Chuyên gia hiến kế “cởi trói” luật giúp người đẹp Việt tránh nạn thi chui

(Dân trí) - Cựu người mẫu Thuý Hằng, “cha đẻ” của Hoa hậu Việt Nam Dương Kỳ Anh và Luật sư Tô Đình Huy đều đề xuất nên điều chỉnh lại luật để tạo hành lang thông thoáng cho hoạt động dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế.

Sửa luật để phù hợp với sự phát triển chung

Sự việc người đẹp Hồ Thị Oanh Yến “thi chui” Hoa hậu Thế giới Toàn cầu tại Philipine và những phản ứng của cô trước việc Cục NTBD cho rằng cô đã vi phạm Nghị định 158 về lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật trong tuần vừa qua đã dấy lên nhiều luồng dư luận trái chiều. Không ít ý kiến cho rằng, việc Nghị định 79 quy định những thí sinh đạt giải Nhất - Nhì - Ba trong các cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi và Người đẹp cấp tỉnh trở lên mới đủ điều kiện đại diện cho địa phương, cho quốc gia tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế là chưa phù hợp. Vì chưa phù hợp nên cần phải có sự điều chỉnh để tạo điều kiện cho các người đẹp có cơ hội được tham gia các cuộc thi nhan sắc phạm vi ngoài lãnh thổ.

Người đẹp Oanh Yến trong tiệc mừng vào tối 6/12.
Người đẹp Oanh Yến trong tiệc mừng vào tối 6/12.

Theo cựu người mẫu Thuý Hằng thì hiện nay trên thế giới có rất nhiều cuộc thi sắc đẹp lớn nhỏ khác nhau và phần lớn các cuộc thi đó đều do các đơn vị tư nhân tổ chức. Ví dụ, cuộc thi Miss Universe thuộc Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe Organization) được tạo thành bởi sự cộng tác giữa NBC và Tỷ phú Donald Trump; cuộc thi Hoa hậu Thế giới thuộc Công ty TNHH Hoa hậu Thế giới là một công ty tư nhân do Ông Eric Morley sáng lập và hiện nay bà Julia Morley (vợ ông) làm chủ tịch cuộc thi.

Như vậy, phần lớn các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới đều không thuộc quyền quản lý của các cơ quan Nhà nước, họ được tự do tổ chức các cuộc thi quốc gia và tiếp tục thi các cuộc thi quốc tế. Nhưng tất cả các Hoa hậu khi tham gia các cuộc thi này, họ đều có ý thức đóng góp trách nhiệm cho cộng đồng cũng như trách nhiệm cá nhân đối với BTC cuộc thi.

Tuy nhiên tại Việt Nam, lịch sử về việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp chưa lâu, việc các người đẹp tham gia các cuộc thi nhưng chưa đảm bảo đầy đủ các trách nhiệm của mình với BTC cũng như với cộng đồng. Sự hiện diện của họ đôi khi có ảnh hưởng tốt nhưng cũng đôi khi có những ảnh hưởng chưa tốt.

Có quá nhiều các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam do các đơn vị khác nhau tổ chức nhưng chưa đảm bảo được đúng quy định về pháp luật cũng như chưa đảm bảo được quyền lợi cho thí sinh bởi vậy các cơ quan chủ quan đã đưa ra Luật quy định về các cuộc thi trong nước cũng như quy định về việc cấp phép cho các thí sinh Việt Nam tham dự các cuộc thi quốc tế.
Nhưng Luật cũng nên điều chỉnh để phù hợp với thời gian và sự phát triển chung, tạo điều kiện cho các người đẹp Việt Nam có cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra bạn bè quốc tế.

Cựu người mẫu Thuý Hằng cho rằng nên điều chỉnh luật để phù hợp với thời gian và sự phát triển chung.
Cựu người mẫu Thuý Hằng cho rằng nên điều chỉnh luật để phù hợp với thời gian và sự phát triển chung.

Người mẫu Thuý Hằng cho rằng, nếu được nên thành lập một Hội đồng thẩm định các cuộc thi, họ sẽ có trách nhiệm khảo sát các cuộc thi trên thế giới với những tiêu chí cụ thể về lịch sử cuộc thi, BTC cũng như đơn vị nắm giữ bản quyền cuộc thi và phân cấp các cuộc thi lớn – nhỏ, sau đó sẽ đưa ra quy định cụ thể cho các người đẹp tham dự cuộc thi.

Chẳng hạn, Top 5 cuộc thi lớn và danh giá nhất thế giới (Miss World, Miss Universe, Miss Earth, Miss International, Miss Supranational) dành cho Top 3 các người đẹp đạt giải quốc gia. Top 10 các cuộc thi tiếp theo dành cho các người đẹp đạt Top 10 hoặc giải phụ thuộc các cuộc thi quốc gia. Các cuộc thi nhỏ còn lại sẽ được xét theo các tiêu chí khác, phụ thuộc vào mục đích từng cuộc thi.

