1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Chuyện nữ ca sĩ qua đời chỉ sau một lần bị chê… hát dở

(Dân trí) - Là một phụ nữ giàu có với niềm đam mê ca hát, nữ ca sĩ này đã sống gần hết cuộc đời với niềm tin “ảo tưởng” rằng giọng hát của mình tuyệt hay. Tất cả sự thật về giọng hát của cô đều được người nhà bưng bít bằng tiền. Cho đến khi sự thật lộ ra, cô đã không đối diện nổi.

Nữ ca sĩ người Mỹ Florence Foster Jenkins đã dành ra nhiều năm ca hát với hy vọng một ngày nào đó sự nghiệp hát opera của mình sẽ có những bước tiến đáng kể. Cô đã biểu diễn trước hàng trăm lượt khán giả trên khắp nước Mỹ.

Nhưng điều mà Florence không hề hay biết, đó là những khán giả trầm trồ ngưỡng mộ giọng hát của cô, háo hức tìm tới, say mê nghe cô hát rồi vỗ tay nhiệt tình, thực tế, tất cả những điều họ làm đều không phải vì cô có một giọng hát hay… Hàng trăm con người có mặt tại những buổi biểu diễn solo quy mô nhỏ dành riêng cho Florence đều nhận được… tiền công.

Nữ ca sĩ người Mỹ Florence Foster Jenkins
Nữ ca sĩ người Mỹ Florence Foster Jenkins

Họ phải tỏ ra háo hức, họ chen nhau xếp hàng để được vào xem những buổi biểu diễn của cô, phần vì hiếu kỳ muốn được xem “nữ ca sĩ hát tệ nhất thế giới” thực sự… tệ đến mức nào, phần vì muốn nhận được chút tiền công vì đã kiên trì ngồi nghe Florence hát từ đầu đến cuối. Bản thân nữ ca sĩ là một người xuất thân giàu có và sở hữu khối gia sản kếch xù.

Ngày đó, những người đến nghe Florence hát đều bí mật gọi nữ ca sĩ bằng một biệt danh đáng buồn - “nữ ca sĩ hát tệ nhất thế giới”. Nhưng đương nhiên, điều này đối với cô là một bí mật bởi chồng cô đã bằng mọi cách che giấu đi những nhận định tiêu cực về giọng hát của vợ. Ông là St Clair Bayfield, cũng đồng thời là người quản lý, chịu trách nhiệm sắp xếp các buổi diễn cho vợ.

Người ta tin rằng cái chết của Florence ở thời điểm chỉ 2 ngày sau khi phát hiện ra sự thật về giọng hát của mình, chính là bởi sự chấn động quá lớn mà bà (khi đó đã ở tuổi 76) không thể chịu đựng nổi. Gần cả cuộc đời, Florence đã sống trong mộng tưởng rằng giọng hát của mình rất hay.

Sau một buổi biểu diễn quy mô lớn trước công chúng và bị chê bai thẳng thừng vì hát dở, Florence đã lần đầu tiên phải đối diện với một sự thật mà trước đó chồng bà đã dày công che giấu suốt nhiều thập kỷ.

Giờ đây, bộ phim tiểu sử hài “Florence Foster Jenkins” (2016) do nữ diễn viên tài danh người Mỹ Meryl Streep và nam diễn viên người Anh Hugh Grant đóng cặp sắp được ra mắt để kể lại câu chuyện kỳ lạ nhưng có thật này.

Một buổi biểu diễn “đặc biệt” tại nhà riêng của Florence
Một buổi biểu diễn “đặc biệt” tại nhà riêng của Florence

Nữ ca sĩ Florence Foster Jenkins sinh tháng 7/1868 ở bang Pennsylvania, Mỹ. Gia đình Florence rất giàu có, cha cô là một luật sư nổi tiếng. Khi còn là một đứa trẻ, Florence đã chơi đàn piano rất giỏi và đi biểu diễn trên khắp đất nước.

Tuy vậy, khi đến tuổi 17 và Florence vẫn muốn tiếp tục theo học trường nhạc để theo đuổi một sự nghiệp biểu diễn dài lâu, cha của cô đã rất phản đối và không chu cấp cho con gái thêm nữa. Cô liền bỏ trốn với người yêu.

Sau một lần bị thương ở cánh tay, Florence buộc lòng phải dừng sự nghiệp chơi đàn piano và ngay lập tức đối diện với sự nghèo túng. Mẹ của cô đã đến tìm con gái để đưa con trở về New York vào năm 1900, từ đây, Florence bắt đầu chuyển hướng sang ca hát.

Florence bắt đầu biểu diễn tại New York từ những năm đầu thế kỷ 20, người chồng chính thức của Florence cũng đồng thời là quản lý của cô - St. Clair Bayfield - đã đảm bảo rằng cô sẽ chỉ biểu diễn trước những khán giả “tinh tuyển”, những khán giả đến dự các buổi biểu diễn solo quy mô nhỏ của riêng cô, “chỉ để được nghe mình cô hát”.

