Cần bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Vân Kiều

(Dân trí) – Những tiếng khèn bè du dương, trầm bổng, tiếng đàn Ta lư thánh thót, say đắm lòng người, tiếng Tù và…từng vang vọng khắp các bản làng Vân Kiều thì giờ đây đang dần bị quên lãng, số ít người còn lưu giữ được nét văn hóa độc đáo ấy tuổi cũng đã cao.

Chúng tôi vượt hàng trăm cây số để đến với huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, mong tìm gặp những nghệ nhân cuối cùng có công phục dựng và lưu giữ bản sắc văn hóa Vân Kiều – Pa Cô giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. 

Ngân vang tiếng khèn bè bên ánh lửa

Trong tiềm thức của người dân Vân Kiều vùng núi rừng phía Tây Quảng Trị, có lẽ tiếng khèn bè đã không còn xa lạ gì với họ. Bởi trong các lễ hội văn hóa của người bản địa, tiếng khèn bè đã vang lên với nhiều giai điệu trầm bổng, sâu lắng, đi vào lòng người. Tiếng khèn làm sôi động không khí trong các lễ cưới, trong những đêm tình ấn tượng, cả những đêm lửa trại bập bùng cháy…Thiếu đi tiếng khèn bè, cuộc vui ấy không còn ý nghĩa, và dường như đã trở thành một “món ăn” trong cuộc sống tinh thần của bà con. Người chế tác ra loại nhạc cụ độc đáo này, cũng là người có công giữ gìn nó suốt hàng chục năm qua không ai khác chính là cụ Vỗ Kiều (năm nay đã gần 90 tuổi), hiện sống ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông. Người dân vùng này bảo với nhau, chỉ có cụ Kiều mới chế tác được loại nhạc cụ này, người khác có thể làm được nhưng khèn thổi không hay.

Trong căn nhà sàn ấm áp, cụ Kiều nằm bên bếp lửa đang cháy rực. Nghe chị Kăn Hiế (con dâu cụ Kiều) bảo cụ đang ốm. Thế nhưng, khi nghe chúng tôi đề cập đến khèn bè, cụ Kiều tỏ ra rất vui và cố gắng ngồi dậy trò chuyện. Trong cái lạnh thấu xương, cụ rít thuốc lá một hơi thật dài, phả làn khói trắng xóa rồi nhớ lại cái ngày cụ được truyền dạy cách chế tác khèn bè.

Cụ Kiều say sưa ngân vang tiếng khèn bè
Cụ Kiều say sưa ngân vang tiếng khèn bè

Cụ Kiều nói, cụ được một ông thầy người Lào dạy cho cách làm khèn, đến khi có chiến tranh thì cụ trở về Tà Rụt tham gia vào đội quân du kích của địa phương chống giặc. Hành trang cụ mang theo khi trở về quê là một loạt các nhạc cụ do chính tay cụ làm ra. Nhưng vì chưa có dịp gặp lại nên cụ cũng không biết người dạy mình có còn sống nữa hay không? Mấy năm kháng chiến, tiếng khèn của cụ đã góp phần thúc dục người dân trong bản đi theo cách mạng. Hòa bình lập lại cụ mới có cơ hội thực hiện đam mê chế tác nhạc cụ dân tộc để giữ gìn nét văn hóa của bản làng. Hiện nay cụ Kiều cũng không còn nhớ rõ mình đã làm được bao nhiêu chiếc khèn, chiếc đàn Ta lư, bao nhiêu chiếc tù và…chỉ biết là nhiều lắm.

Cụ cho biết, làm khèn bè rất khó và phải mất nhiều thời gian mới có được, làm một cây khèn phải mất từ 15 - 20 ngày. Ban đầu phải tìm được những cây trúc phù hợp, nung lửa, rồi làm bầu khèn, sau mới đến công đoạn tạo âm thanh. Bầu khèn được gắn kết với những thanh trúc bằng sáp ong. Để có được chiếc khèn hoàn chỉnh, thổi hay, ngân vang thì cần sự tập trung cao độ, am hiểu sâu sắc các âm điệu và cao hơn nữa là đôi mắt tinh tường của nghệ nhân,…Sau cùng là công đoạn chạm trổ hoa văn, làm sao có được chiếc khèn thật bắt mắt.

