Huế:

Ca Huế đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(Dân trí) - Tối 22/9, tại Trung tâm văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Ca Huế.

Là loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng đất cố đô và của cả nước, Ca Huế vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo các nhà nghiên cứu, cùng với ca trù miền Bắc, đờn ca tài tử Nam Bộ thì Ca Huế là một trong ba thể loại nhạc thính phòng đạt trình độ phát triển bậc nhất trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam; là thể loại duy nhất ra đời trong chốn cung đình.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh: “Ca Huế là loại hình nghệ thuật quý báu của dận tộc. Với việc được công nhận, đó là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm của các thế hệ trọng việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của quốc gia”.

 

Dàn trống đồng thanh mở màn chương trình
Dàn trống đồng thanh mở màn chương trình
Một tiết mục Ca Huế
Một tiết mục Ca Huế

 

Là sản phẩm mang nét đặc trưng riêng một địa phương, nhưng ca Huế có giá trị văn hóa ở tầm quốc gia, mang bản sắc Việt độc đáo. Ca Huế đã hình thành đươc hơn 3 thế hệ và phát triển trên mảnh đất Thuận Hóa - Phú Xuân (tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nay); bao gồm khoảng trên 80 làn điệu, bài bản của dòng âm nhạc dân gian, âm nhạc thính phòng và một phần Nhã nhạc cung Huế.

Ca Huế đang ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn, không chỉ trên sông Hương, mà còn được trình diễn ngay cả trong các thính phòng, khách sạn... tại Huế.

 

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đón bằng công nhận Ca Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đón bằng công nhận Ca Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

 

Với việc Ca Huế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ tạo cơ hội để tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị. Qua đó, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, góp phần khẳng định vị thế của một Trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước. Đây cùng là cơ sở để hoàn chỉnh các bước xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Ca Huế là Kiệt tác Di sản Văn hóa phi vật thể truyền khẩu đại diện của nhân loại.

Cũng tại buổi lể, ban tổ chức cũng đã tặng hoa đến các thế hệ nghệ nhận, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, sáng tác… để ghi nhận công lao đóng góp của họ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của Ca Huế.

 

Tặng hoa ghi nhận sự đóng góp của nhiều nghệ sĩ đối với ca Huế
Tặng hoa ghi nhận sự đóng góp của nhiều nghệ sĩ đối với ca Huế

 

Cùng ngày, Hội thảo khoa học: ‘‘Ca Huế - Giá trị, định hướng bảo tồn và phát huy’  cũng đã được diễn ra, thu hút nhiều nhà khoa học trong nước và các nhà nghiên cứu văn hóa Huế tham gia.

Văn Dinh - Đại Dương