹ của hai người con.

500 lá thư và một tình yêu lý tưởng

Vợ chồng nhà văn cho biết, phải đắn đo mãi ông bà mới đi đến quyết định công bố những lá thư riêng này. Đây là những lá thư ông bà viết cho nhau từ năm 1950 trở đi, khi còn là bạn bè, rồi người yêu, rồi thành vợ chồng. Những lá thư đầu tiên được chuyển đến tay nhau nhờ các đồng chí giao liên vì thời đó chưa có tem bưu điện. Những tờ giấy đã ố vàng, nhiều trang bị nhoè mực đã được ông bà (thời đó) cất giữ trong đáy ba lô bộ đội, rồi chuyển sang một vali cũ nát, đi sơ tán khắp nơi cũng mang theo. Tổng cộng, ông bà đã lưu giữ được trên 500 lá thư.


Nhà văn Vũ Tú Nam - Thanh Hương thời trẻ. Ảnh do gia đình cung cấp.

Nhà văn Vũ Tú Nam - Thanh Hương thời trẻ. Ảnh do gia đình cung cấp.

“Vào năm 1998, một hôm chị Lady Borton (Nữ nhà văn Mỹ, Giám đốc tổ chức Quaker ở Hà Nội - PV) đến chơi, vợ chồng tôi mở cho chị xem một vali đầy thư. Chị rất ngạc nhiên và vui mừng, thúc giục chúng tôi nên chọn lựa và cho công bố những lá thư này… Sau đó, Lady Borton tự tay chụp các lá thư và hăng hái viết lời giới thiệu.

Trong thâm tâm, sau khi đọc lại các lá thư, chúng tôi như sống lại những năm kháng chiến, những tấm gương dũng cảm của đồng bào, bộ đội, những kỷ niệm về đồng nghiệp là các nhà văn, nhà báo, đất trời Hà Nội và các vùng quê thân thiết. Cuốn sách này cũng là một cách chúng tôi cảm ơn cuộc sống, bạn bè và những bà con quần chúng đã giúp chúng tôi nhiều mặt để chúng tôi có thể tồn tại đến hôm nay”, nhà văn Vũ Tú Nam chia sẻ.

Phải lòng nhau từ cái nhìn đầu tiên

Nhà văn Vũ Tú Nam cho biết, cuối năm 1948, khi ông làm việc thì được nghe một cán bộ phụ nữ rất trẻ thay mặt cho Liên khu IV đứng trên đàn diễn thuyết động viên bộ đội đi giết giặc, thi đua với hậu phương. Ông còn nhớ, đó là một cô gái mặt tròn, da trắng, mắt sáng, tóc xoã ngang vai đầu hơi nghiêng nghiêng khi nói. Cô gái ấy đã làm tâm hồn ông xao xuyến ngay từ giây phút đầu gặp gỡ.

Vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam - Thanh Hương bên đứa con đầu lòng, sau này là hoạ sỹ Vũ Huy. Ảnh gia đình cung cấp.
Vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam - Thanh Hương bên đứa con đầu lòng, sau này là hoạ sỹ Vũ Huy. Ảnh gia đình cung cấp.

Đến khi rời tiểu đoàn của ông rời Thanh Hoá ra khu III, sát vùng địch, đoàn của ông nhận được lá thư của một cô gái ký tên Phương Thuỳ gửi ra động viên, nhắc nhở chuyện thi đua. Anh em trong tiểu đoàn giao cho ông thay mặt viết thư trả lời. Thế là từ đó giữa ông bắt bắt đầu viết thư qua lại với nhua. Ngày tiểu đoàn xong nhiệm vụ, trở lại Thanh Hoá ông mới biết Phương Thuỳ đó chính là Thanh Hương - cô gái ngày nào từng làm ông xao xuyến ngay cái nhìn đầu tiên. Từ đó, ông bà quen thân nhau.

Một điều đặc biệt là sau đó, cả ông và bà đều được điều ra Việt Bắc công tác. Trong những lần đi chiến dịch Biên giới (đợt cuối), Trung du, Hoàng Hoa Thám, Hoà Bình, Thượng Lào… ông bà đã có mấy lần gặp nhau, lúc đó bà làm chính trị viên một trạm quân y tiền phương.

“Những lá thư tôi viết từ cuối năm 1950 đến 1952 là những lá thư từ tình bạn chuyển dần sang tình yêu. Nói như thế vì từ 1/6/1952, chúng tôi đã đính ước với nhau. Một thời kỳ mới đã bắt đầu.

Đó là một thời kỳ được đánh dấu bởi những cuộc chia tay liên tiếp. Tôi đi các chiến dịch liên miên, Thanh Hương cũng đi chiến dịch phục vụ bộ đội, khi thì làm công tác hậu cần, khi nhận trách nhiệ chính trị viên quân y. Kết thúc bằng trận ốm đầu tiên của tôi cuối năm 1953. Trong những năm này, Thanh Hương đã viết “Nữ dân công” (in chung) và tôi có các sách “Bên đường 12” (1950), “Sau trận núi Đanh” (1951), “Nhân dân tiến lên” (1951), “Truyện các anh hùng và chiến sỹ thi đua” (1952). Qua những ngày chữa bệnh năm 1953, về sau tôi đã viết “Mùa đông”…”, nhà văn Vũ Tú Nam kể.

Vào ngày 3/2/1954, ông bà tổ chức đám cưới tại cơ quan Cục tuyên huấn Quân đội. Mặc dù đã nên vợ nên chồng nhưng cả hai vẫn phải sống những tháng ngày xa cách vì nhiệm vụ của mỗi người ở những nơi khác nhau. Cầu nối tình yêu thời đó chính là những bức thư viết tay được các đồng chí giao liên trong tổ giao liên của Cục tuyên huấn Việt Bắc “trèo đèo, lội suối” đưa tận tay cho mỗi người.

