1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Chạy theo thị hiếu tầm thường, chọc cười tức thời… sẽ khó lòng tồn tại?

(Dân trí) - Mới đây tại Hà Nội đã diễn ra buổi hội thảo về “Vai trò chỉ đạo nghệ thuật ở các Nhà hát Hà Nội hiện nay”. Nhiều chuyên gia về sân khấu đã bày tỏ những trăn trở liên quan đến chuyện sống còn của các nhà hát hiện nay.

Các nhà hát đang bị thiếu phong cách riêng

Trong buổi họp báo Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2018, NSƯT Lê Chức phát biểu tâm huyết rằng, chưa bao giờ ông thấy hoạt động biểu diễn sân khấu khó khăn như hiện nay. Nhiều nhà hát đang trở thành những người “ăn xin” nhà nước vì không kéo được khán giả đến rạp hoặc không bán được vé.

Thậm chí, nhiều cuộc liên hoan sân khấu cũng chỉ là đồng nghiệp ngồi xem với đồng nghiệp. Theo NSƯT Lê Chức, sân khấu của chúng ta ngày hôm nay đang hoàn toàn thiếu đi những người trẻ và đang thiếu kịch bản.

Tương tự, NSND Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội lại cho rằng, sự yếu thế của các đơn vị nhà nước trước “cơn lốc” tư nhân, xã hội hóa hoạt động nghệ thuật là điều thấy rõ. Nghệ thuật nước nhà đang tồn tại hai dòng, một là những chương trình được nhà nước đầu tư nhưng chỉ làm nhiệm vụ chính trị, không bán được vé; hai là các chương trình nghệ thuật do tư nhân đầu tư, dàn dựng (sân khấu ca nhạc…) thì ngược lại.

Toàn cảnh buổi hội thảo Vai trò chỉ đạo nghệ thuật ở các Nhà hát Hà Nội hiện nay diễn ra tại Hà Nội.
Toàn cảnh buổi hội thảo "Vai trò chỉ đạo nghệ thuật ở các Nhà hát Hà Nội hiện nay" diễn ra tại Hà Nội.

“Ở thời điểm hiện nay, tôi khẳng định không có vở diễn nào ra đời có thể thu hút được sự chú ý của đa số công chúng như mấy chục năm về trước. Tuy nhiên, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người Việt đã bắt đầu có sự phân hóa rõ ràng như: nhạc giao hưởng, opera, ballet.. đã dần dần có những lớp khán giả riêng.

Vấn đề cơ bản hiện nay là sân khấu của chúng ta đang thiếu những vở diễn lớn. Nguyên nhân một phần do tình hình thực tế khó khăn, một phần do các đơn vị nghệ thuật quá mải chạy theo thị hiếu khán giả bình dân, thành phần chiếm đa số.

Sân khấu của chúng ta hiện rất thiếu phong cách riêng. Chính xác là thiếu cán bộ chỉ đạo nghệ thuật thực sự. Người chỉ đạo nghệ thuật thông thường là giám đốc các nhà hát. Vậy nên chúng ta đang bị tình trạng “xem một đoàn biết được nhiều đoàn”.

Chính vì thế, cái gọi là “hiệu ứng cười” mới dễ dàng lan rộng trong các nhà hát như vậy. Đương nhiên, ngoài những chức năng chính của nghệ thuật như nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, chức năng giải trí cũng vô cùng quan trọng và rất nhiều khán giả chỉ có nhu cầu giải trí tức thời vì vậy họ tìm đến các nhóm hài.

Vấn đề ở chỗ các nhà hát hiện nay chưa xác định được đâu là thế mạnh riêng của từng đơn vị nên chỉ chạy theo cái mà nơi khác đã thành công. Tất nhiên, chủ trương đó cũng không sai, trong tình trạng hiện nay các nhà hát phải dùng hài kịch để lấy ngắn nuôi dài là đúng. Nhưng chỉ chạy theo thị hiếu, hoặc lấy những cách chọc cười tức thời ấy làm mục tiêu thì không đúng”, NSND Quốc Chiêm nhấn mạnh.

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày càng đa dạng chứ không như ngày xưa, cứ có văn công về làng là công chúng hồ hởi đến xem.

Ngày nay, sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật - công nghệ thông tin khiến nhà hát nào cũng phải có khán giả riêng của mình. Tại TP. HCM, khi sân khấu tư nhân phát triển, họ có khán giả riêng thì cũng có đội ngũ tác giả, đạo diễn và diễn viên riêng.

Để có một phong cách riêng, cần có một kịch mục tạo nên diện mạo nhà hát. Thực tế các đơn vị nghệ thuật phía Bắc hiện nay ít làm được điều này. Việc hình thành một kịch mục tạo nên phong cách của nhà hát chưa có và nhiệm vụ của “chỉ đạo nghệ thuật” trong lĩnh vực này bị bỏ trống”.