Nói rồi cụ ra hiệu cho tôi lấy giúp chiếc khèn bên cạnh, sau khi hướng dẫn cho tôi một vài yếu tố cấu thành cây khèn, cách cầm và thổi, cụ mới tỷ mỉ đặt tay vào những lỗ nhỏ được khoan trên ống trúc, cụ bắt đầu ngân lên cho chúng tôi nghe một âm điệu hết sức du dương, sâu lắng. Cụ Kiều bảo, đó là tiếng khèn gọi bạn tình, được dùng trong những lúc đi sim hoặc những khi trai gái tìm hiểu nhau. Cũng nhờ tiếng khèn bè ấy mà cụ đã khiến bao cô gái bản ngây ngất, say đắm. Hai người vợ của cụ Kiều bây giờ - bà Kăn Pao và Kăn Bên cũng đã từng mê mẩn tiếng khèn ấy mà nhận lời về chung sống với cụ. Nhắc lại chuyện cũ, cụ Kiều cảm thấy tự hào lắm.

Đứa cháu nội, niềm vui tuổi già của cụ mới tròn 6 tháng tuổi cũng bắt chước cụ mân mê khèn bè
Đứa cháu nội, niềm vui tuổi già của cụ mới tròn 6 tháng tuổi cũng bắt chước cụ mân mê khèn bè

Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà có giai điệu khèn khác nhau. Cụ Kiều say mê khèn bè đến độ đi đâu cũng mang theo trên người, ngoài các dịp lễ hội thì những khi đi làm rẫy mệt nhọc, cụ đưa khèn ra thổi cho thêm hưng phấn. Từ trên đỉnh núi cao chót vót, tiếng khèn vọng xuống tận bản, và chắc chắn ai cũng biết đó là cụ Kiều. Thế nhưng, hiện nay do tuổi đã cao nên cụ không thể lên rừng chọn trúc làm khèn được nữa. Cũng chính điều này khiến cụ rất buồn, những khi như vậy cụ lại lấy khèn ra thổi cho bớt ưu phiền.

Đứa cháu nội, niềm vui tuổi già của cụ mới tròn 6 tháng tuổi cũng bắt chước cụ mân mê khèn bè
Cụ Kiều lo lắng nếu một mai cụ chết đi thì sẽ không còn ai làm được khèn bè và loại nhạc cụ này sẽ bị mất

Điều cụ lo lắng nhất là một mai cụ không còn nữa thì tiếng khèn ấy cũng mất theo. Ngay cả các con trai của cụ cũng không biết làm khèn như cụ, cả những người trong bản cũng không chế tác được cây khèn thổi hay như cụ. “Thanh niên bản bây giờ nó chỉ thích nghe nhạc trẻ, nhạc xập xình để nhảy nhót chứ mấy ai biết làm khèn và nghe khèn đâu. Nhiều lần cụ dạy lại cho chúng nó mà không ai chịu học” - cụ Kiều trầm tư. Nếu những lo lắng của cụ Kiều thành sự thật thì có lẽ cụ là nghệ nhân cuối cùng chế tác được khèn bè, và nếu không có biện pháp bảo tồn, lưu giữ và phát huy thì nét văn hóa độc đáo của bà con Vân Kiều nơi đây cũng sẽ chìm vào dĩ vãng.

Giữ “hồn thiêng” giữa núi rừng

Chia tay cụ Vỗ Kiều với biết bao nỗi niềm trĩu nặng, chúng tôi tìm đến gặp già Mai Hoa Sen (nay đã hơn 70 tuổi), ở bản Ka Hẹp. Gìa Sen cũng là một trong những người được xếp vào dạng “hiếm” biết chế tác và chơi thành thạo các loại nhạc cụ đặc trưng của người Vân Kiều - Pa Cô. Hiện ông đang sở hữu trong tay hàng chục loại nhạc cụ: như khèn bè, đàn Ta lư, đàn Toong, Tù và, sáo A man, đàn Ân chung, đàn môi, Abel…mà ông đã cất công sưu tầm, lưu giữ suốt mấy chục năm qua.

Đứa cháu nội, niềm vui tuổi già của cụ mới tròn 6 tháng tuổi cũng bắt chước cụ mân mê khèn bè
Ông Sen là một trong những nghệ nhân cuối cùng chơi đàn Ta Lư, khèn và thổi Tù và, đồng thời biết chế tác các loại nhạc cụ dân tộc

Cũng xuất phát từ trăn trở muốn bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa của dân tộc, của người Pa Cô – Vân Kiều, nơi ông sinh ra và lớn lên mà ông Sen đã cất công lặn lội đến nhiều bản làng như: A Vao, A Ngo, A Bung, Đakrông…để sưu tầm, thậm chí là bỏ tiền mua lại các loại nhạc cụ mà như ông nói nếu không có phương pháp bảo tồn thì sẽ bị mai một theo thời gian. Và người dân các nơi muốn tìm hiểu về văn hóa của người Vân Kiều sẽ không bao giờ tìm thấy được. Ông xem các loại nhạc cụ trong bộ sưu tập của mình là món ăn tinh thần không thể thiếu, đi đâu ông cũng mang theo để luyện tập, kể cả những khi lên rẫy.

