1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Ca khúc nổi tiếng “Đất nước” và một chi tiết gây thắc mắc

(Dân trí) - Có một điều đặc biệt là trong bài hát “Đất nước” có một chi tiết mà không ít người đã từng đặt câu hỏi nhưng vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Đó là chi tiết “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Theo lẽ thường, nếu ba lần tiễn con đi thì phải ba lần khóc thầm lặng lẽ mới đúng logic.

"Đất nước" - sáng tác: nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn; thể hiện: ca sĩ Trọng Tấn

Một năm “thai nghén” mới hoàn thành ca khúc

Những năm 80 của thế kỷ trước, không biết bao nhiêu người mẹ, người vợ, người lính… đã khóc ngằn ngặt mỗi khi nghe cố nghệ sĩ Ngọc Tân cất lời hát: “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu, nghe dịu nỗi đau của mẹ. Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, các anh không về mình mẹ lặng im. Đất nước tôi, đất nước tôi, đất nước tôi…” trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1988, ca khúc này lại gây xúc động mạnh mẽ ở Hội diễn Ca nhạc tại Hà Nội do Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức khi được NSƯT Quang Lý biểu diễn.

Và cũng từ đó bài hát đến nhiều hơn với số đông công chúng và trở thành ca khúc quen thuộc trong những dịp tri ân các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh và các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tiếp nối hai nghệ sĩ đi trước, các ca sĩ Bích Việt và Trọng Tấn cũng là những người đã hát thành công ca khúc này.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn trong một buổi giao lưu âm nhạc. Ảnh: Hoà Bình.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn trong một buổi giao lưu âm nhạc. Ảnh: Hoà Bình.

Có thể nói, trong số những ca khúc viết về hình tượng người mẹ Việt Nam anh hùng thì “Đất nước” do nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ thơ Tạ Hữu Yên không những hay về giai điệu, đẹp về ca từ mà còn lay động tâm thức người nghe một cách sâu sắc.

Nhà thơ An Đình đã từng thốt lên: “Đã bao nhiêu lần tôi tự hỏi liệu trên thế giới này có dải đất nào mà mỗi tấc đất lại thấm máu xương của những người đi trước nhiều như nước mình? Và có đất nước nào có nhiều bà mẹ có đức hy sinh cao cả như nước Việt của tôi? Tôi không biết và cũng không trả lời được. Nhưng, có một điều tôi chắc chắn chưa có bài hát nào khiến cho từ “đất nước” được hiểu với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng của nó như “Đất nước” của Phạm Minh Tuấn, phổ thơ Tạ Hữu Yên. Sự đồng cảm đã khiến tôi bắt nhịp ngay tức khắc khi lần đầu tiên lắng nghe những ca từ trong bài hát này. Tiếng tơ cùng với tiếng lòng đã run lên bần bật theo từng điệu nhạc: “Đất nước tôi, đất nước tôi... Sáng ngời muôn thuở” và ngàn lần xin được ngợi ca như thế. Tôi đã rưng rưng nước mắt khi bắt gặp hình ảnh quá đỗi thân quen của người mẹ Việt Nam ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, các anh không về mình mẹ lặng im...”.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn là tác giả hàng loạt ca khúc cách mạng quen thuộc đi vào lòng nhiều thế hệ như: "Bài ca không quên", "Đất nước", "Khát vọng", "Mùa xuân từ những giếng dầu", "Đêm trắng", "Sao biển", “Dấu chân phía trước”... Ông tên thật Phạm Văn Thành, có quê cha ở Nam Định và quê mẹ ở Hưng Yên. Trong những năm 30 của thế kỷ trước, bố mẹ ông sang Campuchia làm ăn sinh sống và sinh ra ông ở đó. Năm 1960, theo tiếng gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, ông về nước tham gia cách mạng lúc 18 tuổi. Khi đất nước hoà bình, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn theo học Khoa Sáng tác Nhạc viện TP HCM khóa 1976-1981 và cũng từ đó hàng loạt ca khúc mang hơi thở cuộc sống mới của ông ra đời.

Về hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Đất nước”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cho biết vào năm 1984, khi ông đọc báo Sài Gòn Giải Phóng thì nhìn thấy bài thơ “Đất nước tôi” của nhà thơ Tạ Hữu Yên in trên báo. Những lời thơ mộc mạc nhưng lại rất giàu hình ảnh và giàu ý nghĩa nhân văn. Hình ảnh người mẹ Việt Nam lồng trong dáng hình đất nước được nhà thơ miêu tả bằng: “giọt đàn bầu”, “giọng ca dao”, “luỹ tre làng”, “bãi dâu”, “bến nước”, “câu hò”, “tiếng sáo”... đã khiến nhạc sĩ họ Phạm ám ảnh khôn nguôi.

Đặc biệt là tình tiết “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, các anh không về mình mẹ lặng im...” như khắc vào tâm khảm của ông một nỗi day dứt khó gọi tên. Ông nghĩ đến sự hy sinh của những người mẹ Việt Nam từ trong ca dao đến ngoài đời thực. Và nghĩ nhiều đến món nợ của những người đang sống đối với các bà mẹ có những người con ra đi rồi mãi mãi nằm lại trong chiến trường. Những thổn thức đó khiến ông không thể không bỏ qua việc phổ nhạc cho bài thơ này.

