Cặp đôi Việt 10 năm làm nghề “chân không chạm đất”, lên truyền hình Anh

"Khi đang nhào lộn, tôi bất ngờ rơi tự do, rạn xương đau chảy nước mắt. Tỉnh dậy đã thấy ở bệnh viện, tôi giấu biệt nhưng bố mẹ vẫn biết, khuyên bỏ nghề nhưng tôi kiên quyết không chịu”.

Chúng tôi là Bùi Thị Hương (SN 1993 ở Lạng Giang, Bắc Giang) và Vũ Thanh Tuấn (SN 1990 ở Phú Xuyên, Hà Nội). Vừa là đồng nghiệp, tri kỉ, vừa là bạn đời, chúng tôi đã có hơn 10 năm gắn bó với Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Từ khi mới là những cô bé, cậu bé 11, 13 tuổi, chúng tôi đã sống xa nhà, theo học 5 năm ở trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Môi trường nghiêm khắc như quân đội rèn cho cả hai tính tự lập từ nhỏ.

9h sáng cuối tuần, chúng tôi tự hoá trang chuẩn bị cho vở diễn lúc 10h mang tên “Chúa tể rừng xanh” (NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam là đạo diễn). Vở diễn dàn dựng theo câu chuyện trong sách Tiếng Việt lớp một, với thông điệp bảo vệ cánh rừng già. Anh Tuấn hoá thân thành chàng hổ vằn cao lớn, tôi vào vai một nàng bướm. Theo đuổi công việc hiểm nguy rình rập, y tế “nín thở” túc trực mỗi buổi diễn đòi hỏi chúng tôi có sức khoẻ, bản lĩnh, tình yêu nghề.

Khi về đoàn, tôi có may mắn được đảm nhiệm nhiều vai chính. Khác với những vai diễn trước đây, khi hoá thân thành hổ vằn, phải che gần hết khuôn mặt, chỉ chừa đôi mắt, không có nghĩa gương mặt tôi được “nghỉ ngơi”. Khi cả cơ thể sống cùng vai diễn, nhân vật mới được biểu đạt sinh động nhất. Mồ hôi túa ra như tắm, chân, tay, vai nhức mỏi vô cùng nhưng trong lòng tôi ngập tràn hạnh phúc.

Sau 7 năm yêu nhau, đám cưới của chúng tôi diễn ra ngay tại Rạp xiếc Trung ương. Tôi được cưỡi voi còn anh Tuấn cưỡi ngựa. Gần đây, khi xiếc Việt tuân thủ công ước quốc tế hạn chế sử dụng động vật hoang dã, tôi trở thành người cuối cùng của Liên đoàn cưỡi voi. Chia tay “bịn rịn” như xa người thân nhưng cũng đã đến lúc trả các bạn ấy về tự nhiên. Cũng từ đây, vai thú được diễn viên hoá thân nhiều hơn.

Căn nhà 16m2, 4 tầng, một tum chúng tôi mua từ sau khi kết hôn, vào năm 2019. Ngôi nhà nhỏ, ra đụng vào chạm, không có chỗ bày nhiều đồ nhưng lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười.

"Của để dành” lớn nhất mà chúng tôi có được là bé Mì (Vũ Tuấn Khang). Em bé sinh giữa mùa dịch, tháng 6 năm nay tròn một tuổi. Mì dạn dĩ vì từ lúc hơn 3 tháng tuổi, tôi đã theo chân chồng, đưa con đi công tác để nhìn ngắm mọi người diễn cho bớt nhớ nghề. Chồng tôi dỗ con ăn rất khéo. Sau những ngày bận rộn với công việc, chúng tôi thích nhất cảm giác bình yên bên nhau.

Chồng tôi không ngại việc bếp núc, giặt giũ... Từ lúc tôi mang bầu đến giờ, anh cùng vợ chăm lo mọi việc trong gia đình. Không riêng gì chồng tôi mà hầu hết, nam nghệ sĩ nào trong đoàn cũng vui vẻ làm việc nhà, chăm vợ con. Vợ đi công tác xa là một tay quán xuyến. Có lẽ, thói quen tự lập từ nhỏ giúp các anh chủ động mọi việc.

Nếu không có lịch diễn, ngoài 9h sáng chúng tôi mới ra khỏi nhà, đến Liên đoàn chủ động tập luyện, mỗi ngày hai ca: Sáng - chiều. Nếu có vở mới, chúng tôi sẽ tập 3 ca: Sáng, chiều, tối. Mì sẽ theo chân bố mẹ đến rạp.

