“Bạn sẽ làm gì khi biết người thân của mình từng gây tội ác?”

(Dân trí) - Đó là câu hỏi từng xảy ra với biết bao người thuộc thế hệ của nhà văn Bernhard Schlink - tác giả của cuốn tiểu thuyết Đức nổi tiếng - “Người đọc” (The Reader). Có mặt tại Hà Nội để giao lưu với độc giả, tác giả đã chia sẻ rất nhiều điều đằng sau cuốn sách.

Vừa qua, Đại sứ quán Đức đã tổ chức buổi chiếu phim và thảo luận với tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng - “Người đọc”. GS. Bernhard Schlink ngoài công việc của một luật gia, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó, cuốn tiểu thuyết bán chạy “Người đọc” là nổi tiếng nhất và đã được dịch sang 45 thứ tiếng.

Có thể nói Bernhard Schlink là nhà văn trong giới luật gia và là luật gia trong giới nhà văn. Câu chuyện của ông trong “Người đọc” vừa lãng mạn, rung động, đau đớn, ám ảnh, vừa rất thật, rất đời, thẳng tưng… “như chính cuộc sống”.

“Người đọc” - tác phẩm văn chương và điện ảnh xuất sắc

Khi ra mắt tại Đức, cuốn tiểu thuyết đã nhận được nhiều giải thưởng văn học và là tác phẩm Đức được độc giả quốc tế yêu thích và biết đến nhiều nhất sau “Cái trống thiếc” của nhà văn Gunter Grass.

“Bạn sẽ làm gì khi biết người thân của mình từng gây tội ác?” - 1

Sau này, bộ phim “Người đọc” (2008) cũng được đánh giá là tác phẩm điện ảnh xuất sắc, nhận được 5 đề cử tại giải Oscar, trong đó có đề cử ở hạng mục Phim/Đạo diễn/Kịch bản chuyển thể/Quay phim xuất sắc nhất. Nữ diễn viên Kate Winslet vào vai Hanna đã giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.

Nội dung chính của cuốn tiểu thuyết đã được bộ phim phản ánh, xoay quanh mối tình giữa người phụ nữ có tên Hanna Schmitz và cậu thanh niên 15 tuổi - Michael Berg. Michael kém Hanna 21 tuổi.

Cuộc tình của họ xảy đến trong bối cảnh nước Đức năm 1958, một lần Michael trên đường đi học về đã bất ngờ bị cảm và nôn ói bên vệ đường ngay trước cầu thang dẫn lên nhà Hanna.

Hanna đã giúp cậu thanh niên và từ đó hai người bắt đầu một cuộc tình kỳ lạ. Họ liên tục tìm đến nhau trong căn hộ của Hanna, để làm hai việc: đọc sách và làm tình. Cuộc tình ấy bất ngờ kết thúc khi Hanna chuyển nhà mà không hề nhắn lại gì cho Michael.

Thời gian trôi qua, năm 1966, Michael lúc này đã là một sinh viên trường luật. Hoàn cảnh trớ trêu đã để Michael gặp lại Hanna trong một phiên tòa xét xử những người từng gây ra tội ác chiến tranh trong thời kỳ Đức Quốc xã, Hanna là một trong những bị cáo. Tại tòa, Hanna đã nhận tất cả tội lỗi về mình chỉ bởi cô không chịu đối chiếu chữ viết trong một bản báo cáo.

“Bạn sẽ làm gì khi biết người thân của mình từng gây tội ác?” - 2

Michael kết nối những ký ức và nhận ra bí mật mà Hanna đã che giấu rất kỹ, đó là cô bị mù chữ. Chính vì sự tự tôn của mình mà Hanna đã buộc phải nhận bản án nặng nhất - tù chung thân - một cách oan ức.

Michael cố lãng quên Hanna, anh lập gia đình nhưng rồi đổ vỡ hôn nhân. Hanna chưa bao giờ ra khỏi tâm trí anh. Nhớ lại tình yêu đối với những cuốn sách của Hanna, Michael bắt đầu gửi băng ghi âm lời đọc những cuốn sách vào tù cho Hanna. Từ đây, Hanna bắt đầu tự học chữ và viết thư cho Michael nhưng không bao giờ nhận được hồi đáp.

Năm 1988, Hanna được ra tù, người ta đã liên lạc với Michael với hy vọng anh sẽ giúp Hanna tái hòa nhập xã hội. Michael đồng ý nhưng trong cuộc gặp với Hanna, anh rất lạnh lùng, xa cách... Bi kịch của Hanna chưa bao giờ đau đớn đến thế...

“Bạn sẽ làm gì khi biết người thân của mình từng gây tội ác?”

Trong cuộc giao lưu cởi mở giữa nhà văn và độc giả, Bernhard Schlink cho biết ông đã xem bộ phim khoảng 7 lần và đánh giá rằng phim rất hay. Schlink không kỳ vọng có thể tìm thấy tất cả năng lượng của cuốn sách trong bộ phim bởi với mỗi tác phẩm văn học, mỗi người có một cách hiểu khác nhau, và ông thích cách hiểu được thể hiện trong bộ phim.

