1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Xây dựng văn hóa ứng xử: Phát huy "bộ gen" quý Hà thành:

Bài đầu: Lỗi ứng xử, hành vi lệch chuẩn

Nét ứng xử thanh lịch, văn minh được nhiều người ví như “bộ gen” quý của văn hóa Hà Nội. Trong tiến trình phát triển, là kinh đô - thủ đô, là trung tâm hành chính, kinh tế của đất nước, Hà Nội tiếp nhận những luồng văn hóa mới như một tất yếu khách quan để hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao đẹp.

Bảo tồn và phát huy “bộ gen” quý, xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử đối với cán bộ, công chức; xây dựng quy tắc ứng xử tại nơi công cộng, định hướng các hành vi ứng xử mang tính chuẩn mực trong quá trình tiếp biến văn hóa thời kỳ hội nhập sâu rộng có ý nghĩa quan trọng.

Bài đầu: Lỗi ứng xử, hành vi lệch chuẩn

Một công chức đánh vị tiến sĩ già bị thương. Một viên chức có hành vi côn đồ tại Sân bay quốc tế Nội Bài... Rồi những lời nói, hành động, việc làm “chướng tai gai mắt” diễn ra tùy tiện... Dù là cá biệt nhưng những lỗi ứng xử ấy có thể xem là dấu hiệu phản ánh phần nào sự xuống cấp về văn hóa ứng xử trong một bộ phận cán bộ, công chức cũng như người dân. Những hành vi lệch chuẩn, phản văn hóa ấy đang làm phôi phai những giá trị tinh thần của người Hà Nội và cần phải loại trừ khỏi đời sống xã hội.


Khi đến tham quan các di tích, địa điểm vui chơi công cộng, người dân và du khách cần đọc và tuân thủ nghiêm các quy định về ứng xử. Ảnh: Anh Tuấn

Khi đến tham quan các di tích, địa điểm vui chơi công cộng, người dân và du khách cần đọc và tuân thủ nghiêm các quy định về ứng xử. Ảnh: Anh Tuấn

Những hành vi lệch chuẩn

Nhiều năm trông coi di tích phủ Tây Hồ, ông Trương Công Đức (Ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ) cho biết, vấn đề nổi cộm nhất còn tồn tại ở đây là cách ứng xử của khách thập phương khi tham quan di tích, lễ hội… Những tồn tại khác có thể dùng công nghệ hiện đại, nguồn lực con người để quản lý, khắc phục, riêng hành vi ứng xử của con người thì rất khó tìm ra giải pháp xử lý, điều chỉnh. “Phủ Tây Hồ có hệ thống bảng, biển hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự như đặt tiền lễ, tiền giọt dầu đúng nơi quy định; không mặc trang phục phản cảm đi lễ; không nói to, nói tục..., nhưng một số người đi lễ vẫn không để ý. Ngày rằm, mùng một và ngày lễ, Tết, không khó bắt gặp hình ảnh nam thanh, nữ tú mặc váy ngắn, quần soóc, vừa đi, vừa cười nói oang oang vào lễ phủ. Có trường hợp khi cán bộ trông coi di tích nhắc nhở, họ còn tỏ thái độ khó chịu và buông ra những lời lẽ rất khó nghe” - ông Trương Công Đức phàn nàn. Trên thực tế, hầu hết các di tích, lễ hội lớn trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc đều xuất hiện những điều “chướng tai gai mắt” tương tự như tại phủ Tây Hồ.

Thái độ, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực của một bộ phận người dân còn bộc lộ rõ hơn ở những nơi công cộng khác. “Tuy không phải là hiện tượng phổ biến, song cũng không thể phủ nhận văn hóa và con người Hà Nội còn tồn tại những vấn đề cần giải quyết. Đâu đó vẫn còn tình trạng phóng uế bừa bãi; hút thuốc lá ở cả những nơi có biển cấm hút thuốc; treo, dán quảng cáo không đúng nơi quy định; nói tục, chửi bậy, đánh nhau; vượt đèn đỏ, lạng lách, lấn làn đường khi tham giao thông…” - ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết. Đáng buồn, những vụ việc xảy ra gần đây liên quan đến một số cán bộ, công chức, viên chức càng gióng lên hồi chuông cảnh báo về văn hóa ứng xử.