Với các cuộc thi nhỏ, thí sinh đăng ký xin giấy phép sẽ phải có một bản giới thiệu về cuộc thi do BTC cuộc thi gửi (bao gồm cả lịch sử cuộc thi và hồ sơ năng lực cuộc thi), một bản giấy mời thí sinh; đồng thời thí sinh cũng phải chứng minh được năng lực tài chính để đảm bảo tham gia cuộc thi không gây ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia cũng như nộp một khoản lệ phí (như lệ phí visa) để xin cấp phép.

Ngoài ra, Hội đồng thẩm định có quyền xét duyệt và chấm thí sinh trước khi phê duyệt cho thí sinh tham gia cuộc thi đó. Chẳng hạn, thí sinh sẽ phải trình diễn các trang phục theo yêu cầu của BTC, trả lời các câu hỏi do Hội đồng thẩm định đưa ra và hùng biện về bản thân để thuyết phục Hội đồng thẩm định phê duyệt…

Có thể thông qua hội và hiệp hội để kiến nghị sửa luật

Tương tự, Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh – “Cha đẻ” của Hoa hậu Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam cần nới lỏng luật để tạo điều kiện cho các người đẹp có cơ hội được tham gia các cuộc thi nhan sắc ở ngoài nước.

“Các bạn trẻ nhận thấy mình đẹp, có thể đáp ứng được các điều kiện của cuộc thi, có đủ điều kiện để ra nước ngoài… thì nên tạo điều kiện cho họ. Tuy nhiên, luật cũng nên quy định cụ thể rằng, các người đẹp đạt giải cao hoặc đã có danh hiệu tại các cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp… trong nước thì mới được phép đại diện cho đất nước đi thi, còn những người không nằm trong đối tượng quy định đó nếu có nhu cầu chỉ được phép đi thi với tư cách cá nhân nếu không phải là đối tượng đang vi phạm pháp luật. Và khi đã đi thi như thế thì tuyệt đối không được lấy danh nghĩa của quốc gia và càng không được làm gì ảnh hưởng đến quốc gia, dân tộc. Nếu vi phạm lúc đó phạt thì mới hợp lý”, “Cha đẻ” của Hoa hậu Việt Nam nói.

Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh - cha đẻ của Hoa hậu Việt Nam.
Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh - "cha đẻ" của Hoa hậu Việt Nam.

Nói về các trường hợp người đẹp thi chui bị Cục NTBD xử phạt gần đây, nhà thơ Dương Kỳ Anh cho rằng, không nên xử phạt vì dù sao đó cũng là “thành tích” nho nhỏ mà họ mang về cho cá nhân và đất nước.

Thạc sĩ, Luật sư Tô Đình Huy - Trưởng văn phòng Luật sư Tô Đình Huy cho rằng, việc người đẹp đi ra nước ngoài tham gia các cuộc thi sắc đẹp vẫn cần có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập trong lĩnh vực văn hóa ngày càng sâu rộng như hiện nay, Việt Nam cần thể hiện và nâng cao hình ảnh con người, văn hóa, du lịch… thì cần có chính sách mang tính chất khuyến khích người đẹp ra nước ngoài thi sắc đẹp.

Người đẹp Lâm Thuỳ Anh từng bị phạt 22,5 triệu vì đã thi chui Hoa hậu Sắc đẹp hoàn cầu.
Người đẹp Lâm Thuỳ Anh từng bị phạt 22,5 triệu vì đã "thi chui" Hoa hậu Sắc đẹp hoàn cầu.

Quy định về điều kiện đối với các thí sinh được phép ra nước ngoài dự thi như hiện nay là hẹp và cứng nhắc, dẫn đến các trường hợp cố tính “xé rào” như thời gian qua.

Thế tế thì nhiều trường hợp đơn thuần vi phạm quy định của pháp luật chứ không gây tổn hại đến lợi ích của tổ chức hay cá nhân. Các trường hợp xử phạt Oanh Yến và một số người đẹp như thời gian qua là đúng pháp luật nhưng chưa thuyết phục được dư luận bởi sự không phù hợp về mặt thực tiễn của hoạt động.

“Theo tôi, các quy định về điều kiện phải cần được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, quy định điều kiện thi người đẹp quốc tế như điều kiện đối với cuộc thi trong nước và thêm một số tiêu chí để phù hợp với môi trường quốc tế như ngoại ngữ... đó phải là những điều kiện cơ bản để thí sinh có thể tham gia một cuộc thi. Các tiêu chí lựa chọn thí sinh cao hơn là phần của BTC cuộc thi và thí sinh tham gia đương nhiên phải đáp ứng”, ông Huy nói.

Theo ông Huy, với thực trạng pháp luật như hiện nay, các người đẹp cần thông qua các hội, hiệp hội của mình đang tham gia để kiến nghị với Chính phủ, Bộ VH,TT&DL xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để tạo hàng lang pháp lý thông thoáng hơn cho hoạt động dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế.

Hà Tùng Long