Các nhà thiết kế hiến kế “cứu” áo dài khỏi nạn “thảm hoạ”

(Dân trí) - Trong hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của áo dài trong du lịch” diễn ra ngày 16/10 tại Hoàng thành Thăng Long, nhiều nhà thiết kế đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm “cứu” áo khỏi nạn “thảm hoạ”.

Hãy sáng tạo áo dài bằng trái tim của mình!

NTK Minh Hạnh “mở bài” rằng, ngày nay, bên cạnh sự phát triển của tà áo dài thì cũng tồn tại một vấn nạn mới đó là “thảm hoạ áo dài”. Vấn nạn này đang và sẽ gây ảnh hưởng đến những giá trị cốt lõi của tà áo dài truyền thống. Vì lẽ đó, với cương vị của những chủ thể sáng tạo, người đóng vai trò là cầu nối đưa áo dài đến gần với người sử dụng, các nhà thiết kế cần phải có trách nhiệm trong việc làm thế nào để áo dài thoát khỏi vấn nạn này.

NTK Lan Hương chia sẻ: “Chúng ta đã từng được nghe nhiều về lịch sử hình thành và phát triển của áo dài qua các thời kỳ lịch sử, mỗi một thời kỳ thì có sự cách tân khác nhau. Vậy thì hơn lúc nào hết, đây là thời kỳ các nhà thiết kế và nhà nghiên cứu cùng chung tay đưa ra một quy chuẩn chung về tà áo dài Việt Nam. Đi theo một con đường nhất định chúng ta sẽ tránh được thảm hoạ.

NTK Lan Hương chia sẻ trong buổi hội thảo sáng 16/10 tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Tùng Long.
NTK Lan Hương chia sẻ trong buổi hội thảo sáng 16/10 tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Tùng Long.

Và tôi cũng kêu gọi các nhà thiết kế hãy sáng tạo áo dài bằng trái tim của mình. Hãy yêu tà áo dài và không dễ dãi với bất kỳ một ý tưởng nào. Hãy lựa chọn cho tà áo dài những chất liệu tốt nhất và đưa vào tà áo dài những gì văn hoá nhất”.

Đồng quan điểm với NTK Lan Hương, NTK Lan Anh cũng cho rằng, đã đến lúc 3 nhà (nhà quản lý, nhà nghiên cứu và nhà thiết kế) cùng ngồi với nhau để xây dựng nên một quy chuẩn cho áo dài. Và cần phải đưa ra khái niệm rõ ràng về “áo dài”, sự phân biệt rõ ràng áo dài truyền thống với áo dài cách tân.

“Nếu làm được như vậy chúng ta sẽ có một lối đi tựa như “kim chỉ nam” để dẫn dắt các nhà thiết kế đi đúng đường và xoá bỏ những khái niệm “thảm hoạ” trong thiết kế áo dài. Và tôi cũng kêu gọi các nhà thiết kế hãy dồn tâm vào tư duy, sáng tạo và cái đẹp ở trong áo dài”, bà Lan Anh nói.

NTK La Hằng bày tỏ rằng, ngày xưa vua Trần Nhân Tông từng từ bỏ ngai vàng, cung son điện ngọc… để tu luyện nhằm tìm con đường giải thoát cho chúng sinh. Ngày nay, dù không cần phải từ bỏ hết mọi thứ nhưng các nhà thiết kế cũng nên học theo gương của tiền nhân xưa để biết cách “tu luyện” trong sáng tạo nghệ thuật. “Tu luyện” theo NTK La Hằng là không chạy theo những vật chất tầm thường, không thoả hiệp với những điều dễ dãi. Các nhà thiết kế đã thiết kế áo dài thì đừng lan man đến điều gì khác ngoài áo dài.

“Tôi có 2 con học đạo diễn điện ảnh, tôi có nói với con tôi rằng, áo dài không thể thiếu được trong điện ảnh Việt Nam. Tôi cũng đã xây dựng một cửa hàng áo dài tại Mỹ về trang phục Châu Á cho người Á. Với tư cách là một nhà thiết kế Hà Nội, tôi hứa với Sở Du lịch Hà Nội rằng, tôi sẽ gánh trách nhiệm đưa tà áo dài trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo trên vai mình và coi đó như là trách nhiệm của một “thiên sứ”, bà La Hằng nói.