Mẹ Nguyễn Thị Thứ - biểu tượng của hình ảnh bà mẹ Việt Nam anh hùng bên mâm cơm ngày giỗ chồng con. Ảnh: TL.
Mẹ Nguyễn Thị Thứ - biểu tượng của hình ảnh bà mẹ Việt Nam anh hùng bên mâm cơm ngày giỗ chồng con. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, cũng phải mất tới một năm “thai nghén”, nhạc sĩ họ Phạm mới hoàn tất ca khúc “Đất nước”. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chia sẻ rằng: "Đề tài chiến tranh cách mạng luôn thôi thúc tôi sáng tác. Kỷ niệm về một thời khói lửa và công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc thường đem đến cho tôi những giai điệu đẹp! (…) Khi bắt gặp được bài thơ của nhà thơ Tạ Hữu Yên có nhan đề "Đất nước tôi", tôi thấy nhiều ý độc đáo, trữ tình nhưng cũng rất hùng tráng. Nó đi vào những khía cạnh tình cảm mang chất tự sự nói về đất nước, nói về mẹ Việt Nam anh hùng.

Tôi viết say sưa nhưng sửa tới sửa lui vẫn thấy không ổn. Tôi quyết định cất vào tủ. Lý do tôi quyết định xếp cất vì nó không những không thể sánh được với những ca khúc viết về quê hương đã ra đời trước đó, mà so với cả những ca khúc tôi đã từng viết, nó cũng không bằng. Một năm sau, ca khúc "Đất nước" mới được hoàn thành vẹn toàn. Khi đó, tôi mới quyết định giới thiệu đứa con tinh thần của mình ra công chúng. May mắn, nó được khán giả yêu mến và đón nhận”.

“Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ!”

Hơn 30 năm qua, ca khúc “Đất nước” đã “sống” đúng nghĩa trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Mỗi khi bài hát cất lên, tiếng đồng vọng từ quá khứ lại trở về, một quá khứ rất đỗi đau thương nhưng không kém phần hào hùng và bi tráng. Nó là lời nhắc nhớ đối với những người đang sống về một sự biết ơn trước những hy sinh thầm lặng của các mẹ Việt Nam qua nhiều thế hệ. Lời nhắc nhớ đó nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Chân phương mà cũng rất đỗi thiết tha, mãnh liệt.

Có người bảo, khi nghe bài hát này, họ nhìn thấy bóng dáng của bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam) có 9 con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Họ nghĩ đến những lần mẹ Thứ ngồi dậy thảng thốt trong đêm gọi tên chồng con và các cháu của mẹ. Mẹ gọi để rồi lại ngồi lặng thinh trong bóng đêm với đôi mắt đục mờ nhìn vào cõi xa xăm vô định. Có người lại bảo, họ nhìn thấy cảnh đời của bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Vĩnh Long, chỉ trong vòng nửa tháng đã phải nhận tin ba đứa con trai của mình hy sinh, người con trai còn lại thì bị thương nặng.

Người khác lại thấy bóng dáng một bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Đồng Tháp có chồng và năm con trai là liệt sĩ nhưng vẫn tiếp tục con đường cách mạng của mình, nuôi giấu cán bộ và tiếp tế lương thực cho cách mạng đánh giặc. Cho đến khi người ta hỏi mẹ, mẹ lại nói: “Đau buồn thì quả là không có gì bằng nhưng mẹ nghĩ nỗi căm thù quân giặc còn lớn hơn nỗi đau này nên phải đứng dậy đi tiếp vì Đảng, vì Đất nước và vì các con mình”, đúng như câu hát “Mấy mùa không ngủ. Ngăn bước quân thù phía Nam phía Bắc, vai mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con…”.

Tấm ảnh “Mẹ tiễn con lên đường tập kết” được lưu giữ trong album ảnh của gia đình Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (Quảng Nam). Ảnh: Võ Văn Trường.
Tấm ảnh “Mẹ tiễn con lên đường tập kết” được lưu giữ trong album ảnh của gia đình Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (Quảng Nam). Ảnh: Võ Văn Trường.

Có một điều đặc biệt là trong bài hát có một chi tiết mà không ít người đã từng đặt câu hỏi nhưng vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Đó là chi tiết “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Theo lẽ thường, nếu ba lần tiễn con đi thì phải ba lần khóc thầm lặng lẽ mới đúng logic.

Có người phỏng đoán, "ba lần tiễn con đi" là ý tác giả muốn nói tới hai cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ và cuộc chiến tranh biên giới 1979 mà đất nước đã phải trải qua. Tuy nhiên, hai người con đã hy sinh còn một người chưa có tung tích. Có người lại cho rằng, lời bài hát chỉ mang tính chất khái quát chứ không cụ thể hoá về một người mẹ nào cụ thể. Tác giả dùng hình ảnh bà mẹ Việt Nam để nói về sự hy sinh thầm lặng của người mẹ đã làm nên "đất nước" này.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn từng chia sẻ rằng, ngoài người mẹ của ông ra, còn biết bao bà mẹ Việt Nam chịu đựng sự hy sinh để cho chồng con lên đường cứu nước. Và tất cả chúng ta đều không thể quên công lao của người mẹ, nhất là những người mẹ có con hy sinh vì tổ quốc. “Nói đến mẹ là nói đến những gì vĩ đại nhất, những tình cảm sâu đậm nhất với thiên chức của mình, các bà mẹ đã chịu sự hy sinh vô cùng cao đẹp cho tổ quốc. Vì vậy, những giai điệu cho dù có đẹp đến mấy thì cũng không nói hết được tình mẹ đâu. Mẹ trong bài "Đất nước" vì thế mà đã trở thành hình tượng lớn... chứ không riêng một bà mẹ nào cụ thể”, nhạc sĩ nói.

Hà Tùng Long