Nối dài tình yêu từ những cánh thư nhung nhớ

Nhà văn Thanh Hương tâm sự: “Thời chúng tôi, tình yêu không còn đơn thuần là tình cảm nam nữ mà còn gắn liền với lý tưởng, với nhiệm vụ. Tôi vốn là một cán bộ phụ nữ cho nên cũng thường xuyên phải đi xa, phải vào tuyến lửa, đôi lúc cận kề hiểm nguy nhưng dường như trong khoảng cách ấy, chúng tôi lại thấy gần nhau hơn. Thời ấy, những bức thư có lẽ là niềm động viên duy nhất để chúng tôi tin tưởng vào nhau, chờ đợi nhau, yêu thương nhau để có một ngày được sum vầy sau những tháng năm xa cách”.

Chuyện tình lãng mạn của vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam qua 500 lá thư tình - 3

Khi các con đã lớn, hai nhà văn mới đổi cách xưng hô "Anh - Em". Ảnh do gia đình cung cấp.

Thời đó, dù đã nên vợ nên chồng nhưng cả hai vẫn xưng hô với nhau bằng tên một cách đầy thân mật. Mãi sau này, khi hai người con Vũ Huy và Vũ Hương Giang đã lớn, ông bà mới xưng “anh em” như bây giờ. Nhà văn Thanh Hương bảo, quan trọng không phải là cách xưng hô, bởi vì là bà luôn kính trọng và yêu thương ông, ngược lại, ông cũng chăm chút, bao bọc bà, đó là cách để các con nhìn vào và cảm nhận.

Nam ơi, mỗi lúc nghĩ đến Nam, trong lòng H. lộn xộn nhiều thứ. Muốn nói với N. rất nhiều. Chính những lúc N. ốm này, H. mới thật thấy ít giúp gì được N., quan hệ giữa hai đứa chưa thực là quan hệ vợ chồng. Chỉ chung những ngày vui, những lúc đi chơi, mà chưa chung chịu những ngày đau yếu, những lúc N. cần đến H. nhất. Nam có nghĩ gì, có trách gì H. không? H. thấy bứt rứt vì ý nghĩ đó. Nam đừng suy nghĩ gì, đừng buồn, H. mong rằng tình yêu của chúng ta, của H. đối với N., hình ảnh của các con có thể là một sức mạnh đối với N. Trong những ngày đau yếu. Hôm qua, đọc nhật ký N., H. lạ là sao hay nghĩ đến những kỷ niệm buồn”, trích một đoạn trong lá thư nhà báo Thanh Hương viết gửi chồng ngày 27/5/1957.

Hương thân yêu. Cái khác hẳn và cao hơn hẳn của loài người với cây cỏ là họ có tình yêu. Ai mà có thể cắt nghĩa đầy đủ được hai chữ ấy! Chính vì tình yêu (theo nghĩa rộng nhất của nó) mà loài người trải qua bao nhiêu khổ đau, đã sống đến bây giờ. Mỗi năm đi qua, bên cạnh những kiểm điểm về công việc mình đã làm, những điều có ích mình đã thực hiện, mình thường có thói quen tự hỏi: “Mình đã đem lại cho H. được những gì? Mình đã làm H. vui nhiều, hay buồn nhiều?” Trước mắt mình, mình thấy rõ hình ảnh một người con gái tròn trĩnh, xinh xắn, thông minh mười hai tuổi, mười ba tuổi, rồi mười tám tuổi như một con chim nhỏ lạc vào vườn hoa với tất cả mơ ước, nhiệt tình của một tâm hồn trẻ tuổi.

Rồi cái buổi nào đó, rất nhiều ánh sáng, và không khí dịu mát, mình đã đến với H. H. đã đến với mình. Chỉ cần gặp H. một lần, thì lịch sử đã chép chung hai cuộc đời làm một rồi. Mình nói thế, không phải là “chủ quan”. Tất nhiên, còn phải “chép” bao nhiêu thứ lặt vặt khác trong cái “lịch sử” ấy, như hai năm nào đó... Nhưng thử hỏi xem: “Cuối cùng chúng ta vẫn đến với nhau như thế nào? Và sẽ còn đi với nhau đến tận bao giờ?”. Là một tâm hồn bạn của H., mình cũng mơ ước những mơ ước của H., xót xa những xót xa của H., có điều là mình bước theo H. những bước thường là im lặng, như một ngọn gió mát - mà không phải là bão táp theo H. trong cái hương thơm của một vừng đông nào...”, một lá thư nhà văn Vũ Tú Nam viết cho vợ.

Chân dung nhà văn Vũ Tú Nam - Thanh Hương thời gian gần đây. Ảnh do gia đình cung cấp.
Chân dung nhà văn Vũ Tú Nam - Thanh Hương thời gian gần đây. Ảnh do gia đình cung cấp.

Nhà báo Trần Bảo Hưng cho rằng, một điều thú vị là qua những lá thư của hai nhà văn nổi tiếng này, người sau sẽ biết được một phần công việc, cuộc sống và hình ảnh sinh động của nhều nhà văn, nhà thơ trong thời kháng chiến như: Vũ Cao (anh trai nhà văn Vũ Tú Nam), Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Văn Bổng, Xuân Quỳnh, Dương Thị Xuân Quý…

Nhà văn mỹ Lady Borton nhìn nhận về cuốn sách: “Tôi đang ngắm nhìn lịch sử đích thực, thứ lịch sử mà tôi yêu quý - những câu chuyện thật của con người, đầy ắp những sự việc thường ngày được thuật lại một cách trung thực, không hề có trong văn chương báo chí và văn chương học trò”.

Hà Tùng Long