1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Bộ phim “Săn bắt cướp” và những tiết lộ thú vị

Những năm 80 của thế kỷ trước, "tay không bắt giặc", mang cả đoàn làm phim “Săn bắt cướp” vào Sài Gòn quay, bằng tài năng và tên tuổi của chàng A Phủ năm nào, NSND Trần Phương đã được người hâm mộ mang tặng cả vốc vàng để có "tinh thần làm phim", miễn sao phải ra chất.

Thành công ngoài mong đợi và những đêm công chiếu cháy vé đã khiến cho bộ phim “Săn bắt cướp” được tán dương, ca tụng đến tận bây giờ.

NSND Trần Phương. Ảnh: Thanh Hà
NSND Trần Phương. Ảnh: Thanh Hà

Mời Thương Tín không phải vì nổi tiếng

Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ đơn sơ của NSND Trần Phương trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Thay vì sự dò xét thường thấy, người nghệ sĩ già gạo cội ánh lên niềm vui vì "lâu lắm rồi mới có người đến thăm". Thế nên, cũng chẳng cần biết người đến thăm là ai, đến có việc gì… ông niềm nở ra mở cổng cho khách, cử chỉ nhanh nhẹn hiếm có ở một người đã bước sang tuổi 86. "Giờ này mà vẫn còn có người đến thăm tôi nữa sao?", ông vừa nói, vừa mở cửa. Biết có người đến hỏi chuyện về bộ phim “Săn bắt cướp” (SBC) và đội SBC đang được Bí thư thành ủy TPHCM đề nghị tái lập, ánh mắt ông lại rạng ngời hơn nữa.

NSND Trần Phương nói: “Kịch bản phim là ông Hoàng Tích Chỉ viết đấy. Ít tuổi hơn tôi nhưng giờ thấy bảo ông ấy yếu lắm rồi, phải nằm chứ không được như tôi. Hồi đó, ông ấy bảo với tôi: “Em có kịch bản này, anh xem có được không?”. Tôi đọc thấy cũng hấp dẫn, đúng chất mình đang muốn làm, kiểu anh hùng ca, lãng mạn. Từ kịch bản 1 tập, tôi phát triển lên thành 3 tập, vì quá trình đi thực tế vào những chiến công của đội SBC, tôi thấy nhiều tư liệu hay quá".

Nhắc đến bộ phim “Săn bắt cướp” đình đám cuối những năm 80 của thế kỷ trước, hẳn khán giả vẫn còn ấn tượng với cảnh dàn xe 67 của đội SBC chạy như bay trên đường phố. Tiếng động cơ hòa trong tiếng nhạc, tiếng huýt sáo rền vang, gợi đến hình ảnh của những tay cao bồi miền viễn Tây. NSND Trần Phương bảo, chọn kiểu nhạc ấy vì nó gần với văn hóa của người Sài Gòn lúc bấy giờ, lại nói lên được khí chất kiêu hùng, ngang tàng nhưng cũng đầy lãng mạn kiểu anh hùng ca của SBC đường phố. Kết hợp nhuần nhuyễn những pha hành động gay cấn, đuổi bắt đầy kịch tính là câu chuyện tình yêu ngang trái của tay tướng cướp khét tiếng với một tu sĩ xinh đẹp, hay chuyện tình cảm của một “sếp” công an với cô gái điếm có tính cách phức tạp. Vừa sắc sảo, mưu mẹo lại vừa trọng tình nghĩa và yêu hết mình...


Diễn viên Thương Tín trong vai tướng cướp Bạch Hải Đường. Ảnh: TL

Diễn viên Thương Tín trong vai tướng cướp Bạch Hải Đường. Ảnh: TL

Chúng tôi hỏi ông, làm phim về đội SBC ở Sài Gòn nhưng sao dàn diễn viên khi đó chỉ có Thương Tín là người Nam, còn lại đều là người Bắc? Như Trọng Trinh (vai chiến sĩ SBC Năm Hà), Lê Khanh (nữ tu sĩ xinh đẹp Băng Thanh), Quế Hằng (Út Hương), Trọng Khôi (Bảy Tú), Hương Dung (Hai Loan)... Ông kể: "Hồi đó, dòng phim thị trường đang rất sôi động (mà sau này gọi là phim "mỳ ăn liền") nên ông cũng muốn Nam tiến để thử sức. Khi đó, điện ảnh phía Bắc hẩm hiu và đói kém lắm nên khi tôi được điều vào Nam, lứa diễn viên trẻ miền Bắc ai cũng hào hứng xin đi. Hơn nữa, khi đó trong Nam tôi chỉ thân thiết với Thương Tín thôi nên mời luôn chứ không phải vì cậu ấy đang nổi tiếng mà mời. Để không còn cảm giác là phim Bắc, tôi mời người lồng tiếng giỏi nhất ở Sài Gòn lúc bấy giờ thoại cho các diễn viên. Diễn viên nhập vai, kịch bản hay, quay phim giỏi nghề, lồng tiếng “mượt như nhung”... là những yếu tố làm nên thành công ngoài mong đợi cho phim. Tôi nhớ, khi “Săn bắt cướp” ra rạp, vé "cháy" đến nỗi chính tôi cũng khó mà tìm được cho người thân của mình".