Thời gian chúng tôi ở sân khấu, chỗ tập nhiều hơn ở nhà. Nghề của chúng tôi không thể lười “làm giả ăn thật”, ngày nào cũng phải tập đều đặn. Chỉ cần nghỉ một tuần là xương, khớp sẽ cứng lại, khó bắt nhịp, hụt hơi. Từ một ông bố hiền lành, tất bật bỉm sữa, chồng tôi như trở thành con người khác, dồn hết lực bám vào sợi dây, cơ tay nổi lên, uốn lượn trên cao, mồ hôi ướt áo nhưng đôi mắt vẫn sáng rực...

Trong lúc chúng tôi tập luyện, mọi người sẽ thay phiên trông con giúp. Anh chị em nghệ sĩ coi nhau như người thân trong gia đình. Nhiều hôm tập xong, tôi không biết con đang ở đâu vì cứ người này chuyền tay người kia. Vào những ngày trình diễn sẽ có các cô lao công, bộ phận y tế, soát vé trông hộ. Mì tỏ ra rất phấn khích khi xem mọi người tập luyện. Chỉ khi nào đói, buồn ngủ, cu cậu mới khóc tìm bố mẹ.

Có ai theo nghề xiếc mà tránh được chấn thương. Nhưng nặng nề nhất là những lần bác sĩ báo tin “sét đánh” phải giã từ sàn diễn. Vợ tôi từng rơi vào hoàn cảnh đó nhưng vẫn gan lì đi thi, giành huy chương vàng. Còn tôi từng rạn xương gót chân trái, phải nghỉ mấy tháng. Tôi giấu biệt nhưng bố mẹ vẫn biết, thương con, ông bà nói tốt nhất là nghỉ. Nhưng tôi nói rằng: “Con yêu nghề, về khó làm việc khác”.

Bữa ăn vội vàng lúc 1h chiều, không kịp nấu nướng, chúng tôi đi mua cơm hộp. Khẩu phần ăn của diễn viên xiếc không có gì quá khác biệt so với mọi người. Chỉ lưu ý không ăn quá nhiều khiến cơ thể nặng nề, khó vận động. Từ lúc có con nhỏ, chúng tôi phải chia nhau ra ăn. Trong lúc tôi tranh thủ ăn cơm thì vợ trông con. 

Mấy ngày hôm nay, anh Tuấn bị đau chân vì liên tục treo mình nhiều giờ trên cao. Không ít lần chấn thương, anh cắn răng chịu đau, vào đến cánh gà mới oà khóc. Khóc xong lại quệt vội nước mắt, diễn tiếp tiết mục khác. Tranh thủ lúc con đang ngủ, tôi bóp chân cho chồng trước khi quay lại sàn diễn tập luyện vào buổi chiều.

Nhà nhỏ nhưng chúng tôi vẫn dành một góc để đồ diễn, trang phục tự bảo quản, đến khi hết vở gửi lại đoàn. Tôi thường tự tay sửa sang đồ diễn của mình và bà xã. Đàn ông khâu vá thì đã sao, giúp được vợ điều gì là tôi vui. Sinh ra trong gia đình có mẹ làm nghề may vest nhiều năm, từ nhỏ tôi đã quen với những việc này.

Lúc nào cũng “thừa năng lượng”, buổi tối trước khi đi ngủ, chúng tôi thường cho Mì nhào lộn. Nếu sau này con thích nghề xiếc, như bố mẹ mình, chúng tôi sẽ tôn trọng. Sau 10 năm làm nghề, điều “giàu có” nhất chúng tôi có là những giờ phút thăng hoa trên sân khấu, cống hiến hết mình cho khán giả. Chỉ mong cả nhà lúc nào cũng mạnh khoẻ, bố mẹ hai bên bình an.

Vũ Thanh Tuấn, Bùi Thị Hương từng khiến Ban Giám khảo cuộc thi Tìm kiếm tài năng nước Anh - Britain's Got Talent sửng sốt, khán giả Việt tự hào.

Họ gặp nhau lần đầu năm 2009, khi cùng tham gia một vở diễn trong trường. Năm 2010, Hương tốt nghiệp, đầu quân cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Tuấn ở lại Nhà hát thực nghiệm của trường. Vài năm sau, anh ra công tác ở Liên đoàn. 24/12/2012 là ngày kỷ niệm tình yêu của đôi trẻ. Hương chưa từng nghĩ sẽ yêu người cùng nghề. Nhưng chính sự “lì lợm”, kiên trì của Tuấn khiến cô “không chạy đi đâu được”.

Mất đến 10 năm, bố mẹ mới có thể quen với việc họ quanh năm suốt tháng xa quê, những ngày giỗ chạp, lễ, Tết thường xuyên vắng mặt. Hai năm Covid-19, mẹ Hương nói: “Trong cái rủi có cái may. Chưa bao giờ cả nhà được sum họp lâu như thế”.

Sau 10 năm làm nghề, hai vợ chồng mỗi người gặt hái được “gia tài” khoảng 5-6 huy chương vàng, 2-3 huy chương bạc cùng nhiều bằng khen, giấy khen...