Ca sĩ Ariana hủy show trước giờ diễn: Cát-sê, chi phí đã bỏ ra có được hoàn trả lại?

Việc ca sĩ Ariana Grande hủy show tại TPHCM chỉ 5 tiếng trước buổi diễn đã làm “đổ sông đổ biển” nhiều công sức và số tiền khổng lồ mà đơn vị tổ chức của Philipp Nguyễn (em chồng diễn viên Tăng Thanh Hà) đã bỏ ra trong suốt 2 năm qua. Câu hỏi được nhiều người quan tâm là phía Ariana chủ động hủy show thì có phải đền bù thiệt hại cho nhà sản xuất?


Việc ca sĩ Ariana Grande hủy show để lại nhiều tiếc nuối cho khán giả Việt Nam. Ảnh: TL

Việc ca sĩ Ariana Grande hủy show để lại nhiều tiếc nuối cho khán giả Việt Nam. Ảnh: TL

Những thiệt hại không chỉ tính bằng tiền

Theo thông lệ, để mời một nghệ sĩ quốc tế đến nước mình biểu diễn phải trải qua quá trình đàm phán kéo dài cả năm trời, nếu nhanh. Còn thông thường phải mất cỡ 2 năm. Vì sao phải cần từng ấy thời gian? Vì với một thị trường âm nhạc như ở Việt Nam, muốn mời một nghệ sĩ tầm cỡ thì phải chuẩn bị mọi thứ gần như từ A-Z. Với nghệ sĩ tên tuổi, cát - sê chỉ là một điều kiện nên không phải cứ có tiềm lực mạnh là mời được họ biểu diễn. Năng lực tổ chức ra sao (bao gồm từ nơi ăn chốn ở, truyền thông, hạ tầng cơ sở vật chất, âm thanh ánh sáng đúng chuẩn quốc tế...) mới là điều để họ đồng ý hợp tác.

Một đơn vị tổ chức từng mời nhà hát Ballet danh tiếng của Nga sang Việt Nam biểu diễn đã tiết lộ, để đặt vấn đề, điều đầu tiên là phải thông qua các mối quan hệ uy tín giới thiệu. Họ sẽ xem xét phía đơn vị tổ chức có năng lực không, đã từng tổ chức sự kiện gì? Sau đó, họ sẽ đưa ra những điều kiện lên đến vài chục trang, mà mỗi nghệ sĩ là một bản hợp đồng khác nhau. Nếu đáp ứng được thì mới nói đến chuyện cát - sê, hạ tầng tổ chức. Với những chương trình có tài trợ thì việc đàm phán cũng nhanh hơn đôi chút, vì không lo ngại khả năng bán vé. Nhưng nếu là chương trình thương mại đơn thuần thì còn phải kèm theo điều kiện này. Nếu không có đủ lượng khán giả như yêu cầu, họ sẽ hủy show.

Ngoài ra, họ cũng xem xét đến khả năng phát triển của thị trường ở đó ra sao, chẳng hạn đó có phải là nơi tiêu thụ đĩa của họ không? Với Việt Nam, đây là yếu tố khiến đa phần nghệ sĩ quốc tế thấy nản lòng nhất. Vì họ đi tour chủ yếu là để bán đĩa gốc, chứ không đơn thuần chỉ là chuyện cát - sê. Nhưng ở Việt Nam gần như không có tiềm năng này bởi thói quen “dùng chùa” đã trở nên quá đương nhiên.

Một ví dụ nhỏ để thấy sự nỗ lực của đơn vị tổ chức khi phải đáp ứng hàng trăm điều kiện từ khắt khe đến oái oăm: Khách sạn 5 sao là hiển nhiên nhưng phải đặt phòng Tổng thống hoặc phòng tốt nhất trong khách sạn; rèm phải màu đen, mỗi ngày phải có 12 bông hoa hồng trắng và được thay hàng ngày. Xe đưa đón hạng sang và không được bật bất cứ một loại nhạc nào; lái xe không được nói chuyện, hỏi chuyện từ lúc đón cho đến lúc đưa về... Nghệ sĩ càng nổi tiếng càng “quái” và đỏng đảnh. Nhưng ngay cả khi đã đáp ứng đầy đủ thì vẫn có chuyện họ đùng đùng hủy show như thường. Chẳng hạn, Justin Babieber đang diễn đàng hoàng vẫn bỏ về vì nhận thấy khán giả không tôn trọng ca sĩ...

Trong trường hợp ca sĩ Ariana hủy show, dù không biết lý do thực sự đằng sau đó là gì nhưng theo những gì mà phía Ban Tổ chức The Dangerous Woman Tour - Ariana Grande đưa ra là do ca sĩ bị mất giọng thì đó thuộc về nguyên nhân bất khả kháng. Điều này luôn được phía các nghệ sĩ lường trước và đưa thành điều khoản. Cả hai bên sẽ phải thương lượng để chia sẻ những tổn thất mà đơn vị tổ chức đã bỏ ra. Còn nếu lý do hủy show nằm trong hợp đồng thì không chỉ không trả lại mà còn phải đền bù thêm.

