“Ảnh hưởng của Covid-19 là rạp chiếu dù mở lại cũng không nhiều người xem”

(Dân trí) - Mặc dù các hoạt động giải trí đã được mở cửa trở lại nhưng ngành điện ảnh Việt đang chịu nhiều thiệt hại. Để hồi phục như cũ trước mắt vẫn còn là một bài toán rất khó.

Ngành điện ảnh Việt lao đao sau dịch Covid-19

Khó khăn trăm bề sau đại dịch Covid-19

Trong tuần qua, các hoạt động nghệ thuật trên cả nước đã được hoạt động trở lại như sân khấu kịch, các chương trình ca nhạc và đều được khán giả nhiệt tình ủng hộ. Tuy nhiên, không như sân khấu kịch hay ca nhạc, ngành điện ảnh vẫn phải “từng bước” phục hồi chứ không thể dễ dàng để trở lại ngay.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận định: “Phải nói ngành giải trí là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về dịch, vì không được xếp vào thiết yếu, nên phải ngưng hoạt động sớm nhất và được mở trở lại trễ nhất. Trong đó, ngành phim ảnh là thiệt hại nặng nề và khó phục hồi nhất”.

Anh cho biết, vì kinh tế khó khăn sau đại dịch nên khách hàng hay nhà đầu tư cũng đều rất đắn đo, không còn mạnh dạn “đổ tiền” vào việc đầu tư sản xuất phim như trước.

“Ảnh hưởng của Covid-19 là rạp chiếu dù mở lại cũng không nhiều người xem” - 1

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ, phim của anh may mắn không ảnh hưởng nhiều bởi dịch vì quay trước dịch diễn ra, trong dịch phim vào giai đoạn hậu kỳ nên không quá khó khăn so với các dự án đang ghi hình hoặc có kế hoạch phát hành vào thời điểm dịch.

Đại diện công ty phim TNA - nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cũng chia sẻ về khó khăn của công ty trong mùa dịch: “Thiệt hại kinh tế nhà sản xuất như công ty phim của tôi ở cụ thể là nếu trước Covid-19, phim ảnh đang phát triển, nhiều nhà đầu tư đã chốt sẽ đầu tư tiền vào dự án, nhưng bây giờ phim ảnh, giải trí bị ảnh hưởng có người sẽ rút đầu tư hoặc giảm số tiền đầu tư”.

“Ảnh hưởng của Covid-19 là rạp chiếu dù mở lại cũng không còn nhiều người xem, dự án phim mới ra rạp phải “thu lại” hết, bây giờ phải chiếu phim cũ. Thậm chí vì dịch, khán giả chuyển sang xem phim trên mạng, các kênh truyền hình quốc tế…  Đó là một khó khăn vô cùng cho nhà sản xuất phim”, Trương Ngọc Ánh chia sẻ thêm.

Diễn viên Thanh Thúy - Giám đốc sản xuất công ty Thiên Phúc cho biết, trong thời điểm đại dịch Covid-19, tùy vào từng giai đoạn của phim mà nhà sản xuất sẽ gặp những khó khăn khác nhau.

Nếu như đang ở giai đoạn tiền kì, việc mời nhà đầu tư và nhà tài trợ là vấn đề nan giải nhất vì hầu như tất cả các công ty đều ngừng hoạt động và tập trung hỗ trợ chính phủ vượt qua đại dịch; Trong thời điểm đang quay thì đoàn sẽ ngừng quay, khi đó nhà sản xuất phải sắp xếp và thỏa hiệp mốc thời gian cho hợp lí với dự kiến ban đầu đã có trong thỏa thuận để giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư và nhà tài trợ của phim; Nếu ở thời điểm công chiếu, các rạp ngừng hoạt động, nhà sản xuất sẽ chịu thiệt hại lớn về doanh thu, lúc này nhà sản xuất cần thỏa hiệp với nhà phát hành về thời điểm ra rạp của bộ phim. Có như vậy thì mới giảm bớt thiệt hại cho nhà sản xuất phim.

“Riêng đối với công ty tôi, hiện tại công việc vẫn chưa gọi là bình thường được, vì mình cần phải củng cố lại mọi thứ: nhân lực, khách hàng, đầu tư... Trong đợt dịch vừa rồi, công ty Thiên Phúc không cho ra rạp bộ phim nào, dự án không được tiến hành nên không có thu nhập. Tuy nhiên có vài dự án của công ty phải dời lịch bấm máy, dẫn đến mọi kế hoạch bị thay đổi và một số hợp đồng bị cắt”, Thanh Thúy chia sẻ thêm.

“Ảnh hưởng của Covid-19 là rạp chiếu dù mở lại cũng không nhiều người xem” - 2

Nhà sản xuất Thanh Thúy cũng cho biết, các dự án điện ảnh sắp tới của công ty Thiên Phúc như Nữ danh ca bị ảnh hưởng rất lớn.

