Cầu ao mùa Tết

(Dân trí) - Từ khoảng hai bảy, hai tám Tết, các gia đình đã rủ nhau ngả chung lợn để ăn Tết, những bếp củi rực lửa được bắc lên ngay sát bờ ao. Tiếng mấy chú lợn ỉn kêu eng éc xé toang màn sương tĩnh lặng của buổi sớm mùa đông yên ả.

Bạn có tưởng tượng được không, quang cảnh cầu ao làng ngày giáp Tết? Vì đã có những năm dài thơ ấu gắn bó với nó nên cầu ao làng ngày Tết khắc sâu trong tôi một bức tranh sống động. Sự sống động đến từ âm thanh, hình ảnh và màu sắc trong không khí làng quê vào thời điểm năm cũ đang qua, năm mới sắp đến.

Tháng Chạp là tháng của gió bấc mưa phùn và những đợt không khí lạnh liên miên nối tiếp. Mỗi buổi sớm bắt đầu những đợt lạnh mới, nhìn trên mặt ao người ta sẽ thấy một lớp khói nước bốc lên gờn gợn giống như có ai đó đang bắc bếp đun dưới đáy ao, còn mặt ao trông như cái chảo nước lớn đang nghi ngút khói. Khi ấy, nước ao còn ấm áp, đi đồng về, xuống cầu ao rửa chân, có cảm giác như mình đang được rửa chân bằng nước ấm đang đun, khi bước chân lên bờ, chân tay vẫn còn tỏa hơi ấm sực. Thế nhưng chỉ một hai ngày sau thì nước ao đã trở nên lạnh buốt vì gió bấc không ngừng thổi đã lấy nốt chút hơi ấm ấp ủ trong lòng đất ấy.

Tuổi ấu thơ của Thái Hương Liên với nhiều kỷ niệm sống động về Tết (ảnh minh họa)
Trẻ con ở quê có nhiều kỷ niệm sống động về Tết (ảnh minh họa)

Mùa đông, cái lạnh thấu xương làm cho nước ao tĩnh lặng và trong vắt nhìn thấu đáy. Trời không có mưa rào nên nước ao trong hơn, còn các giếng khơi đều cạn nước, tiết kiệm lắm cũng chỉ đủ nhu cầu ăn uống của người dân. Những việc giặt giũ, tắm rửa… diễn ra trên những cầu ao xây, hay bắc trên mặt ao làng. Vì thế nó càng trở nên nhộn nhịp hơn vào những ngày giáp Tết, khi mà mọi nhu cầu sinh hoạt đều tăng cao.

Cầu ao được xây nhiều kiểu lắm, có khi nó được xây chắc chắn và rộng rãi bằng những bậc đá ong vuông vắn, những nấc bậc thang giật cấp để phù hợp với mực nước vơi đầy trong ao suốt bốn mùa. Cũng có chỗ nó được bắc tạm bằng tấm ván cũ hoặc vài thân tre ghép lại. Ngày thường, cầu ao là chỗ giặt giũ, tắm rửa… của những người dân sống quanh ao, nhưng khi Tết đến, ra đến bờ ao là có thể biết rõ nhà ai đã sắm Tết đến đâu, chuẩn bị Tết như thế nào rồi.

Trong làng tôi năm xưa còn nhiều ao chưa bị san lấp nên ao to cũng lắm, ao nhỏ cũng nhiều, cái nào cũng ít nhất có xây hoặc bắc một cái cầu. Tuy nhiên những cái ao to và sạch sẽ như ao đình, ao chùa, ao xóm giữa lúc nào cũng tấp nập người xuống kẻ lên. Người thì mang chăn chiếu ra giặt để chuẩn bị đón năm mới, người thì mang quang gánh thùng quảy nước ra rửa sân nhà đón xuân. Cầu ao xóm giữa, nơi có bờ ao được kè bằng đá ong với hàng dừa xanh tỏa bóng ven bờ được nhiều người chọn lựa làm nơi đãi đậu đãi gạo và rửa lá dong gói bánh chưng. Nước giếng mùa này cạn lắm nên mọi người đem ra cả cầu ao vừa làm vừa trò chuyện rôm rả, xong xuôi mới mang lên giếng tráng rửa lại lần cuối. Ao xóm giữa sạch sẽ nhất làng vì có bờ kè đá ong cao ráo, giữa ao lại có thả giống bèo ong làm cho nước ao quanh năm trong veo chẳng khác gì nước giếng. Vì thế rửa lá, đãi đậu ở đây thì yên tâm tuyệt đối, bà con phải “xếp hàng” chờ nhau xong việc để đến lượt mình và có một luật bất thành văn: không ai được đem đồ dơ bẩn đến đây rửa. Mọi người cứ thế mà thi hành, từ năm này qua năm khác.