Tuy nhiên, theo những đơn vị từng tổ chức sự kiện quốc tế tương tự thì có thể thấy, việc hủy show vừa qua của ca sĩ "Side To Side" đã gây nên những thiệt hại cho phía Philipp Nguyễn là quá lớn, không chỉ về số tiền khổng lồ đã bỏ ra mà còn cả vấn đề uy tín. Nếu là show diễn nhằm mục đích khác ngoài bán vé thì đó còn là hậu quả kép đối với họ.

20 năm nữa mới có thị trường âm nhạc đúng nghĩa?

Việc đáp ứng các yêu cầu oái oăm hay cát-sê quá cao luôn được các đơn vị tổ chức lường trước. Điều khiến họ đau đầu hơn cả chính là hạ tầng cơ sở. Đại diện một đơn vị tổ chức tiết lộ, có những điều khoản về kỹ thuật mà họ hỏi và đưa ra, đơn vị tổ chức chỉ biết ngồi nhìn và cười trừ thôi. Không ít lần đàm phán, chỉ nghe đến tên thị trường Việt Nam, chưa cần biết mình có đáp ứng được hay không thì họ đã từ chối rồi. Theo vị này, các sân khấu ở Hà Nội và TPHCM hiện nay đều không đáp ứng được bất kỳ một show diễn quốc tế nào. Ngay cả khi nói là nhập thiết bị âm thanh ánh sáng về thì cũng chỉ gọi là chắp vá vì không có đơn vị nào có thể chi ra số tiền lớn như vậy để setup toàn bộ. Với sân khấu cổ điển thì lại càng nan giải hơn. Điều đó gây cản trở khá lớn cho các đơn vị tổ chức với nỗ lực mang lại khẩu vị mới mẻ cho khán giả và xa hơn nữa là đưa thị trường Việt Nam có tên trên bản đồ âm nhạc thế giới.

Hiện tại, các show đã biểu diễn ở Việt Nam, phần nhiều trong số đó là không có tên trong lịch trình đi tour chính thức của họ mà chỉ mang tính chất thêm thắt. Tại châu Á, thị trường đúng nghĩa thu hút được các sao quốc tế mới chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore... Còn ở Việt Nam, đa phần các show quốc tế có được là từ các nhà tài trợ. Sự “bảo chứng” này hạn chế rủi ro cho nhà tổ chức không phải trông chờ vào việc bán vé, nhưng một thị trường âm nhạc đúng nghĩa cần phải tuân theo quy luật của thị trường, đó là có người bán, kẻ mua. Việc tài trợ chỉ mang lợi cho khán giả, còn về mặt thị trường là không tạo được sức hút với các đối tác. Để làm được điều này, theo đánh giá của các đơn vị tổ chức, có lẽ Việt Nam phải cần đến 20 năm nữa.

Dù vậy, với nỗ lực mang đến một thị trường âm nhạc phát triển, các đơn vị tổ chức coi đây là một bài học hữu ích để xúc tiến những cuộc đàm phán tầm cỡ khác. Bởi cái họ hướng đến khi tổ chức các show diễn như thế này không phải là tiền mà cao hơn là sự chinh phục những thử thách mới và xác lập uy tín, thương hiệu trên thị trường trong vai trò là người khai mở. Có thể lúc đầu chưa đạt chuẩn như nghệ sĩ trông đợi nhưng với khán giả thì là một sự trải nghiệm tiến tới đẳng cấp và không khí mang tầm quốc tế. Vì vậy, theo các nhà tổ chức, sự việc ca sĩ Ariana hủy show mang đến một dư vị buồn, tiếc nuối và khó khăn hơn khi đàm phán nhưng sẽ không khiến họ nản lòng. Bản thân nhà tổ chức có thiện chí mời ngôi sao về, dưới bất cứ một góc độ nào cũng nên trân trọng và cổ vũ vì đó là một sự nỗ lực.

Một đơn vị mời đoàn nghệ thuật Ballet Nga sang biểu diễn cũng từng đứng trước nguy cơ hủy show. Đó là, sau khi đáp ứng hoàn hảo các điều kiện đưa ra thì ngay sát giờ diễn, diễn viên chính bị đau bụng và họ cho rằng đó là vì không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đơn vị tổ chức đã phải rất vất vả trong việc mời bác sĩ chữa bệnh cho diễn viên này.

Ngoài ra, vấn đề khí hậu của Việt Nam cũng là một nỗi ái ngại với nghệ sĩ quốc tế. Không ít trường hợp đang ở không khí lạnh, gặp khí hậu của Việt Nam đã bị sốc nhiệt. Không loại trừ khả năng ca sĩ Ariana bị viêm họng và hủy show vì nguyên nhân này. Nói chung, khi đã mời nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam biểu diễn là cả một sự “đau tim” với nhà tổ chức vì đặt cược cho “canh bạc” hàm chứa nhiều rủi ro và bất trắc.

Theo Thanh Hà
Gia Đình & Xã Hội