“Ảnh hưởng của Covid-19 là rạp chiếu dù mở lại cũng không nhiều người xem” - 3

Nữ diễn viên, nhà sản xuất Thanh Thuý.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng chung trên toàn thế giới chứ không riêng quốc gia nào, con số thiệt hại được thống kê đến hiện tại ước tính lên đến vài tỷ đô. Các thị trường phim ảnh lớn nhất trên thế giới như Hollywood vẫn chưa thể hoạt động nên cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường phim ảnh trong nước dù đã được hoạt động trở lại.

“Một thiệt hại nữa của nhà sản xuất phim là có một số bộ phim có ê-kíp nước ngoài, như phim Hương Ga của tôi có hỗ trợ kỹ thuật từ Australia, mà giờ cũng chưa được nhập cảnh nên vẫn chưa thể sản xuất”, Trương Ngọc Ánh cho biết.

Hướng đi nào cho ngành điện ảnh sau đại dịch?

Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cho rằng, để thích nghi với việc dịch đang kéo dài “không biết bao giờ kết thúc”, các công ty phim luôn trăn trở và phải nghĩ theo nhiều hướng để tìm đường ra. Một số công ty phim đã có kế hoạch chuyển sang việc sản xuất phim chiếu online để có thể duy trì hoạt động nhưng sẽ gói gọn kinh phí hơn.

“Các nhà sản xuất chờ hết dịch để sản xuất phim cũng phải cân đo đong đếm lại kinh phí và nhắm tới nhiều đầu ra vì không còn thuận lợi như trước. Còn nếu không dời được lịch chiếu thì họ cũng sẽ chuyển sang chiếu online chứ không chiếu rạp được nữa. Hướng đi này là tình hình chung cả thế giới chứ không riêng các công ty phim ở Việt Nam”.

Trước mắt là như vậy, nhưng về lâu dài các nhà sản xuất cũng lo lắng về việc liệu các cụm rạp có co lại không, có trụ lại được không và trụ lại được bao lâu. “Bởi nếu không bị dịch, các phim của tôi đã ra rạp sớm, thu tiền lại sớm nhưng đến giờ vẫn còn dang dở”.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, hiện tại không chỉ khó khăn cho các nhà sản xuất mà về phía các đơn vị phát hành phim cũng đang trong  giai đoạn nặng gánh kinh tế khi hiện nay, dù các rạp chiếu phim được mở lại nhưng vẫn vắng khách vì nguồn phim ít, khán giả cũng chưa thoải mái đến những nơi công cộng. “Vì thế có lẽ sau đợt dịch ngành Điện ảnh phải mất một thời gian dài mới có thể bù đắp lại được”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận định.

“Tôi nghĩ rạp phim đang rất khó khăn bởi chi phí điều hành các cụm rạp rất lớn. Vì nhân viên đông và tiền thuê mặt bằng rất cao, tiền vay ngân hàng nữa… Mà khi đầu ra khó khăn thi tất cả trong ngành sẽ ảnh hưởng một thời gian dài sau này”.

Về phía các nhà phát hành phim, như chia sẻ trước đó, việc khó khăn của rạp phim trong và sau dịch vẫn đang kéo dài. Ông Nguyễn Khánh - đại diện truyền thông của CGV cho biết: “Hiện tại khó khăn của chúng tôi nằm hai chỗ, thứ nhất là về tâm lý khán giả vẫn còn dè chừng nên họ vẫn chưa ra rạp xem như trước; Thứ hai, những phim hay, phim Hollywood hầu như đều dời lịch chiếu đến cuối năm và năm sau nên ảnh hưởng đến lượng khán giả ra rạp. Các phim Việt như Trạng Tí, Thanh Sói… cũng trì hoãn qua Tết 2021”.

Khi rạp mở của trở lại đồng nghĩa là các chi phí khác như: thuê mặt bằng, nhân công... phải chi trả trong khi doanh thu đến từ các phòng vé lại không cao khiến thiệt hại của đơn vị kéo dài hơn.

Chia sẻ từ đơn vị phát hành phim - đầu ra của điện ảnh Việt Nam, đại diện CGV bày tỏ mong nhận được sự hỗ trợ từ các chủ đơn vị cho thuê: thay vì miễn tiền thuê như trong mùa dịch thì có thể giảm trong thời gian dịch vừa đi qua để CGV có thời gian khôi phục dần dần. Ngoài ra, các cụm rạp vẫn mong đón nhận sự ủng hộ từ khán giả với nhiều bộ phim khác chứ không phải hoàn toàn bom tấn.

“Ảnh hưởng của Covid-19 là rạp chiếu dù mở lại cũng không nhiều người xem” - 4

Trương Ngọc Ánh cho rằng, nếu đơn vị nào trụ được qua thời gian dịch Covid-19 thì sẽ duy trì được. Bởi sau khi “chạm đáy” thì sẽ lên từ từ. Quan trọng là mình phải trụ được.

Băng Châu