Ca sĩ Trọng Tấn: “Vợ chồng tôi không ai có thể “bắt vía” được ai cả”

(Dân trí) - “Ông hoàng nhạc đỏ” khẳng định, chuyện mọi người bảo anh sợ vợ chỉ là cách nói vui và vợ chồng anh cũng không bao giờ có chuyện “bắt vía” nhau.

Có tranh cãi nhưng chưa bao giờ giận nhau

Người ta vẫn gọi Việt Hoàn - Đăng Dương - Trọng Tấn là “tam ca nhạc đỏ” nhưng cả 3 không chỉ gắn bó trong âm nhạc mà còn gắn bó với nhau ngoài đời. Theo anh, điều gì tạo nên sự gắn bó đó?

Chúng tôi khăng khít với nhau từ thời còn học trong trường Nhạc viện Quốc gia cho đến tận bây giờ. Mặc dù 3 anh em đều hoạt động riêng biệt và độc lập với một đường đi riêng nhưng luôn dành cho nhau sự trân trọng và yêu thương.

Tam ca nhạc đỏ ngày ấy...
Tam ca nhạc đỏ ngày ấy...

Khi kết hợp trong âm nhạc là 3 cá tính âm nhạc của 3 màu sắc riêng nhưng khi gặp gỡ nhau ngoài đời lại như 3 anh em. Chúng tôi có thể ngồi trò chuyện với nhau cả buổi, có thể đi du lịch cùng nhau, đến nhà nhau ăn cơm rất thường xuyên.

Có thể hơi duy tâm một chút nhưng tôi luôn nghĩ hình như kiếp trước chúng tôi là 3 anh em trong một gia đình. Nhờ mối thâm tình đó mà chúng tôi luôn có sự hòa quyện trong âm nhạc và cứ hễ lên sân khấu là dễ dàng “ăn xăm” được với nhau.

Thời sinh viên đã ở cùng nhau và đi diễn cùng nhau hẳn cả 3 anh em có rất nhiều kỷ niệm?

Năm 1995, tôi vào Nhạc viện Quốc gia thì ở cùng phòng với anh Đăng Dương vì anh Dương học nhạc từ trước rồi. Anh Dương ban đầu học đàn bầu sau mới học thanh nhạc. Ở cùng nhau trong phòng 4D của ký túc xá được hơn một năm tôi mới chuyển ra ngoài.

Năm 1995, cả tôi và anh Dương cùng thi Giọng hát hay Hà Nội, anh Dương đạt giải Nhất, tôi đạt giải Khuyến khích. Đến 1997, tôi tiếp tục tham gia cuộc thi này và đạt giải Nhất. Rồi thời sinh viên, chúng tôi còn đèo nhau đi diễn ở các sân khấu, phòng trà, quán cà phê… xung quang nội thành Hà Nội.

Dấu mốc đánh dấu sự kết hợp của 3 anh em đó là khi tham gia cuộc thi Sinh viên chuyên nghiệp toàn quốc, tất cả các trường dạy âm nhạc thi với nhau.

Trong thời gian đi học, chúng tôi có nhiều kỷ niệm lắm. Thời điểm khi không ở ký túc xá nữa, tôi có ở với anh Tấn Minh một năm rồi đến khi anh Tấn Minh có nhà riêng tôi lại ở với anh Việt Hoàn. Hồi đó anh Hoàn thuê nhà ở Khâm Thiên. Anh em với nhau vui vẻ, thân tình… như anh em ruột.

Có những đêm, anh em thức tâm sự với nhau đến 2 – 3h sáng mới ngủ. Mặc dù đến nay, mỗi người đã có cuộc sống riêng nhưng anh em rất trân trọng tình cảm đó và giữ gìn để tình cảm đó phôi phai đi.

Từ lúc biết nhau cho đến tận bây giờ đã hơn 20 năm trôi qua. Bản thân anh thấy hai người anh của mình có thay đổi nhiều?