Nhà văn Bernhard Schlink
Nhà văn Bernhard Schlink

Thêm vào đó, văn học và điện ảnh là hai loại hình nghệ thuật khác biệt. Phim nhất định phải đơn giản hơn sách. Trong cuốn sách, Schlink tập trung vào nhân vật Michael nhưng trong phim, nhân vật Hanna nổi trội hơn.

Nhà văn cho biết điều ông quan tâm nhất khi nhận được lời đề nghị chuyển thể tác phẩm lên phim, đó là đạo diễn và diễn viên là ai. Đối với ông, ê-kíp thực hiện bộ phim “Người đọc” là một ê-kíp tuyệt vời. Trong suốt quá trình dàn dựng kịch bản và lựa chọn diễn viên, họ đã thường xuyên liên hệ với ông để Schlink nắm được kế hoạch làm phim.

Đối với Schlink, cảm hứng để ông thực hiện cuốn tiểu thuyết “Người đọc” không thể nào trả lời rõ ràng được. Schlink đã được rất nhiều độc giả hỏi và chưa bao giờ đưa ra được câu trả lời. Đơn giản bởi ông đã có cả câu chuyện trong đầu từ những gì từng chứng kiến trong cuộc sống, trong những phiên tòa xét xử những người như Hanna…

Trong quá trình tiếp xúc với các bị cáo, đã có lần ông gặp một người mà họ nói rằng thà chết chứ không muốn để lộ bí mật mình mù chữ. Những câu chuyện của thế hệ mình, của nghề nghiệp mình đã khiến ông viết nên cuốn tiểu thuyết này.

“Bạn sẽ làm gì khi biết người thân của mình từng gây tội ác?” - 4

“Trong thế hệ của chúng tôi, có những người bạn của tôi đã gặp phải những câu chuyện tương tự. Người mà chúng tôi rất yêu quý bỗng một ngày bị đưa ra xét xử và bạn phát hiện ra rằng họ từng phạm tội ác chiến tranh. Đó có thể là ông bà, cha mẹ, là họ hàng thân thích, là người thầy đáng kính của bạn. Vậy bạn sẽ làm gì khi biết người thân của mình từng gây tội ác? Vẫn yêu quý họ hay phải thay đổi cách nhìn và tình cảm dành cho họ?” - nhà văn chia sẻ.

Khi cuốn tiểu thuyết ra mắt, đã có những ý kiến phản đối tác phẩm, chỉ trích nhà văn rằng đã viết lại lịch sử, đã đơn giản hóa tội ác diệt chủng và tìm cách bào chữa cho một thế hệ những người Đức từng phục vụ cho Đức Quốc xã, bằng chứng là nhân vật Hanna được xây dựng với quá nhiều “tính nữ”.

Schlink cho rằng “một kẻ gây ra tội ác chiến tranh có chắc chắn phải luôn luôn là một con quỷ”? Tại sao Hanna lại được xây dựng như thể một con người rất đỗi bình thường, thậm chí còn có đầy nét nhân tính và vẻ đẹp nhục cảm?

Schlink cho rằng những chỉ trích này được đưa ra chỉ bởi người ta đã “hiểu lầm” ông. Hanna chính là hình ảnh biểu trưng cho những ông bà yêu thương con cháu, cho những cha mẹ hết lòng vì gia đình, cho người hàng xóm tốt bụng… Họ có thể là bất cứ ai - những người thân yêu xung quanh “thế hệ thứ hai sinh ra sau chiến tranh”.

“Bạn sẽ làm gì khi biết người thân của mình từng gây tội ác?” - 5

Rồi bỗng một ngày, một người thuộc “thế hệ thứ hai sinh ra sau chiến tranh” đó, phát hiện ra rằng người mà anh ta vốn yêu quý và ở rất gần, từng phạm phải những tội ác chiến tranh. Đó chính là điều mà thế hệ của nhà văn Schlink đã phải đối mặt và ông muốn kể lại câu chuyện của thế hệ mình khi quá khứ là một gánh nặng tác động tới mọi thế hệ.

Khi phải đương đầu với những chỉ trích, nhà văn Schlink cho biết ông chỉ quan tâm tới ý kiến của… nhà xuất bản và vợ ông. Vợ ông là người thay ông đọc những bài phê bình và tổng hợp lại những gì bà cho là đúng đắn, nghiêm túc và sáng tạo. Schlink không quan tâm mấy tới những bài viết này bởi vợ ông sẽ sàng lọc để chuyển tới ông những lời nhận định xác đáng.

Trailer phim "The Reader" (2008)

Bích Ngọc

“Bạn sẽ làm gì khi biết người thân của mình từng gây tội ác?” - 6