Việc làm ý nghĩa của ông đã được mọi người gần xa biết đến, các đoàn nghiên cứu văn hóa Vân Kiều về đây đều phải nhờ ông Sen giới thiệu. Ông Sen cũng chính là người đã tặng hàng loạt nhạc cụ cho các trung tâm bảo tồn văn hóa trên cả nước.

Ông Mai Hoa Sen cùng đội nghệ thuật tham gia lễ hội cồng chiêng (ảnh chụp lại)
Ông Mai Hoa Sen cùng đội nghệ thuật tham gia lễ hội cồng chiêng (ảnh chụp lại)

Ông Sen kể: Trước đây, đi bộ đội và đóng quân ở các tỉnh phía Bắc, thấy người dân các địa phương chơi các loại nhạc cụ đặc trưng của vùng đó khiến ông mê mẩn. Ông nghĩ người Vân Kiều quê ông cũng có rất nhiều nét văn hóa đặc sắc mà các nơi khác không hề có. Đặc biệt, trong số đó là các loại nhạc cụ dân tộc, nếu không bảo tồn ngay từ bây giờ thì thế hệ sau sẽ không ai biết tới. Nghĩ vậy nhưng công việc chưa cho phép ông thực hiện ý tưởng đó. Khi chuyển vào công tác tại các tỉnh miền Trung, ông Sen lại suy nghĩ về vấn đề này và quyết tâm thực hiện cho bằng được. Sau gần 20 năm trong quân ngũ, ông Sen trở về và bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình. Là cán bộ xã nên ông có cơ hội tiếp xúc với nhiều người dân và bắt đầu sưu tầm, mua lại các loại nhạc cụ trong dân. Sau khi đã am hiểu được những nét cơ bản, ông mới thực hiện công việc theo ông là có ý nghĩa nhất – chế tác các loại nhạc cụ để bảo tồn, nhân rộng nét văn hóa độc đáo của đồng bào mình.

Ông Sen say mê nhạc cụ đến mức đi đâu ông cũng mang theo chiếc đàn Ta lư bên mình, khi buồn là đưa ra gảy những âm điệu du dương, đằm thắm. Ông cũng đã làm ra hàng trăm chiếc đàn Ta lư và các nhạc cụ khác để bán, tặng cho những ai có nhu cầu. Do có chút năng khiếu về âm nhạc, biết chế tác đàn hay, hát giỏi nên ông đã khiến biết bao cô gái bản say mê. Bà Hồ Thị Pênh, vợ của ông hiện tại cũng rất thích tiếng đàn Ta Lư ông gảy nên đã đem lòng yêu thương ông Sen lúc nào không biết.

Gia đình ông Mai Hoa Sen
Gia đình ông Mai Hoa Sen

Bày ra một loạt nhạc cụ, ông Sen giới thiệu cho chúng tôi từng cái một. Như chiếc đàn Toong trước đây làm bằng 2 thanh gỗ nhưng giờ cải biến lên 12 thanh dùng để đuổi thú giữ nương rẫy hay chơi trong ngày hội mừng lúa mới. Đàn Môi, đàn Abel dùng cho đàn ông góa vợ, phụ nữ góa chồng. Sáo Aman cho trai gái đi sim tỏ tình với nhau. Rồi đàn Ân chung để trai gái đối đáp trong mùa trăng…Mỗi loại nhạc cụ đều có ý nghĩa riêng và được sử dụng trong các trường hợp cụ thể.

Chiếc tù và này được ông Sen lưu giữ từ rất lâu
Chiếc tù và này được ông Sen lưu giữ từ rất lâu

Giống như cụ Kiều, điều làm nghệ nhân Mai Hoa Sen trăn trở nhất là lớp trẻ không còn mặn mà với những nét văn hóa truyền thống. Ông Sen mong muốn lập ra một bảo tàng nhỏ để trưng bày, lưu giữ các loại nhạc cụ, nhằm giới thiệu đến mọi người nhưng vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, mảnh đất Đakrông, Hướng Hóa được xem là chiếc nôi của âm nhạc dân tộc. Đối với người dân nơi đây, âm nhạc cũng giống như cơm ăn, nước uống. Trên mảnh đất này, đến đâu cũng có thể nghe tiếng đàn, tiếng hát. Thế nhưng, đó là chuyện trước đây, còn bây giờ sự đổi thay của bản làng vô hình trung đã làm ảnh hưởng đến nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, âm nhạc của người Vân Kiều - Pa Cô đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Đăng Đức