Cả anh Dương và anh Hoàn gần như không có nhiều sự đổi khác. Vì là em út trong nhóm nên tôi luôn bên cạnh, chứng kiến những bước ngoặt lớn trong cuộc đời của các anh, từ thời còn độc thân, lúc đang yêu cho đến lúc đã lập gia đình. Chính vì vậy mà tình cảm xuyên suốt mấy chục năm qua đến giờ không có sự sứt mẻ gì. Không chỉ chúng tôi thân thiết với nhau mà vợ con cũng thế.

Thậm chí, đôi khi nhiều người cứ tưởng Hoa – vợ tôi và Xuyến – vợ anh Dương là hai chị em. Cả hai hợp nhau từ gu thẩm mỹ, thời trang, tính cách đến quan điểm sống. Đó cũng là một điều rất lạ. Nhưng nó khiến cho tình cảm chúng tôi xích lại gần nhau nhiều hơn. Có lẽ phải có một nhân duyên thực sự từ kiếp trước mới có nhiều sự tương đồng kỳ lạ đến thế.

Trong mắt anh, hai người anh của mình khác biệt nhau như thế nào?

Trong nhóm, anh Hoàn ấy vẫn luôn là một người anh cả đại lượng. Những lần 3 anh em đi diễn cùng nhau hoặc hợp tác chung, anh Hoàn luôn là người đứng ra đốc thúc anh em may quần may áo, rồi anh ấy còn đảm nhận cả việc nấu ăn… cho cả 3. Bản thân anh Hoàn từng có thời gian dài sống độc lập nên anh ấy quán xuyến mọi việc rất chỉn chu và cẩn trọng.

Anh Dương là người bộc trực và nghiêm chỉnh trong tác phong, âm nhạc, trong sự tương tác với mọi người. Bản thân anh Dương nhìn vậy thôi nhưng sống rất đơn giản, dung dị. Chính vì thế anh ấy có nhiều điểm tương đồng với tôi vì tôi cũng thích cuộc sống dung dị khi trở về đời thường. Dù rằng mỗi người có thể có những cá tính khác nhau nhưng đều giống nhau ở cách sống trọng tình, làm nghề nghiêm túc.

Tam ca nhạc đỏ sẽ kỷ niệm 20 năm ca hát bằng Live show Concert Đường chúng ta đi diễn ra vào 26/8 tại Hà Nội. Đây là đêm nhạc đánh dấu 20 năm gắn bó của Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn trên con đường ca hát.
Tam ca nhạc đỏ sẽ kỷ niệm 20 năm ca hát bằng Live show Concert "Đường chúng ta đi" diễn ra vào 26/8 tại Hà Nội. Đây là đêm nhạc đánh dấu 20 năm gắn bó của Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn trên con đường ca hát.

Vậy giữa 3 anh có những tính cách trái ngược nào khó hòa hợp?

Tam ca không phải là nhóm nhạc chuyên nghiệp để ngày nào cũng gặp nhau. Chính vì thế sự va chạm hàng ngày được triệt tiêu tương đối. Chúng tôi gần như rất ít có sự xung đột vì không ai va chạm với nhau điều gì cả.

Ngay cả trước đây, khi anh mới kết hợp với nhau, mặc dù có chuyện nọ chuyện kia chưa thuận ý hết nhưng đó toàn là những chuyện không lớn. Trong cuộc sống, dù anh em cách tuổi nhau nhưng rất biết nhìn nhau để sống, nhường nhịn nhau trong các vấn đề.

Có chăng là thỉnh thoảng có sự chưa đồng nhất về quan điểm khi cùng bàn về một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Anh Hoàn thường thích bày tỏ quan điểm về những vấn đề mà anh ấy quan tâm nên đưa ra để tôi cùng bàn luận. Anh Dương thường chủ yếu lắng nghe.

Tôi với anh Hoàn thường có những xung đột về quan điểm bởi mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau. Nhưng đó là những ngoài lề công việc, chẳng hạn trên đường đi diễn hoặc ngồi cà phê cà pháo với nhau. Tuy nhiên, chưa bao giờ tới mức căng thẳng phải giận nhau. Có thể khó chịu nhưng chưa hề giận nhau.

