Bàn chuyện Lễ phục- Quốc phục: Liệu có đi vào bế tắc?

(Dân trí)- Cuộc thi thiết kế lễ phục với nhiều nỗ lực tìm được mẫu thiết kế vừa phù hợp trong nghi lễ quốc gia, quốc tế vừa mang tính biểu tượng văn hóa có chất lượng thực tế rất...yếu.

Thí sinh “nghiệp dư”, chất lượng… yếu!

“Cái khó khăn nhất của Hội đồng nghệ thuật trong việc chấm chọn mẫu lễ phục nhà nước là các nhà thiết kế không nắm được đầu bài, cũng như không nắm được mục đích sử dụng của trang phục. Chúng tôi nhận được toàn những mẫu thiết kế như để mặc đi chơi bời, không có tính lễ nghi, không sang trọng, thậm chí có mẫu thực tế không thể may được. Trong khi điều chúng tôi cần là các mẫu thiết kễ lễ nghi cho chuẩn, đúng đối tượng”, bà Đoàn Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật chia sẻ về lộ trình cuộc thi thiết kế lễ phục sau 2 tháng phát động.
 
Bàn chuyện Lễ phục: Liệu có đi vào bế tắc?


Bàn chuyện Lễ phục: Liệu có đi vào bế tắc?

Trương Thị May, người đẹp đại diện cho Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm nay ấn tượng trong trang phục dân tộc

Tại buổi họp thường niên Quý III/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 1/11, bà Đoàn Thu Hương cũng bộc bạch nhiều về những trở ngại mà cuộc thi thiết kế lễ phục nhà nước gặp phải. Theo bà Đoàn Thu Hương, số lượng mẫu thiết kế dự thi nhiều nhưng chất lượng lại chưa đạt yêu cầu. Không chỉ vì các mẫu thiết kế chưa chuẩn mực, phù hợp với các nghi lễ trang trọng mà chất liệu, hoa văn cũng không tương xứng, đồng bộ. “Một mẫu thiết kế đồng bộ, ví dụ như thiết kế áo vest phải chú trọng cả đến việc sẽ kết hợp với áo sơ mi, cà-vạt nữa”, bà Đoàn Thu Hương nói.

Đó cũng là trăn trở của của Cục trưởng Cục Mỹ thuật Vi Kiến Thành sau buổi chấm sơ khảo cuộc thi lễ phục sáng 29/10 tại Hà Nội. Theo ông Vi Kiến Thành, hầu hết các mẫu thiết kế dự thi đều dập khuôn, ít sáng tạo, mà có sáng tạo cũng không thể áp dụng vào thực tế được.

Vòng sơ khảo cuộc thi thiết kế lễ phục có 254 mẫu thiết kế của 47 tác giả dự thi, trong đó có 81 mẫu theo hướng hiện đại, 113 mẫu theo hướng truyền thống. Tuy nhiên, hầu hết các mẫu thiết kế đều là của các nhà thiết kế không chuyên, sinh viên các trường, không có bất kỳ mẫu thiết kế dự thi của nhà thiết kế có tiếng nào.

“Không có một tên tuổi nhà thiết kế chuyên nghiệp nào có mặt tại cuộc thi này. Chúng tôi thực sự cảm thấy băn khoăn vì điều này. Liệu có nên đặt ra ở đây câu hỏi về vấn đề trách nhiệm công dân của các nhà thiết kế?”, ông Vi Kiến Thành từng thể hiện sự lo lắng trên báo chí. Cũng theo ông Vi Kiến Thành, sự thờ ơ của các nhà thiết kế chuyên nghiệp cũng là nguyên nhân lớn khiến chất lượng cuộc thi mẫu thiết kế lễ phục không đáp ứng được kỳ vọng như ban đầu.

Đặt hàng các nhà thiết kế

Được biết, sáu bộ mẫu khá nhất của 3 tác giả được Hội đồng nghệ thuật chọn từ 254 mẫu gửi tham dự lọt qua vòng sơ khảo, nhưng không vào nổi đến vòng…chung khảo. “Các mẫu thiết kế của 3 tác giả gọi là khá nhất, nhưng cũng chưa thể đáp ứng được những tiêu chí đặt ra của cuộc thi. Chính vì thế, Hội đồng nghệ thuật đã thảo luận và quyết định chuyển sang hướng đặt hàng trực tiếp các nhà thiết kế chuyên nghiệp. Sẽ có một nhóm chuyên gia đồng hành cùng nhà thiết kế. Họ sẽ cùng làm việc để đưa ra kết quả”, bà Đoàn Thu Hương tiết lộ tại buổi họp báo sáng ngày 1/11.
 
Bàn chuyện Lễ phục: Liệu có đi vào bế tắc?


Bàn chuyện Lễ phục: Liệu có đi vào bế tắc?

Trang phục dân tộc là niềm tự hào và giúp các Hoa hậu Việt Nam như Mai Phương Thúy (ảnh trên) và Diễm Hương tại cuộc thi sắc đẹp quốc tế

Bà Đoàn Thu Hương cho rằng, khi kết quả cuộc thi không được như mong muốn, khi các nhà thiết kế danh tiếng hờ hững với cuộc thi thì Hội đồng nghệ thuật phải tìm ra giải pháp khác. Để có được những bộ lễ phục phù hợp trong nghi lễ quốc gia, quốc tế vừa mang tính biểu tượng văn hóa và nhận được sự đồng tình của các nhà chuyên môn, Hội đồng nghệ thuật quyết định sẽ đặt hàng các nhà thiết kế chuyên nghiệp.

Dù chưa tiết lộ nhóm chuyên gia đồng hành cũng như tên tuổi các nhà thiết kế được đặt hàng nhưng bà Hương khẳng định: “Chúng tôi làm việc rất nghiêm túc và sẽ lấy ý kiến tổng hợp từ các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Chúng tôi hi vọng sẽ đi tới đích và công bố ngay khi có kết quả.”

Bà Đoàn Thu Hương cho biết,  việc tìm kiếm lễ phục dự kiến sẽ tiếp tục đến khoảng cuối năm nay. Phần thưởng cho người thiết kế được lễ phục vẫn giữ nguyên như thể lệ cuộc thi. Mỗi mẫu thiết kế được chọn sẽ được nhận 50 triệu đồng (gồm quần áo nam - nữ kiểu truyền thống, quần áo nam - nữ kiểu hiện đại).

 
Nguyễn Hằng