Chuyện đời ông “Phương khói lửa”

(Dân trí) - Sau vụ cháy nổ kinh hoàng làm 11 người chết, xuất hiện nhiều lời thương cảm lẫn trách móc ông Phương “khói lửa”. Nhưng dù thế nào, trong mắt nhiều người, ông vẫn là “gã tử tế”, yêu nghề đến độ si mê.

Bỗng dưng thành “Phương khói lửa”

Khi vụ nổ kinh hoàng làm 11 người chết xảy ra, cái tên “Phương khói lửa” mới được nhiều người biết đến. Nhưng với những người trong nghề, cái tên này không còn xa lạ mà rất đỗi thân thương, chân thành như chính chủ nhân của cái biệt danh lạ ấy - Lê Minh Phương.

Người đàn ông sinh năm 1958 này có tên khai sinh là Trần Ngọc Lâm. Sau ngày đất nước thống nhất, ông làm quản lý ở bến xe Đà Lạt (Lâm Đồng). Công việc hàng ngày của ông là xếp tài (có quyền cho xe xuất bến, nhập bến). Giữa cái không gian làm việc xô bồ, lắm “đàn anh đàn chị” như vậy, chính nhờ tính hiền lành của mình, ông đã thu phục được tình cảm của bao con người vốn... "khó đào tạo". Ông trở thành ông chủ quản lý bến xe, tiền bạc rủng rỉnh, cánh tài xế đối với ông “một dạ, hai thưa”.
 
Phương khói lửa, con người của sự cần mẫn, hiền lành, yêu nghề nhưng bạc mệnh
"Phương khói lửa", con người của sự cần mẫn, hiền lành, yêu nghề nhưng bạc mệnh

Giữ vị trí này một thời gian, ông Phương đi bộ đội và trở thành cán bộ quân khí chuyên chế tạo công cụ, sửa chữa vũ khí. Thời gian đó, đoàn làm phim Người Bình Xuyên tức Dưới Cờ Đại Nghĩa của TFS do đạo diễn Tường Phương và Phương Nam thực hiện có rất nhiều cảnh bắn súng và nhiều vụ nổ hoành tráng. Lê Minh Phương được đơn vị cử đi phục vụ các cảnh cháy nổ cho đoàn phim này.

Tuy nhiên, một công văn của UBND TPHCM cấm đoàn làm phim sử dụng thuốc nổ thật trong các cảnh quay. Anh cán bộ quân khí vắt óc suy nghĩ trong 2 tháng để làm sao có khói, lửa, tiếng súng mà không phải là súng thật, nổ thật như TNT. Cuối cùng, sự miệt mài của ông đã được đền đáp khi chế tạo cho hãng phim một số trái nổ sinh hơi và súng bắn đạn giả như thật. Nghề dạy nghề, ông Phương còn đúc những cây súng bằng gang, bằng nhựa composite thay cho những khẩu súng thật nhưng bắn nổ đùng đoàng... Thế là từ một cán bộ quân khí, Lê Minh Phương thoắt trở thành chuyên gia với cái tên “Phương khói lửa”.

Làm khói lửa để nuôi giấc mơ phim

Nghề làm khói lửa phim trường nguy hiểm nên chẳng mấy ai theo. Còn với ông Phương, càng làm càng nghiền. Mà thú thật, nếu "Phương khói lửa" không nhúng tay thì những bộ phim có cảnh cháy nổ, bắn nhau... chẳng còn gì thú vị. Cái tên "Phương khói lửa" góp phần không nhỏ cho thành công của các bộ phim như: Áo lụa Hà Đông, Ông Trùm, Dưới Cờ Đại Nghĩa...

Ngày nay, khi phim nước ngoài sử dụng công nghệ 3D trong các cảnh quay cháy nổ thì ông Lê Minh Phương vẫn miệt mài với các phương pháp thủ công. Chính vì vậy, “nghiệp khói lửa” của ông đã xảy ra nhiều câu chuyện thật mà như đùa.

Đó là lần quay cảnh cháy nổ trong tiểu đoạn du kích đánh úp một đoàn quân Pháp cho bộ phim Dưới Cờ Đại Nghĩa, những trái nổ được Phương cài sẵn nhưng không chịu… nổ. Toát mồ hôi, ông lao xuống nước lần theo các dây gài kiểm tra thì đạn phát nổ. May mà không xảy ra thương vong nhưng đoàn làm phim được một phen hú vía…

Nghề nguy hiểm là vậy nhưng có những hợp đồng với giá rẻ bèo mà ông vẫn ký, chỉ vì với ông: “Giúp nhau là chính”. Ngoài ra với ông, nghề khói lửa chỉ là bước đệm để ông hiện thực hóa ước mơ... thành đạo diễn tên tuổi, giám đốc của một hãng phim tầm cỡ.

Dẫu bạn bè can ngăn, "Phương khói lửa" vẫn quyết tâm đầu tư tiền bạc thành lập công ty Tháp Đôi để sản xuất phim. “Giàu nghèo có số…” - ông quan niệm như vậy và vướng một vụ lình xình đầu tiên khiến ông không khỏi buồn lòng. Ông đổi tên công ty thành Lạc Việt. 
 
Không còn Phương khói lửa, những cảnh quay tương tự thế này thiếu sinh động
Không còn "Phương khói lửa", những cảnh quay tương tự thế này thiếu sinh động

Bộ phim đầu tiên của Lạc Việt đầu tư là Xanh Mãi Đồi Trà chất lượng không cao do kinh phí thấp và đạo diễn kém tay nghề do chưa từng làm phim nào trừ phim tốt nghiệp. Có những phim không được tài trợ hoàn toàn thì tìm đến Lê Minh Phương vì giá nào ông cũng nhận. Thậm chí, ông chấp nhận tất cả để vừa làm phim vừa bù lỗ cho phim! Và rồi, hậu quả tất yếu xảy ra khi ông thực sự đuối trong quá trình trở thành nhà sản xuất phim, đạo diễn và kể cả viết kịch bản. Thu nhập của giám đốc hãng phim Lạc Việt nếu tính ngày còn thua xa một diễn viên đóng thế và nếu tính tháng thua cả một anh phụ quay phim. Sau vài phim, Giám đốc Lê Minh Phương bèn quay lại nghề cũ- “Phương khói lửa” để có tiền xoay sở hàng ngày.

“Có rất nhiều người vào nghề làm phim sau một thời gian khá lên trông thấy. Nhưng ông Phương thì ngược lại. Chỉ sau vài năm quyết tâm làm phim chiếu truyền hình, tài sản cắp nón ra đi gần hết. Chẳng những vậy, Lạc Việt Phim không chỉ là con nợ đầm đìa mà còn là con nợ dai...”, một đạo diễn ngậm ngùi kể về người bạn xấu số.

Trong giới văn nghệ sĩ, người ta biết đến Lê Minh Phương không chỉ với biệt danh “Phương khói lửa” mà còn là một nhà làm phim dễ thương, hiền lành, mê điện ảnh đến độ si mê. Cuộc đời ông có nhiều chuyện khôi hài tưởng như đùa trong giới làm phim. Và giờ đây khi bạn bè, đồng nghiệp nhắc về ông cũng bởi những giai thoại dễ thương như thế...

Ngô Công Quang