“Chuyện vợ “bắt vía” tôi là không có”

Anh thuận lợi hơn so với nhiều người đó là luôn có vợ đi theo để vừa đóng vai trò quản lý, vừa đóng vai trò trợ lý. Nhưng nhiều người cho rằng, vợ mà kè kè như thế cũng khiến chồng đôi khi thiếu đi sự tự do?

Tôi nghĩ, nhìn nhận đúng hơn đó là sự chia sẻ, còn kè kè là cách nhìn của từng người. Nếu bạn luôn muốn tự do, không có ai bên cạnh quản lý mình, muốn hoàn toàn quyết định mọi thứ… thì không nên có gia đình. Còn nếu có gia đình thì sự chia sẻ của người bạn đời là rất cần thiết. Đó là sợi dây quan trọng để gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau, đặc biệt là người chồng và người vợ.

Tất nhiên, mỗi người sẽ có một góc nhìn khác nhau. Có thể họ xem việc vợ chồng ríu rít với nhau mọi lúc mọi nơi có gì đó không thoải mái cho người này người kia. Nhưng tôi cho rằng, cảm xúc thật sự của hai nhân vật chính mới là quan trọng.

Mọi người nghĩ rằng, người nghệ sĩ nên có khoảng trời riêng để sáng tạo nhưng tôi thấy tôi luôn tự do trong không gian nghệ thuật của mình. Có vợ cùng chia sẻ công việc, tôi bớt được gánh nặng. Bình thường, làm việc với các đối tác, tôi vẫn là người trực tiếp.

Vợ chồng Trọng Tấn - Hoa Đặng luôn khiến nhiều người phải ghen tỵ bởi hoà hợp về mọi thứ.
Vợ chồng Trọng Tấn - Hoa Đặng luôn khiến nhiều người phải ghen tỵ bởi hoà hợp về mọi thứ.

Hoa chỉ hỗ trợ tôi hoàn thiện những cái liên quan đến hợp đồng, thuế má, thủ tục hành chính… Đó là những sự hỗ trợ rất tốt. Thêm nữa, có Hoa tôi được chăm sóc về mặt hình ảnh… Các ca sĩ hoạt động độc lập bao giờ cũng phải nhờ tới một ê-kíp để mỗi người sẽ giúp họ lo một khâu nhưng mình Hoa lo giúp tôi mọi thứ.

Rất may, công việc giảng dạy ở Nhạc viện của Hoa cũng tương đối thoải mái nên cô ấy quản lý nhà hàng, công ty rồi các công việc liên quan đến kinh doanh… tôi cũng đớ rất nhiều.

Nhiều người cho rằng, anh bị vợ bắt vía, hiểu theo gốc độ nào đó là anh sợ vợ. Anh nghĩ sao về ý kiến này?

Cái từ “sợ vợ” là khái niệm muôn thuở, nó chứng tỏ đàn ông cũng khổ (cười). Muốn mái ấm hòa thuận và sự chia sẻ với người mình yêu thương thực sự đôi lúc người đàn ông cũng phải có sự đại lượng và nhường nhịn. Vợ chồng gặp nhau 24/24 nên không thể tránh được sự va chạm, xung đột… nên trong nhà luôn phải có sự phân chia công việc theo thế mạnh của từng người. Đó là sự chia sẻ, tương hỗ thực sự để cuộc sống gia đình luôn hòa thuận, ổn định.

Tôi nghĩ, nếu mình chưa làm tốt công việc chăm sóc, dạy dỗ con cái và sắp xếp các công việc trong gia đình thì cứ để vợ mình làm. Còn chuyện vợ “bắt vía” tôi là không có. Khi một người chồng hoặc một người vợ còn giá trị thì sự thẩm thấu là hoàn toàn vô điều kiện.

Có thể mọi người nhìn vào “Ôi, ông này sợ vợ thế?” nhưng không phải thế. Họ còn giá trị với nhau và họ buộc phải hợp tác với nhau để có được những thứ mong muốn chứ không có ai sợ ai cả. Cho nên từ “sợ vợ” với tôi chắc mọi người nói vui thôi.

Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long