Các khán giả này vào vai những người nghe nhạc say mê, háo hức. Florence đã sống trong mộng tưởng về giọng hát của mình và vẫn thường xuyên tổ chức những buổi biểu diễn solo quy mô nhỏ cho tới năm 1937.

Giờ đây, câu chuyện về cuộc đời nữ ca sĩ người Mỹ Florence Foster Jenkins đã được chuyển thể thành phim điện ảnh. Vai nữ chính do diễn viên tài danh người Mỹ - Meryl Streep - đảm nhận.
Giờ đây, câu chuyện về cuộc đời nữ ca sĩ người Mỹ Florence Foster Jenkins đã được chuyển thể thành phim điện ảnh. Vai nữ chính do diễn viên tài danh người Mỹ - Meryl Streep - đảm nhận.

Sau khi cha của Florence qua đời, nữ ca sĩ được thừa hưởng một gia tài lớn. Đây tiếp tục là nguồn chu cấp để chồng cô tiếp tục dày công che giấu một sự thật khắc nghiệt đối với Florence. Trong suốt nhiều thập kỷ ca hát, Florence đã luôn tưởng rằng giọng hát của mình rất hay và những khán giả chen nhau vào xem cô biểu diễn rồi vỗ tay vang dội đều vì hâm mộ cô thực sự.

Những người tìm đến nghe Florence hát phần vì muốn nhận được chút tiền công, phần vì hiếu kỳ muốn được tận mắt nhìn thấy người phụ nữ giàu có vốn được xem là “quý tộc” trong giới văn nghệ sĩ New York đương thời.

Những điều kỳ lạ xoay quanh “nữ ca sĩ hát tệ nhất thế giới” khiến nhiều người dân New York muốn một lần được có mặt tại buổi biểu diễn solo của Florence để sau đó có thể về kể lại cho người khác nghe.

Sự thật về giọng hát của Florence được giữ kín suốt nhiều thập kỷ cho tới khi bà quyết định biểu diễn ở nhà hát Carnegie Hall nổi tiếng. Ảnh trái là tờ giới thiệu nhạc mục của chương trình “định mệnh” trong cuộc đời Florence. Ảnh phải ghi lại cảnh bà đang tiếp một vị khách ở nhà riêng năm 1937.
Sự thật về giọng hát của Florence được giữ kín suốt nhiều thập kỷ cho tới khi bà quyết định biểu diễn ở nhà hát Carnegie Hall nổi tiếng. Ảnh trái là tờ giới thiệu nhạc mục của chương trình “định mệnh” trong cuộc đời Florence. Ảnh phải ghi lại cảnh bà đang tiếp một vị khách ở nhà riêng năm 1937.
Florence là một phụ nữ giàu có, thuộc giới thượng lưu và rất quảng giao. Bà được xem là “quý tộc” trong giới văn nghệ sĩ New York thời bấy giờ. Trong ảnh, Florence (phải) đang trao huy chương cho một nữ ca sĩ hát opera. Sinh thời, Florence đã thành lập nên nhiều câu lạc bộ để thường xuyên qua lại với các văn nghệ sĩ.
Florence là một phụ nữ giàu có, thuộc giới thượng lưu và rất quảng giao. Bà được xem là “quý tộc” trong giới văn nghệ sĩ New York thời bấy giờ. Trong ảnh, Florence (phải) đang trao huy chương cho một nữ ca sĩ hát opera. Sinh thời, Florence đã thành lập nên nhiều câu lạc bộ để thường xuyên qua lại với các văn nghệ sĩ.

Trailer phim “Florence Foster Jenkins” (2016)

Bí mật về giọng hát của Florence đã được giữ kín suốt nhiều thập kỷ cho tới khi bà quyết định sẽ một lần đứng trên sân khấu lớn, sẽ biểu diễn ở nơi mà bà vẫn hằng ước mơ - nhà hát Carnegie Hall nổi tiếng ở thành phố New York.

3.000 vé đã được bán ra, đó là lần đầu tiên công chúng New York có cơ hội được xem một buổi trình diễn mở cửa rộng rãi của nữ ca sĩ Florence “đại gia”.

Người ta đã đổ xô đến xem bởi sự hiếu kỳ, đương nhiên, lần này, chồng bà không thể nào dàn xếp, thao túng mọi việc được như ở những buổi biểu diễn solo quy mô nhỏ trước đây. Cuối cùng, ước mơ về một lần được đứng trên sân khấu lớn đã giết chết Florence theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Hai ngày sau khi buổi biểu diễn ở Carnegie Hall diễn ra, những tin tức trên mặt báo và dư luận trong thành phố đã liên tục hướng sự chê bai, chế giễu vào bà. Florence đã ngay lập tức qua đời ở tuổi 76, chỉ hai ngày sau buổi biểu diễn định mệnh trong đời.

Bích Ngọc
Theo Daily Mail