Câu chuyện cảm động về bức tượng Oscar chu du thế giới

(Dân trí) - Có một bức tượng Oscar đã đi 5 triệu km, được gần 400.000 người chạm tay, khiến vàng mạ trên tượng bong tróc “lả tả”. Những con số này được cộng nhẩm bởi một người đàn ông mắc chứng tự kỷ - người đã truyền cảm hứng cho Phim hay nhất của giải Oscar.

Bức tượng Oscar “bận rộn” nhất trong lịch sử của giải đã đi vòng quanh thế giới gần… 5 triệu km. Đó là tượng vàng của phim “Rain Man” (Người đi trong mưa - 1988). Trong suốt vài thập kỷ, bức tượng ấy đã không ngừng di chuyển đến khắp nơi trên thế giới, thực hiện những chuyến hành trình ý nghĩa.

“Rain Man”, một phim chính kịch mang phong cách hài, kể về một người đàn ông mắc chứng tự kỷ có trí nhớ siêu phàm (vai diễn do Dustin Hoffman đảm nhận). Chuyện phim cảm động giúp người xem hiểu hơn về thế giới của những người mắc chứng tự kỷ thông qua lăng kính điện ảnh.

Cảnh trong phim “Rain Man” với diễn xuất chính của Dustin Hoffman và Tom Cruise.
Cảnh trong phim “Rain Man” với diễn xuất chính của Dustin Hoffman và Tom Cruise.

Tại thời điểm phim ra mắt, “Rain Man” gây tiếng vang lớn và là hiện tượng của giải Oscar năm đó, phim nhận được 8 đề cử và rinh về 4 giải quan trọng, gồm Phim/Đạo diễn/Nam chính/Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất.

Phim vừa thành công về nghệ thuật vừa thắng đậm về doanh thu, là phim ăn khách nhất năm 1988, thu về 355 triệu USD từ mức đầu tư 25 triệu USD. Ở hạng mục kịch bản, hai tượng vàng đã được trao cho hai biên kịch của phim - Barry Morrow và Ron Bass.

Barry Morrow là người viết nên kịch bản “thô”, lấy cảm hứng từ người bạn ngoài đời thực của mình - Kim Peek - một người đàn ông mắc chứng tự kỷ có trí nhớ siêu phàm, có thể ghi nhớ được các kiến thức ở rất nhiều lĩnh vực.

Trong khi phần đông những người giành được tượng vàng Oscar sẽ tự hào trưng bày tượng trong phòng khách, thì biên kịch Barry Morrow không mấy khi gặp lại tượng vàng của mình kể từ khi được nhận giải.

Tượng vàng của ông có một đời sống riêng phong phú và ý nghĩa, bởi đó là bức tượng Oscar được công chúng nhìn thấy nhiều nhất, được nhiều người cầm nắm nhất.

Kim Peek - nguyên mẫu ngoài đời thực của nhân vật Raymond
Kim Peek - nguyên mẫu ngoài đời thực của nhân vật Raymond

Khi nhân vật nguyên gốc của bộ phim - anh Kim Peek - tới thăm biên kịch Barry Morrow, Kim muốn thử cầm tượng Oscar, thế rồi nguyên cả ngày hôm đó, Kim giữ bức tượng bên mình không rời. “Tôi thấy Kim yêu bức tượng hơn cả tôi, vì vậy, tôi đã tặng bức tượng cho cậu ấy”, biên kịch Morrow chia sẻ.

Gia đình nhà Peek thường thực hiện những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng dành cho những gia đình có con mắc chứng tự kỷ. Kể từ khi Kim được tặng tượng vàng Oscar, trong mỗi chuyến hành trình, họ đều mang theo tượng vàng - một hiện vật mang thêm phần thú vị đến cho mỗi cuộc diễn thuyết.

Kể từ đó, bức tượng của biên kịch Barry Morrow trở thành hiện thân của niềm tin, sự lạc quan dành cho những gia đình có trẻ nhỏ mắc những hội chứng tâm lý.

Câu chuyện cảm động về bức tượng Oscar chu du thế giới - 3

Một trong những nét đặc biệt ở nhân vật có thật - Kim Peek, đó là anh có thể đếm rất nhanh, làm được những phép tính vô cùng lớn chỉ bằng cách tính nhẩm. Theo trí nhớ của Kim Peek lúc sinh thời (Kim đã qua đời năm 2009 ở tuổi 58), tượng vàng đã cùng Kim di chuyển qua gần 5 triệu km, đã được 1,3 triệu người chiêm ngưỡng và được gần 400.000 người chạm tay.

Bức tượng đã đi đến hầu khắp các bang ở Mỹ; ngoài ra, còn từng cùng Kim tới một số nước Châu Âu, Châu Á, Châu Phi.

Câu chuyện cảm động về bức tượng Oscar chu du thế giới - 4

Biên kịch Barry Morrow (giờ đây đã ở tuổi 68) cho biết rằng hiện bức tượng đang được gia đình nhà Peek giữ gìn: “Sau nhiều năm được nhiều người cầm nắm, giờ đây lớp mạ vàng trên bức tượng đã bong khá nhiều, trên khắp thân tượng có những vết móp méo do có những lần tượng bị rơi”.