Dịp này, cầu ao nào cũng nhộn nhịp nhưng mỗi ao lại có một dáng vẻ riêng. Ao chùa tọa lạc trước cửa ngôi chùa làng lại thông ra với cánh đồng rộng lớn ngoài kia nên mặt ao cũng có phần thoáng đãng hơn. Nước ao quanh năm đầy ắp được dẫn vào từ con kênh đào lớn nên rất trong và sạch sẽ. Từ khoảng hai bảy, hai tám Tết, các gia đình đã rủ nhau ngả chung lợn để ăn Tết, những bếp củi rực lửa được bắc lên ngay sát bờ ao. Tiếng mấy chú lợn ỉn kêu eng éc xé toang màn sương tĩnh lặng của buổi sớm mùa đông yên ả. Bờ ao nơi đây khá là rộng rãi nên việc mổ lợn, làm lòng chia thịt không làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Người ta luộc lòng trên những bếp củi đỏ rực nghi ngút khói ven đường để rồi khi chín người nếm kẻ chia trông thật đầm ấm vui vẻ. Tiếng nói cười râm ran của cánh đàn ông khi bàn chuyện gói bánh giã giò, làm cỗ Tết khiến không khí ngày cuối năm thêm rạo rực. Bọn trẻ con có vẻ khoái chí vô cùng sau khi xin được quả bóng lợn đem bơm căng lên mang vào sân chùa thi nhau sút bóng, tiếng reo hò của lũ trẻ vang trong không gian, lan tỏa xuống mặt ao gờn gợn khói nước ngày cuối đông.

Còn ở cầu ao khác như ao đình thì lại đang diễn ra cuộc bắt cá vui vẻ, mấy tay sát cá đang ráo riết truy tìm nhũng chú cá lớn đang trở thành tay trốn tìm siêu hạng. Ao đình được tát cạn để bắt cá chia cho dân làng ăn Tết. Ao này thả cá nuôi quanh năm nên chỉ tát cá vào dịp tết mà thôi. Cầu ao hôm nay là nơi tập kết cá rồi đem về sân kho hợp tác xã chia cho các đội sản xuất về đến từng nhà dân. Cuối năm ao đình bao giờ cũng tát cá còn vì một lí do khác nữa là làm công việc vét bỏ bùn đất để ra Giêng, nơi đây sẽ trở thành địa điểm biểu diễn của phường rối nước xã nhà. Nó được dọn dẹp sạch sẽ rồi tháo nước vào cho đầy ắp khiến những ngày lễ hội mùa xuân diễn ra trước cửa đình luôn rôm rả trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân.

Có sống ở làng quê những tháng năm ấy mới thấy giá trị của những cầu ao nơi mặt nước ao làng phẳng lặng, nó gắn bó với cuộc sống vật chất và tinh thần của mỗi người dân quê, với những buồn vui trăn trở từ bao đời truyền lại. Cầu ao, nơi hội tụ chuyện trò, nơi hẹn hò lứa đôi, không gian sinh hoạt chung của thôn xóm và làng mạc đã trở thành thứ không thể thiếu trong đời sống người dân quê. Để rồi giờ đây, mỗi lần ngang qua những chiếc cầu ao hiếm hoi còn sót lại, tôi thấy mình đang đứng giữa bức tranh sống động ngày nào với những màu xanh của lá dong, sắc vàng của đậu đang đãi vỏ và những thanh âm của một miền Tết xa xăm đang trở lại. Tiếc rằng những cầu ao như thế ngày nay đã chẳng còn nhiều khi đất đai đang ngày một chật hẹp và môi trường ngày càng ô nhiễm, mặt ao trong xanh đang bị mất dần và lùi xa vào kí ức.

Thái Hương Liên

(Trích: "Mùa ấu thơ", NXB Kim Đồng, 2015)