Trọng Trinh từng “ăn” mắng

Người ta nói, phim của NSND Trần Phương có duyên "tạo ra ngôi sao" chứ không phải "ngôi sao tạo nên thành công cho phim". Ví dụ: Cố nghệ sĩ Phương Thanh với vai "Hiền cá sấu" trong phim "Tội lỗi cuối cùng". Nghệ sĩ Trọng Trinh trong vai chiến sĩ công an Năm Hà. Nghệ sĩ Thương Tín vai tướng cướp Bạch Hải Đường đến giờ vẫn được nhắc đến như một dấu mốc thành công đậm nét trong sự nghiệp. Vậy mà nghệ sĩ Trọng Trinh từng suýt để vuột mất cơ duyên này chỉ vì sự rụt rè nhút nhát của anh.

NSND Trần Phương kể: “Trọng Trinh khi đó còn trẻ, chưa có tên tuổi gì đâu, tính khí ngoài đời lại nhát nữa. Vậy mà tôi vẫn giao vai công an khét tiếng cho cậu ấy. Quay được vài cảnh thì Trinh "dở chứng" bảo: "Chú ơi, có khi cho con rút vai này, con không làm được đâu". Ngày đó tôi nóng tính lắm, nên nghe thấy thế thì tức không chịu được: "Mày đừng làm xấu hổ người Bắc, xấu hổ cả tao. Phải cho khán giả thấy diễn viên miền Bắc là thế nào chứ". Phải kích như thế thì mới tự ái mà làm. Trọng Trinh có ưu điểm là gương mặt gân guốc, góc cạnh nên vào vai là nhìn "ra chất" ngay”.

Hương Dung bị "kích" để diễn cảnh nude

“Săn bắt cướp” không chỉ gay cấn với những pha đuổi bắt mà còn hấp dẫn bởi những câu chuyện tình yêu đan xen. Những cảnh quay táo bạo không chỉ diễn ra trên đường phố mà còn ở trong... phòng ngủ. Trong đó, cảnh bán nude trong nhà tắm đầy khiêu khích của cô gái mua chuộc chiến sĩ công an được "đặc tả" khá dài. Hỏi ông có phải thuyết phục diễn viên Hương Dung nude không, NSND Trần Phương kể: "Khác với Trọng Trinh nhút nhát thì Hương Dung là "đứa" liều nhất đoàn. Lúc đầu Hương Dung cũng không chịu đâu. tôi phải "kích" để cô ấy liều: "Mày có cởi thế chứ cởi nữa thì cũng thế thôi, tao chả có cảm xúc gì đâu". Mà thật, mình làm nghề thì mấy chuyện đó đâu có gì to tát. Đến lúc quay, Hương Dung vẫn ra điều kiện là "chỉ mình chú và quay phim có mặt thôi đấy". Tôi bảo: "Mình tao biết thì có khác gì cả thế giới biết đâu. Thôi diễn đi, không lằng nhằng". Nói vậy, nhưng khi "hỏi nhỏ" ông rằng "Thế ngoài đời thì chú có "rửng rưng" thế không?", ông cười hóm hỉnh: "Thì người ta cũng bảo tôi nổi tiếng đào hoa, nhưng thôi, cứ hỏi sâu quá làm gì, hơn 80 tuổi rồi chứ còn trẻ trung gì nữa mà kể".

Một chi tiết thú vị nữa là vì phim có nhiều cảnh đuổi bắt, mà các băng đảng cướp bóc ở Sài Gòn khi đó đều rất khét tiếng nên để tìm diễn viên quần chúng vào vai thì giả quá. Mà tìm diễn viên thật thì khó. Vậy là phải NSND Trần Phương phải "cầu viện" đến lực lượng công an An Giang để vào vai cướp. Chỉ có họ mới vừa biết bắn súng, lại chạy xe trên xa lộ điêu luyện mà vẫn giữ được sự an toàn trong quá trình quay, không để xảy ra các sai xót. Sự kỹ tính, cộng thêm sự trợ giúp nhiệt thành của lực lượng công an An Giang lúc bấy giờ được NSND Trần Phương cho là yếu tố cộng sinh để bộ phim “Săn bắt cướp” có được thành công ngoài mong đợi như vậy.

Cũng giống như khi làm phim "Vợ chồng A Phủ" năm nào, phải ăn ở với người Mèo mấy tháng trời để ra được chất của A Phủ, với ba tập phim “Săn bắt cướp”, NSND Trần Phương cũng yêu cầu cả đoàn làm phim phải vào Sài Gòn tìm hiểu về các chiến công của đội SBC. Làm phim thời ấy rất thiếu thốn, nhưng nhờ tên tuổi của NSND Trần Phương với hàng loạt các phim trước đó cả về diễn xuất lẫn đạo diễn như: “Vợ chồng A Phủ”, “Vợ chồng anh Lực”, “Chị Tư Hậu”, “Chuyến xe bão táp”, “Tội lỗi cuối cùng”, “Dòng sông hoa trắng”... mà đi đến đâu đoàn làm phim “Săn bắt cướp” cũng được hỗ trợ hết cỡ, kể cả cảnh cần huy động máy bay trực thăng. Rồi có cả chuyện "người hâm mộ" mang hàng vốc vàng đến cho đoàn làm kinh phí quay phim. Nhiều tiền quá nên có thời điểm, ông và một thành viên quay phim trở nên sứt mẻ tình cảm vì bị cho là "chia ít quá" đến mức giận dỗi đòi bỏ đoàn. "Nhưng tiền đó tôi có giữ cho riêng tôi đâu, lo cho đoàn rồi cũng mời anh em ăn nhậu hết. Cả đời tôi làm phim đều vậy, đến khi về hưu cũng đâu có gì ngoài chút tên tuổi để lại", NSND Trần Phương chia sẻ.

Theo Thanh Hà
Gia đình & Xã hội