Câu chuyện về 2 cha con cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh

(Dân trí) - Tháng 3-4/1975 Phó Cục trưởng Cục Quân nhu Từ Giấy và con trai Từ Đễ cùng hướng tới Sài Gòn bằng con đường khác nhau: người cha đi theo đường mòn Hồ Chí Minh, người con đi bằng máy bay.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cả dân tộc ra trận. Hàng vạn gia đình có nhiều người đi bộ đội, lên bưng biền, có nhiều gia đình cả hai thế hệ cùng lên đường chống Mỹ. Nhưng những gia đình mà cả hai cha con đều tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thì không nhiều. Một trong số những gia đình ít ỏi đó là gia đình Giáo sư Từ Giấy. Hai cha con đi chiến dịch với nhiệm vụ khác nhau và đường đi khác nhau nhưng đều hướng tới đích là giải phóng Sài Gòn. 
 
Hai cha con GS. Từ Giấy cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh
Hai cha con GS. Từ Giấy cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh

Đi theo đường mòn Hồ Chí Minh : ngày 20/3/1975, sau khi bộ đội ta giải phóng Tây Nguyên, Giáo sư được cử tham gia đoàn công tác của Cục Quân nhu vào Miền nam với nhiệm vụ tổ chức bảo đảm quân nhu cho các chiến dịch tiếp theo. Đoàn công tác gồm 14 người do Giáo sư làm Trưởng đoàn, ông Phan Nhượng làm bí thư chi bộ, tôi là Đặng Trọng Sùng làm phó bí thư chi bộ. Ngay khi nhận nhiệm vụ, ông đã linh cảm về một ngày chiến thắng đang tới gần. Trên đường hành quân, ông tâm sự:” Trong kháng chiến chống Pháp khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi đã linh cảm và tin vào ngày chiến thắng. Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi đã nhiều lần vào chiến trường, nhưng lần này, tôi mường tượng về một chiến dịch rất lớn sắp bắt đầu và ngày toàn thắng không xa. Niềm tin của ông vào ngày toàn thắng và lời bài hát “Lá đỏ” “ …hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn !” vang lên khi các đoàn quân gặp nhau lan tỏa trong đoàn công tác, thôi thúc đoàn tăng tốc độ hành quân. Đến 29/3/1975 đoàn đã vào tới Lộc Ninh- đại bản doanh của Bộ Tư lệnh Miền Nam. 

Đi bằng đường không: cuối tháng 3/1975 Bộ tư lệnh quân chủng Phòng không- Không quânnhận được lệnh “ chuẩn bị tham gia chiến dịch”. Bộ Tư lệnh quân chủng đã họp bàn và đưa ra nhiều phương án khác nhau. Nhưng gợi mở của Tư lệnh Lê Văn Tri” liệu có thể lấy máy bay địch đánh địch?” đã mở ra hướng giải quyết. Ý tưởng của Tư lệnh càng được củng cố sau khi giải phóng sân bay Đà Nẵng ta thu được khá nhiều máy bay A-37 của quân đội Sài Gòn. Tư tưởng chỉ đạo của Bộ thống soái tối cao lúc đó là “ Thần tốc-táo bạo-quyết thắng”. Tư tưởng đó đã được lãnh đạo Quân chủng, các kỹ sư, phi công của “Phi đội Quyết thắng” thực hiện hết sức sáng tạo. Ngày 2/4/1975 đoàn cán bộ kỹ thuật của Quân chủng do đại úy Hồ Thanh Minh đã bay vào Đà Nẵng để tiếp quản và phục hồi máy bay A-37. Chiều ngày 22/4 các phi công của phi đội 4 Trung đoàn 923 cũng tới Đà Nẵng. Đây là các phi công lái MIG 17 do Liên Xô chế tạo.

Thông thường để chuyển loại máy bay phải mất 3 tháng, nhưng với tinh thần” thần tốc”, các phi công chỉ có 5 ngày làm quen và với 90 phút bay thử nghiệm, sau đó phi đội cơ động vào sân bay Thành Sơn ở Phan Rang. Chiều 28/4/1975 phi đội Quyết thắng gồm Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On xuất kích đi ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Trận đánh lịch sử này đã phá hủy 24 máy bay và diệt nhiều sinh lực địch. Chiều tối ngày hôm đó cả 5 chiếc máy bay trở về sân bay Thành Sơn nguyên vẹn. Hôm sau, Bộ Tư lệnh chiến dịch thông báo cho Giáo sư là con trai ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Giáo sư rất vui và bất ngờ về chiến công của Không quân Việt nam, trong đó có sự đóng góp của con trai mình. Giáo sư là người rất hóm hỉnh, ông nói với anh em trong đoàn công tác: trong kháng chiến chống Pháp, vợ chồng tôi trong 4 năm ( 1949- 1952) sinh ba cậu con trai, trong kháng chiến chống Mỹ vợ chồng tôi đóng góp hết cho quân đội, như vậy chúng tôi có “tầm nhìn” đấy chứ! Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chống Mỹ từ rất sớm. Bõ những năm vất vả nuôi con đàn.

Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”

Ngay từ lúc lên đường (ngày 20/3) Giáo sư luôn linh cảm là ngày toàn thắng sắp đến và ngày 30/4/1975 đã đến. Năm cánh quân đã hội quân ở Sài Gòn, khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đã thành hiện thực. Ngày 1/5/1975 phi đội Quyết thắng cơ động vào sân bay Biên Hòa. Chiều 2/5 đoàn công tác của Cục Quân nhu vào tiếp quản kho tàng hậu cần ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày 3/5 tôi được chứng kiến hai cha con gặp nhau ở Sài Gòn, Giáo sư rất vui và cả đoàn công tác của Cục đã tổ chức liên hoan mừng ngày thống nhất đất nước và mừng cuộc gặp mặt lịch sử của hai cha con. Là người nhiều năm công tác với Giáo sư, đặc biệt cùng ông tham gia chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, tôi có nhiều kỷ niệm về Ông - người trí thức cách mạng mẫu mực, một trong những kỷ niệm đẹp là cuộc hội ngộ của hai cha con ở Sài Gòn ngày 3/5/1975 còn đọng mãi trong ký ức của tôi.  

Từ Linh
(Dựa theo lời kể của ông Đặng Trọng Sùng- nguyên Phó cục trưởng Cục Quân nhu/Tổng cục Hậu cần)