“Bóc mẽ” những chiêu câu rating của truyền hình thực tế 2016

(Dân trí) - Đang thi nấu ăn trên truyền hình bị rụng răng được quay đặc tả; người mẫu 1m54 được vào top 3 chung cuộc; loại thí sinh vì “tài năng vượt qua khuôn khổ cuộc thi”… tất cả những gì đang diễn ra trên truyền thực tế đang khiến khán giả phải ngán ngẩm bởi vì “cuộc chiến” rating mà nhà sản xuất đang bất chấp tất cả.

3 giám khảo quây thí sinh vì… một cái răng

Ở tập 1 của chương trình “Vua đầu bếp nhí” vừa qua có chi tiết cậu bé Gia Huy đang lúc chờ giám khảo nhận xét thì bị rụng răng. Ngay sau đó, chi tiết này đã được máy quay của chương trình đặc tả bằng hình ảnh cậu bé cầm chiếc răng giơ lên. Chính cậu bé chia sẻ, ngay khi phát hiện ra cậu vừa bị rụng răng, lập tức các máy quay chĩa vào cậu để "quay lấy quay để". Rồi tiếp theo là hình ảnh cả 3 giám khảo không xoáy vào món ăn cậu vừa nấu để đưa ra lời nhận xét mà lại cứ hỏi “Chiếc răng của con đâu rồi?”, “Sao con không cầm chiếc răng của con lên cho giám khảo xem?, “Tặng cho cô chiếc răng đi để làm kỷ niệm”, “Vậy con muốn tặng ai trong 3 người nè”...

Toàn bộ phần quay giới thiệu về Gia Huy kéo dài 1 phút 33 giây nhưng thời lượng để nói về cái răng bị rụng của cậu bé đã chiếm tới 2/3. Các giám khảo đã làm cho cậu bé bị bối rối và đã có lúc cậu bê đĩa thức ăn của mình lên như muốn nói với các giám khảo “hãy nhận xét đi” nhưng nữ giám khảo Tịnh Hải vẫn không buông tha, vẫn cố câu kéo chuyện xin chiếc răng. Tất nhiên, khi xem chương trình, ai cũng biết đoạn này được cố tình dàn dựng để câu rating bởi chi tiết này không nhất thiết phải “slow motion” đến thế.

Bé Gia Huy trong tập 1 Vua đầu bếp nhí. Ảnh: TL.
Bé Gia Huy trong tập 1 "Vua đầu bếp nhí'. Ảnh: TL.

Vòng chung kết của “Người mẫu Việt Nam 2016” gây bất ngờ khi chọn Fung La - thí sinh cao 1m54 cùng 3 thí sinh khác. Thực tế, ngay từ đầu, khi Fung La được chọn đi sâu vào các vòng trong của chương trình đã gây ra không ít tranh cãi trong cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng, người mẫu mà chỉ cao 1m54 thì không thể chấp nhận được.

Dù tiêu chí của năm nay là "phá bỏ mọi giới hạn" nhưng với chiều cao không đạt chuẩn thì La Fung chỉ có thể phù hợp với công việc làm người mẫu ảnh chứ không thể hoạt động trên sàn catwalk - vốn đòi hỏi các chân dài cao trên 1,7 m. Tuy nhiên, dư luận tranh cãi cứ kệ dư luận, La Fung vẫn cứ thẳng tiến vào sâu. Và không ít người nhận ra rằng, “nhân tố” này là “con Át” giúp “Người mẫu Việt Nam” mùa giải 2016 tăng thêm nhiệt nên chuyện loại cô ngay từ vòng ngoài là điều không tưởng.

Loại thí sinh vì quá tài năng

Đỉnh điểm của chiêu trò câu rating chính là màn loại giọng ca Chiara Falcone của Vũ Cát Tường trong vòng Liveshow của “Giọng hát Việt nhí” với lí do “tài năng của con đã vượt xa so với khuôn khổ trong cuộc thi này và đã đến lúc chúng ta dừng lại với việc thi thố”. Ngay lập tức, không chỉ khán giả xem truyền hình mà cả những người trong nghề cũng chĩa mũi nhọn vào nữ Huấn luyện viên này.

Nữ ca sĩ Hồng Hạnh đã gọi màn loại thí sinh này là "trò hề showbiz". Cô cho rằng chính vì thí sinh quá hay và tài giỏi nên khiến Huấn luyện viên phải chào thua. "Hậu sinh khả úy mới là cái cần, không dám sống cho mình thì không nên làm giám khảo làm gì nữa. Đào tạo một lớp trẻ hơn mình mấy ai muốn và dám?", ca sĩ Hồng Hạnh phản ứng.

Người đẹp cao 1m54 được chọn vào chung kết Người mẫu Việt Nam. Ảnh: TL.
Người đẹp cao 1m54 được chọn vào chung kết Người mẫu Việt Nam. Ảnh: TL.