Gia đình - môi trường tốt nhất để hình thành, nuôi dưỡng con người thì mối quan hệ giữa các thành viên cũng không còn bền chặt như xưa. Kết quả nhiều cuộc điều tra xã hội học cho thấy, quỹ thời gian bố mẹ dành cho con cái ngày càng ít, mức độ quan tâm dành cho con cái được đo bằng giá trị vật chất nhiều hơn tinh thần… Có thể nói, dù không có quy định mang tính pháp lý về thái độ, hành vi ứng xử giữa con người với con người, với môi trường tự nhiên và xã hội, nhưng từ xưa đến nay nó vẫn được đo bởi những chuẩn mực nhất định. Bởi thế, những hành vi lệch chuẩn dù không phổ biến cũng có thể để lại hậu quả nặng nề. Theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nền tảng văn hóa, đời sống tinh thần của Thủ đô có những mặt đã bị xuống cấp; nhiều đức tính tốt đẹp được hun đúc trong lịch sử, kháng chiến bị xói mòn, nhiều tật xấu nổi lên... Đây là điều rất đáng phải suy nghĩ.


Cùng với nhà trường, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành văn hóa ứng xử của trẻ em. Ảnh: Bá Hoạt

Cùng với nhà trường, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành văn hóa ứng xử của trẻ em. Ảnh: Bá Hoạt

Đâu là nguyên nhân?

Những năm qua, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nhưng vẫn còn đó những biểu hiện xuống cấp về văn hóa ứng xử. Vậy đâu là nguyên nhân?

Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi cho rằng, cơ chế thị trường đã tạo ra những cơ hội cho con người phát huy mọi thế mạnh, đào thải những giá trị lạc hậu, lỗi thời, cổ vũ cho những cái mới, hợp quy luật tồn tại, phát triển. Song, bên cạnh mặt tích cực, nền kinh tế thị trường cũng có những mặt trái, dễ làm con người sa ngã trước những cám dỗ, đề cao lợi ích vật chất, coi nhẹ những giá trị chuẩn mực truyền thống… TS Nguyễn Đình Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết thêm, việc xây dựng văn hóa, con người Hà Nội ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở các cơ quan, doanh nghiệp. Ý thức tự giác thực hiện các tiêu chí văn hóa người Hà Nội trong một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế… Ngoài ra, điều kiện, không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở không ít nơi chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

“Hầu hết các địa phương trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung có mối quan hệ cộng đồng vô cùng bền chặt, có nền tảng văn hóa tinh thần phong phú. Thế nhưng, trong một thời gian dài, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống gắn liền với đời sống sinh hoạt văn hóa thường nhật của nhân dân ít được quan tâm, dẫn đến mai một hoặc mất đi. Hệ thống thiết chế văn hóa mới được quan tâm phần “vỏ”, thiếu hẳn phần "lõi", dẫn đến lãng phí. Trong khi đó, mạng xã hội phát triển, thông tin tràn ngập, một vụ việc xấu hay tốt, dù xảy xa ở vùng quê hẻo lánh nào đó cũng có thể trở thành vấn đề được cả xã hội quan tâm. Dần dần, một số người dân, nhất là giới trẻ dành thời gian cho thế giới ảo quá nhiều và họ tiếp nhận những điều không tích cực lúc nào không hay” - ông Hoàng Minh Ngọc, trú tại khu dân cư số 6, phường Hàng Bông nhận định.

Ở góc độ khác, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) phân tích, nhiều năm qua, nền giáo dục của nước ta thiên về dạy chữ hơn dạy đạo đức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân khiến một số cán bộ, công chức, lực lượng lao động trí thức có trình độ chuyên môn cao vẫn mắc lỗi ứng xử. Thực tế này đòi hỏi Hà Nội phải khơi dậy nguồn sức mạnh nội sinh để xây dựng, phát triển văn hóa, con người.

(Còn nữa)

Minh Ngọc
Theo Hà Nội Mới