NTK La Hằng. Ảnh: Tùng Long.
NTK La Hằng. Ảnh: Tùng Long.

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nghĩ rằng, để áo dài không trở thành “thảm hoạ” thì phải có sự chung tay giữa nhà thiết kế, người sử dụng và người kinh doanh áo dài. Nếu chỉ nhà thiết kế không thôi thì cũng sẽ khó lòng giữ được áo dài khỏi “thảm hoạ”.

NTK Minh Hạnh tâm sự rằng, để thiết kế được áo dài, người thiết kế không bao giờ được phép vượt qua khỏi những nguyên tắc mang tính lịch sử của trang phục. Bởi vì trang phục nào cũng có tính lịch sử và văn hoá. Nguyên tắc của trang phục được đặt để ra để thích nghi với thời đại và làm sao để người sử dụng vẫn thích trang phục mình thiết kế mà không vượt ra khỏi nguồn gốc, không lệch khỏi quỹ đạo văn hoá là điều vô cùng quan trọng.

NTK Hữu La La nói: “Tôi đồng ý chúng ta nên có một sự thống nhất vì áo dài có tính lịch sử của nó. Tuy nhiên, nếu đặt ra một quy chuẩn cho các nhà thiết kế thì nó sẽ bó hẹp sự sáng tạo của các nhà thiết kế. Ví dụ, năm 2016, nhà hoạt động âm nhạc Bob Dylan đã đạt giải Nobel Văn chương thay vì một nhà văn nào đó. Tôi rằng, chúng ta hãy sáng tạo áo dài dựa trên một giá trị cốt lõi và phát triển nó hơn.

Còn muốn áo dài tránh được thảm hoạ thì phải tuỳ thuộc vào gout thẩm mỹ của khách hàng nữa chứ không chỉ riêng nhà thiết kế. Tôi nghĩ rằng, các nhà thiết kế có khả năng sẽ sống được bằng khả năng của mình”.

Làm sao để 365 ngày Hà Nội tràn ngập áo dài?

Liên quan đến vấn đề xây dựng áo dài thành một sản phẩm độc đáo và gắn liền với sự phát triển của du lịch, NTK Duy Đạt chia sẻ rằng, thực trạng ở ngành du lịch hiện nay là các hướng dẫn viên rất ít người mặc áo dài. Trong khi những người hướng dẫn viên lại là những người ngày ngày tiếp xúc, truyền đạt thông tin, giới thiệu văn hoá - di tích - thắng cảnh cho khách du lịch người nước ngoài. Vì thế, theo NTK này, cần nên có những quy định rõ ràng, đã là hướng dẫn viên du lịch thì phải mặc áo dài.

Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích những nhân vật đóng trong các clip quảng bá về ẩm thực, thời trang, địa danh, văn hoá, du lịch… của Việt Nam trong các TVC phải mặc áo dài. Đó là một cách quảng bá hình ảnh áo dài rất tốt và hiệu quả.

Ông Nguyễn Tiến Đạt đã đưa ra nhiều giải pháp gắn liền áo dài với phát triển du lịch. Ảnh: Tùng Long.
Ông Nguyễn Tiến Đạt đã đưa ra nhiều giải pháp gắn liền áo dài với phát triển du lịch. Ảnh: Tùng Long.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - PGĐ của một đơn vị du lịch cho rằng, các công ty lữ hành tham gia Festival Áo dài Hà Nội đánh giá rất cao sự kiện lần này. Nó là điểm nhấn biến Hà Nội trở thành điểm thu hút khách du lịch và hiện thực hoá chủ trương của TP. Hà Nội là biến Hà Nội thành kinh đô thời trang của thế giới.

Theo ông Đạt, trong Festival Áo dài vừa qua, chúng ta đã thấy những buổi trình diễn áo dài đẹp quá sức tưởng tượng nhưng làm sao để không chỉ trong 3 ngày này mà trong 362 ngày còn lại Hà Nội vẫn tràn ngập áo dài.

