1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Chàng rể Anh và di sản kiến trúc Việt

Gần 20 năm chọn Việt Nam là nhà, nhà nghiên cứu văn hóa Tim Doling miệt mài cống hiến thầm lặng nhiều kiến thức và tâm huyết của mình cho văn hóa Việt.

Những kiến thức của Tim Doling về Sài Gòn xưa và nay có lẽ phải khiến bất cứ một người Việt Nam nào cũng phải ngả mũ. Ông chia sẻ về việc bảo tồn di sản kiến trúc Sài Gòn mà lâu nay ông là thành viên tích cực bằng giọng tiếng Việt rất sõi.

T

Tim Doling với những nghiên cứu của mình, như góp tiếng kêu báo động gây chú ý cho báo chí và giới hữu trách về tình trạng bất ổn trong việc bảo tồn di sản kiến trúc ở Sài Gòn -TP.HCM lâu nay.

Khởi đầu như một người con rể Việt Nam

Phóng viên: Xin ông cho biết do đâu và từ khi nào ông bắt đầu quan tâm đến lịch sử Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng với những khía cạnh di sản như công trình kiến trúc, công trình giao thông mang tính lịch sử, văn hóa?

Nhà nghiên cứu Tim Doling: Năm 1989, lần đầu tiên tôi đến Việt Nam như một khách du lịch. Sau đó tôi bắt đầu làm một số dự án phát triển văn hóa nghệ thuật, hợp tác với Bộ Văn hóa Việt Nam. Năm 1996, tôi lấy vợ Việt Nam. Từ năm 1999 đến năm 2004, tôi làm việc với Bộ Văn hóa trong một dự án do Quỹ Ford tài trợ để phát triển giáo trình quản lý văn hóa nghệ thuật trong các trường ĐH và CĐ. Tôi đã nghỉ hưu vào năm 2010 và quyết định sống tại TP.HCM với vợ và con gái của mình. Từ đây tôi đã bắt đầu quay lại nghiên cứu lịch sử theo ngành học ĐH của mình và tập trung vào TP.HCM, bởi vì tôi tin rằng điều quan trọng là phải hiểu được lịch sử của nơi mà mình đang sống. Sau khi trở thành một người con rể của Việt Nam, tôi đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.

Tôi muốn giúp nâng cao nhận thức về di sản

Được biết TP.HCM hiện chỉ có năm công trình kiến trúc trên 100 tuổi mà sự thật kinh khủng là cả năm công trình này đều đã có đề án đập bỏ hết sạch. Ông đã và đang làm gì trong khả năng của mình trước thực tế đó?

Đối với hầu hết tòa nhà cổ ở TP.HCM, có nguy cơ bất cứ ai cũng có thể phá hủy và phá hủy bất cứ lúc nào. Tôi là người nước ngoài và tôi không được can thiệp vào các vấn đề do người Việt Nam quyết định. Tuy nhiên, tôi có thể viết về những tòa nhà cũ để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nó. Tôi rất hy vọng điều này sẽ giúp nhóm bảo tồn di sản (được thành lập dưới sự lãnh đạo của Tổng Lãnh sự Phần Lan, đang thu thập thông tin về các tòa nhà lịch sử trong TP - PV) trong nỗ lực của họ để hỗ trợ gìn giữ di sản. Quan trọng nhất là phải liệt kê toàn diện các tòa nhà và đường phố lịch sử tại TP.HCM có giá trị di sản và đăng ký là di tích lịch sử. Đây là công việc mà Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa mới bắt đầu làm trong dự án hợp tác với cơ quan Pháp Centre de Prospective et d’Études Urbaines. Nhưng đối với các tòa nhà cổ bị đe dọa phá hủy, thời gian cho chúng ta không còn nhiều. Đó là lý do tại sao nhóm mở đầu chiến dịch truyền thông “bảo tồn một phần hay toàn phần thương xá Tax Sài Gòn”. Từ tháng 10-2014, nhóm đã thành lập một “Đài quan sát di sản Sài Gòn” để mở rộng các hoạt động của mình nhằm mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của bảo tồn di sản.

Việt Nam nên học hỏi từ sai lầm của thế giới

Ông từng làm việc trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa ở nhiều quốc gia, ông thấy vấn đề bảo tồn di sản của Việt Nam đáng báo động nhất là ở điểm nào?

Tình trạng phá hủy các tòa nhà di sản như là một phần của phát triển kinh tế đã xảy ra trước đây ở rất nhiều nước trên thế giới. Hiện nay ở Việt Nam, các tòa nhà di sản đang bị đe dọa phá hủy ở khắp nơi nhưng có lẽ mối đe dọa lớn nhất là ngay tại TP.HCM, tốc độ phá hủy trong những năm gần đây rất nhanh chóng. Để đạt được sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, việc bảo tồn các tòa nhà di sản cần được ưu tiên trong chính sách của chính quyền trung ương và địa phương, không chỉ vì nó là những tòa nhà cổ tuyệt đẹp. Trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bảo tồn và phát huy di sản vật thể có thể cung cấp lợi ích kinh tế cho TP. Những công trình kiến trúc di sản có thể làm tăng lên giá trị tài sản, tăng cường đời sống văn hóa thông qua việc sử dụng các tòa nhà cũ như không gian văn hóa và quan trọng nhất là việc khuyến khích du lịch văn hóa di sản.

Ở quê hương nước Anh của ông hay các nước châu Á họ có cách bảo vệ di sản thế nào? Ông có gì tâm đắc trong cách làm của họ?

Nhiều nước phương Tây như Anh, Mỹ, Pháp, Ireland cùng với một số nước châu Á như Singapore hay Nhật đã chấp nhận hy sinh các tòa nhà di sản để trải qua làn sóng hiện đại hóa và phát triển. Nhưng sau đó họ đã hối tiếc về sự hủy diệt này. Bây giờ các nước này cố gắng bảo tồn những di tích còn lại, bởi vì các tòa nhà lịch sử không chỉ cung cấp đặc điểm riêng biệt và bản sắc đặc biệt cho TP mà còn đóng một vai trò quan trọng và bền vững trong phát triển kinh tế. Tôi hy vọng Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng sẽ có thể học hỏi từ những sai lầm của những nước trên thế giới trước khi quá muộn.

Việc nghiên cứu của ông, ngoài cung cấp kiến thức cho người Việt Nam, có còn đem lại lợi ích gì khác?

Khi nghiên cứu về lịch sử các công trình kiến trúc của TP.HCM, tôi còn muốn giới thiệu nó cho khách du lịch nước ngoài. Tôi thấy rằng hầu hết du khách nước ngoài chỉ tham quan dinh Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và chợ Bến Thành rồi thôi. Trong khi đó tôi biết có nhiều địa diểm lịch sử khác có khả năng thu hút du khách nước ngoài và giúp TP này trở thành một trung tâm du lịch di sản. Tôi cũng đã viết nhiều quyển sách khác về du lịch, văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Ngoài Sài Gòn, ông có ý định nghiên cứu, giới thiệu về các công trình kiến trúc mang tính di sản của Việt Nam ở nhiều tỉnh, thành khác?

Tôi hiện đang nghiên cứu một cuốn sách du lịch để giới thiệu các di tích lịch sử Đà Nẵng và trong tương lai tôi cũng muốn viết một cuốn sách về Hải Phòng, một TP vẫn có rất nhiều công trình kiến trúc quan trọng.

Xin cám ơn ông.

Theo Hòa Bình
Pháp Luật TPHCM