Nhà Lý luận - Phê bình nghệ thuật Cao Minh nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại nhà nước đang hô hào tiến vào kỷ nguyên 4.0. Nghệ thuật sân khấu nếu không tự mình gỡ bỏ những tư duy cũ, quan điểm cũ, cách nhìn cũ… thì chắc chắn sân khấu sẽ không thể hưng thịnh được.

Chỉ đạo nghệ thuật mỗi nhà hát phải thay đổi tư duy

NSND Mạnh Tưởng phát biểu rằng, đối với mỗi một nhà hát hoặc đơn vị nghệ thuật, người giữ vai trò chỉ đạo nghệ thuật sân khấu là người góp phần tạo nên sự thành bại của tác phẩm và sức sống cho nhà hát. Bởi lẽ đó mà người chỉ đạo nghệ thuật sân khấu phải am hiểu tường tận cả thơ, ca, nhạc, họa, múa…

Ngày xưa, các đoàn hát đều có thầy tuồng và thầy tuồng là một người vô cùng tài năng trong nghệ thuật. Thời điểm đó, thầy tuồng vừa là tác giả, vừa là người dàn cảnh, vừa là diễn viên và có khi còn là nhạc công nữa...

“Chẳng hạn, sân khấu Hà Nội của chúng ta có NSND Sĩ Tiến ở đoàn cải lương Kim Chung, sau này là cải lương Chuông Vàng. Ông là một thầy tuồng đích thực của sân khấu cải lương xứ Bắc. Ông vừa viết vở vừa dàn cảnh và đóng cả vai chính. Vì vậy ông rất xứng đáng được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh do nhà nước truy tặng.

Hoặc như soạn giả Nguyễn Đình Nghị cũng là người dàn cảnh, nghệ sĩ biểu diễn, thầy tuồng nổi tiếng của sân khấu Chèo - Cải lương Việt Nam. Cụ có công lớn trong việc sáng tạo và giữ gìn phát triển sự thịnh vượng của nền nghệ thuật sân khấu Chèo - Cải lương với tư cách là tác giả của hơn 60 vở Chèo - Cải lương hiện được nhà xuất bản sân khấu sưu tầm và in ấn.

Tôi rất băn khoăn hiện nay có vài vị trưởng đoàn hoặc giám đốc nhà hát ghi tên họ là chỉ đạo nghệ thuật trong khi thực tế chưa bao giờ đóng góp và làm gì cho sáng tạo nghệ thuật cả”, NSND Mạnh Tưởng nhấn mạnh.

NSƯT Nguyễn Đăng Tiến cho rằng, chỉ đạo nghệ thuật nhà hát có chức năng quan trọng ảnh hưởng đến tương lai lâu dài của đơn vị. Nói ví von thì công việc đó tựa người dọi đèn đi trước, vừa phải có cặp mắt tinh anh, lại có óc phán đoán nhạy bén để không đưa đoàn người đi vào ngõ cụt.

“Mỗi nhà hát đều có đối tượng khán giả riêng của mình, người chỉ đạo nghệ thuật phải tìm hiểu nắm vững thị hiếu thẩm mỹ những người xem để từ đó xây dựng phương hướng nghệ thuật hàng năm cũng như lâu dài.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, nghệ thuật thế giới phát triển không ngừng, người chỉ đạo nghệ thuật phải cập nhật liên tục thông tin các trào lưu phong cách, kỹ năng đạo diễn, kỹ thuật biểu diễn, diễn viên đến công nghệ âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo sân khấu... để áp dụng hiệu quả cho đơn vị. Điều cốt lõi là phải chọn lọc bài bản, chính xác… tránh tình trạng đẽo cày giữa chợ dẫn đến sai lệch định hướng ban đầu”.

Theo NSND Thanh Trầm, để một nhà hát tồn tại và có nhiều vở diễn hay thì vai trò chỉ đạo nghệ thuật rất quan trọng và cần thiết. Người chỉ đạo nghệ thuật trước hết phải là người giỏi về trình độ, có chủ trương định hướng, phong cách của một nhà hát và phải có hiểu nghề.

“Chúng ta đều biết, chủ trương xã hội hóa sân khấu không thu được mấy thành tựu. Các nhà hát từ trước đến nay vẫn phải sống nhờ bầu sữa nhà nước. Nhà nước không cấp kinh phí hoạt động, các nhà hát làm sao sống nổi, đặc biệt trong thời sân khấu vô cùng ảm đạm hôm nay.

Lãnh đạo một đơn vị sân khấu trước kia là đoàn trưởng, nay là giám đốc. Đơn vị sân khấu ấy năng động, hay, dở, có nhiều vở diễn có giá trị, được công chúng biết nhiều và yêu mến… nhiều khi phụ thuộc vào người lãnh đạo cao nhất. Nếu như giám đốc nhà hát nào có tâm, có tầm, có nghề, năng động, biết thu hút và đối đãi người tài… thì đơn vị nghệ thuật sân khấu ấy nghệ sĩ, diễn viên… rạng danh, có thu nhập và ngược lại”, Nhà Lý luận - Phê bình nghệ thuật Cao Minh nói thêm.

Hà Tùng Long