“Khi chúng tôi tiến hành quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài, bên cạnh những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử… chúng tôi đều gắn với hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài. Nhưng khi khách quốc tế đến Việt Nam ngoài được tiếp cận với chiếc áo dài của nhân viên hãng hàng không thì khi đi qua các con phố rất hiếm để gặp được hình ảnh áo dài. Vì thế, tôi xin đề xuất, TP. Hà Nội nên kêu gọi người dân, học sinh sinh viên, du khách… khi đến không gian phố đi bộ Hà Nội thì nên mặc áo dài. Tôi chắc chắn rằng, du khách khi đến Hà Nội bắt gặp những hình ảnh ấy họ sẽ rất thích thú và sẵn sàng bỏ tiền ra thuê áo dài chụp ảnh để đăng trên trang cá nhân của họ. Như thế, họ đã vô tình quảng bá cho hình ảnh đất nước, con người và tà áo dài Việt Nam.

Vào các buổi tối thứ 7 hàng tuần, tôi cũng đề xuất tổ chức các chương trình biểu diễn thời trang áo dài của các nhà thiết kế ở khu vực cầu Thê Húc, Quảng trường Đông kinh – Nghĩa thục, nhà cổ Mã Mây, đền Bạch Mã… Chúng ta làm với hình thức xã hội hoá tức là các nhà thiết kế được phép đăng ký tổ chức.

Đây cũng là một cơ hội rất tốt để những người làm du lịch chúng tôi đưa vào tour. Khách đến thấy tràn ngập hình ảnh áo dài họ sẽ thích thú, sau đó họ có thể thuê để chụp ảnh hoặc cao hứng thì họ sẽ mua. Như vậy, các nhà thiết kế sẽ có cơ hội bảo tồn và phát huy, thậm chí làm giàu từ chính tà áo dài của chúng ta”, ông Đạt nói.

Chia sẻ về giải pháp đưa áo dài Việt Nam vươn xa, ca sĩ - doanh nhân Thái Hoà cho rằng: "Tôi xin dành lời cám ơn sâu sắc tới BTC Festival Áo dài Hà Nội 2016 và NTK Minh Hạnh cùng 32 nhà thiết kế. Những tâm huyết và sự cố gắng của các anh chị đã mang lại những giá trị đặc biệt. Chưa bao giờ áo dài Việt Nam đặt lên một bối cảnh đẹp đẽ và sang trọng như vậy. Chúng ta dùng một "heritage" (di sản) làm sân khấu, đây là một đẳng cấp.

Dưới góc độ của một người kinh doanh, tôi thấy chúng ta vẫn là một quốc gia nghèo. Trước nay ta chuyên bán những giá trị thô và bán với mức giá rẻ. Nhưng bây giờ chúng ta phải biết bám vào văn hoá, lịch sử... để tạo ra những giá trị gia tăng và nhất quyết không thể bán áo dài với giá thô. Chúng ta không thể bán áo dài bằng số tiền mét vải hoặc vài giờ công mà chúng ta phải bán một câu chuyện.

Tôi có một câu chuyện rằng, khi tôi hỏi bác Trần Văn Khê và một anh tên là Nguyễn Trí Dũng sống ở Nhật Bản: "Người Nhật Bản giữ văn hoá truyền thống như thế nào và và người trẻ của Nhật Bản có thích âm nhạc cổ hay không?" thì tôi nhận được câu trả lời là "Không". Người trẻ của Nhật Bản cũng thích rock, pop, jazz... những thứ mới mẻ. Tôi nghĩ không sao cả nếu người trẻ của Việt Nam sống như người trẻ của Nhật Bản.

Ông Đỗ Đình Hồng - GĐ Sở Du lịch Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ, nhà thiết kế và doanh nhân tham dự hội thảo. Ảnh: Tùng Long.
Ông Đỗ Đình Hồng - GĐ Sở Du lịch Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ, nhà thiết kế và doanh nhân tham dự hội thảo. Ảnh: Tùng Long.

Các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và thiết kế... vẫn phải làm công việc của mình để khi những người trẻ đó luống tuổi họ còn có cái để quay về. Tôi nghĩ, khi những người trẻ già đi và họ không có giá trị nào để nương náu hoặc quay về, đó mới là bi kịch.

Tham dự Festival Áo dài Hà Nội 2016 lần này, tôi thấy ý tưởng để các nghệ sĩ gạo cội của làng sân khấu - điện ảnh đi với các em trẻ ra sân khấu là một ý tưởng cực kỳ tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc nhà nước, nhà thiết kế và doanh nghiệp cùng bắt tay với nhau để đưa áo dài vươn xa hơn chứ không chỉ đặt trách nhiệm lên mỗi đôi vai của nhà thiết kế", ca sĩ - doanh nhân Thái Hoà chia sẻ.

Hà Tùng Long