“Nhiều năm trước, khi tôi nhìn thấy lại bức tượng và chứng kiến những vết tích đó, tôi đã hỏi Kim là có chuyện gì xảy ra với lớp vàng mạ trên tượng vậy, cậu ấy trả lời rằng: Vàng giờ ở trên tay của những đứa trẻ”.

“Rain Man”: Đôi khi tất cả những gì có thể làm là thư giãn và chấp nhận!

Chuyện phim kể về Charlie Babbitt (Tom Cruise), một cậu thanh niên ích kỷ, hẹp hòi và người anh trai mắc chứng tự kỷ Raymond (Dustin Hoffman), người mà Charlie trước nay chưa hề hay biết về sự tồn tại.

Khi bất ngờ nhận được tin cha mình qua đời ở quê nhà - bang Ohio, Charlie cũng đồng thời bàng hoàng nhận được tin rằng bố chỉ để lại cho mình một chiếc xe hơi cổ lỗ và vài bụi hồng ông trồng trước nhà. Toàn bộ gia sản được chuyển đến một bệnh viện tâm thần, dành cho một người nhận giấu tên.

Câu chuyện cảm động về bức tượng Oscar chu du thế giới - 5

Charlie khám phá ra rằng người nhận là Raymond Babbitt, người anh trai ruột mà trước đây Charlie chưa hề nghe nói tới. Điều này làm anh đặt ra một câu hỏi xuyên suốt bộ phim: “Tại sao không ai nói cho tôi biết tôi có anh trai?”.

Về phần Raymond, anh mắc chứng tự kỷ nhưng sở hữu một trí nhớ phi thường, dù anh thường chẳng hiểu gì về những thứ mình nhớ được. Raymond còn có khả năng tính toán siêu phàm, có thể đếm hàng trăm vật cùng lúc và làm được những phép tính vô cùng lớn chỉ trong vài giây nhẩm thầm.

Tuy nhiên, Raymond rất sợ thay đổi và luôn luôn sinh hoạt theo một thời gian biểu cứng nhắc, với các hoạt động lặp đi lặp lại, luôn ăn cùng một thứ đồ ăn. Raymond rất nhút nhát, ngại tiếp xúc, khi bị căng thẳng có thể gây ra những hành động khó kiểm soát.

Câu chuyện cảm động về bức tượng Oscar chu du thế giới - 6

Charlie quyết tâm phải bằng cách nào đó giành được một nửa số gia sản mà cha để lại, trước hết, Charlie đưa Raymond đi xuyên Mỹ đến bang California để gặp luật sư, mong giành được quyền giám hộ Raymond để nhận được quyền thừa kế.

Nhưng điều nằm ngoài dự liệu đã xảy ra, trong cuộc hành trình từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ, Charlie càng lúc càng hiểu và thương anh trai hơn, những ký ức tuổi thơ sống dậy, Charlie nhớ ra sự hiện diện của Raymond trong ký ức của mình, đó chính là người bạn thời thơ ấu mà Charlie từng tưởng rằng được sinh ra từ trí tưởng tượng…

Câu chuyện cảm động về bức tượng Oscar chu du thế giới - 7

Ở thời điểm bộ phim ra mắt, chứng tự kỷ vẫn còn là một hội chứng bí ẩn, chưa được nhiều người hiểu đúng. Đó cũng chính là cách mà chuyện phim khởi đầu với nhân vật người em trai. Charlie đã từng cảm thấy tuyệt vọng không hiểu nổi Raymond - người anh trai tự kỷ.

“Rain Man” là bộ phim làm về những giới hạn; mắc chứng tự kỷ, Raymond đương nhiên có rất nhiều giới hạn; Charlie vốn là một chàng trai ích kỷ, nên trái tim của Charlie cũng rất “giới hạn”. Phim được làm dựa trên một công thức khá cũ, các nhân vật cùng nhau thực hiện một chuyến hành trình và thay đổi bản thân trong chuyến hành trình ấy.

Trong “Rain Man”, người duy nhất không thay đổi chính là Raymond, đối với anh, đây không phải một chuyến hành trình khám phá, anh đòi hỏi mọi thứ vẫn phải diễn ra giống hệt như trong bệnh viện tâm thần bất kể anh đang ở đâu.

Cuối cùng, người thay đổi chính là Charlie, anh nhận thấy mình đã yêu mến người anh trai và học cách chấp nhận anh trai với tất cả những gì vốn có.

Câu chuyện cảm động về bức tượng Oscar chu du thế giới - 8

Nhân vật người anh trai tự kỷ Raymond rất ngoan cố, bướng bỉnh; chỉ biết đến những lịch trình cố định, những thông tin, con số; không thể tác động, lay chuyển; nhưng đến cuối phim, người xem nào cũng sẽ giống như Charlie: bắt đầu cảm thấy yêu thương Raymond.

Thông điệp mà chúng ta có thể nhận được sau bộ phim này, đó chính là sự chấp nhận. Nếu ở đầu phim, nhân vật Charlie luôn cố gắng kiểm soát, điều khiển mọi việc, mọi người theo ý mình một cách mù quáng và hiếu thắng; thì Raymond đã xuất hiện để dạy Charlie một điều rằng có những lúc chúng ta trở nên bất lực, việc duy nhất có thể làm là hãy thư giãn và chấp nhận.

Trailer phim “Rain Man” (Người đi trong mưa - 1988)

Bích Ngọc
Theo Hollywood Reporter/Roger Ebert

Dòng sự kiện: Oscar 2017