Trong khi dư luận và giới trong nghề chĩa mọi mũi nhọn vào Vũ Cát Tường thì với kinh nghiệm của nhiều lần ngồi ghế nóng các chương trình truyền hình thực tế, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lại cho rằng, Vũ Cát Tường là người biết suy nghĩ thấu đáo và rất thương thí sinh nên việc loại giọng ca tài năng Chiara hẳn có “uẩn khúc” gì đó tế nhị, khó giải thích, không tiện nói ra được trên truyền hình. Vậy cái “uẩn khúc” tế nhị ở đây là gì nếu không phải là một kịch bản đã được dựng sẵn bởi nhà sản xuất và cả Vũ Cát Tường lẫn giọng ca nhí tài năng Chiara chỉ là “nạn nhân” của kịch bản này. Tất nhiên, đây cũng chẳng phải là lần đầu tiên nhà sản xuất chương trình này sử dụng chiêu trò để câu rating. Nhưng chiêu trò lần này quả là ngoài sức tưởng tượng và không thể chấp nhận.

Bất chấp tất cả để tạo chiêu trò…

Một chuyên gia về truyền thông (xin giấu tên) chia sẻ rằng, mặt trái của việc nở rộ các chương trình truyền hình thực tế chính là việc phân chia thị phần khán giả. Đây chính là mấu chốt khiến cho tính cạnh tranh giữa các chương trình truyền hình thực tế ngày càng trở nên khốc liệt. Để lôi kéo được khán giả đến với chương trình của mình, ngoài tìm mọi cách tăng sự hấp dẫn thì nhiều chương trình cũng dùng cả chiêu trò để tạo sự khác biệt. Khán giả có thể chấp nhận chiêu trò nhưng ở mức “giới hạn cho phép” chứ phải lúc nào họ cũng có thể thoả hiệp.

Riêng PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam thì việc dùng trẻ con để thực hiện ý đồ của người lớn vô cùng nguy hiểm. Nó không những khiến con trẻ bị sang chấn về tâm lý mà còn khiến con trẻ bị tổn thương suốt đời. Việc truyền hình thực tế lấy chuyện rụng răng của một đứa bé lên 9 và loại một cô bé 15 tuổi với lý do không thuyết phục để tạo chiêu trò chắc chắn sẽ khiến các bé bị tổn thương. Có thể các bé không nói ra hoặc đành lòng chấp nhận nhưng nó sẽ tạo tổn thương trong lòng, nhất là trường hợp của cô bé Chiara.

Giọng ca nhí Chiara bị Vũ Cát Tường loại vì quá tài năng. Ảnh: TL.
Giọng ca nhí Chiara bị Vũ Cát Tường loại vì quá tài năng. Ảnh: TL.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền cho rằng, trong trường hợp cụ thể, việc cả 3 giám khảo cùng xoáy vào câu chuyện rụng răng của bé Gia Huy đã khiến bé bị bối rối. Ngay lúc đó, bé đã cố tình bê đĩa thức ăn lên với ý muốn giám khảo hãy chú ý vào vấn đề chính là nhận xét món ăn bé vừa nấu nhưng các giám khảo vẫn không tha. Rồi máy quay còn đặc tả việc rụng răng của bé trên truyền hình mà không nghĩ đến chuyện bé có thể bị tổn thương vì không phải bé nào cũng thích mọi người biết chuyện mình bị sún răng. Ngoài ra, việc quay những điều riêng tư này trong một chương trình truyền hình mà không xin phép người bảo hộ (tức bố mẹ hoặc người thân) là phạm luật.

Bản thân ca sĩ Hồng Hạnh cũng cho rằng, mẹ của giọng ca nhí Chiara có thể kiện Huấn luyện viên vì những lí do Vũ Cát Tường đưa ra hoàn toàn cảm tính theo ý cá nhân chứ không theo tiêu chí cuộc thi.

“Việc này có thể kiện vì tiêu chí nêu ra lúc này là tự tiện theo ý ban giám khảo, không thì chuyện mua giải cứ tồn tại mãi, không thể trong sạch tí nào được cả”, Hồng Hạnh nói.

Thực tế, một số khán giả hải ngoại cũng cho rằng, nếu tình huống của bé Gia Huy và cô bé Chiara mà xảy ra ở nước ngoài thì các chương trình truyền hình thực tế này đã bị pháp luật xử lý ngay lập tức vì vi phạm những điều khoản về bảo vệ trẻ em. Kèm theo việc bị xử phạt theo luật thì còn bị khán giả tẩy chay mạnh mẽ.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền cho rằng, đối với những nước có nền công nghiệp truyền hình phát triển, họ luôn có những quy định rõ ràng và chặt chẽ về việc bảo vệ trẻ em lao động trong lĩnh vực truyền hình. Trong đó, nhiều nước xem trẻ em như một đối tượng lao động đặc biệt, cần được quan tâm và bảo vệ.

Đối với trẻ chưa vị thành niên phải có ý kiến bảo lãnh của người bảo hộ. Các trẻ em tham gia đều được quyền giữ kín các thông tin cá nhân hoặc đời sống riêng tư. Ngoài ra, tất cả đều được mua bảo hiểm (thân thể và tinh thần) đề phòng các tình huống rủi ro trong quá trình tham gia chương trình. Ở Việt Nam điều này đang là một lỗ hỏng lớn và đã đến lúc Uỷ ban chăm sóc bà mẹ - trẻ em và các tổ chức khác cần phải điều chỉnh luật bảo vệ trẻ em trong lĩnh vực truyền hình thực tế như một số nước trên thế giới. Cần phải có những hướng dẫn cụ thể người bảo hộ có thể khởi kiện khi con em của họ bị truyền hình thực tế lợi dụng.

Hà Tùng Long