Ấn tượng hội thảo quốc tế Phật giáo châu Á và Việt Nam với văn hóa dân tộc

(Dân trí) - Hội thảo “Phật giáo châu Á và Việt Nam trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc” khẳng định vai trò của phật giáo trong sự phát triển chung của nền văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ quốc tế giữa các dân tộc và các tôn giáo.

Sáng ngày 8/11, tại  TP Hạ Long (Quảng Ninh)  đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Phật giáo châu Á và Việt Nam trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc”  do Viện Triết học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội ViệtNam) và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội phối hợp tổ chức tổ chức.

Đến dự hội thảo có các đại biểu: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS  Phạm Minh Chính - Bí thư tỉnh Quảng Ninh; Hòa thượng, Tiến sĩ Thích Đức Nghiệp - Phó Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam ; PGS.TS Khlot Thida - Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Hoàng gia Campuchia; GS. Kham Phon Bunndy - Phó Chủ tịch viện khoa học xã hội Lào; Thượng tọa Thích Triệt Định - Viện trưởng Học viện Phật giáo Tam Tạng; GS. Lewis Lancaster đến từ Đại học California Mỹ cùng hơn 100 đại biểu, gồm những bậc chư tôn giáo phẩm, chư vị Tăng, Ni, Phật tử, học giả, nhà nghiên cứu đến từ  10 quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Myanma, Lào, Campuchia, Đài Loan

Ấn tượng hội thảo quốc tế Phật giáo châu Á và Việt Nam với văn hóa dân tộc
Đại diện Phật giáo gần 10 quốc gia tham dự hội thảo “Phật giáo châu Á và Việt Nam trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc”.

Mở đầu buổi khai mạc, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định: Phật giáo đã có một truyền thống hơn 2000 năm tại Việt Nam, đã thăng trầm cùng với sự thăng trầm của đất nước, đã chung tay với người Việt vượt qua mọi khó khăn trong lịch sử và gắn bó trở thành một phần của văn hóa Việt Nam, văn hiến Việt Nam.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, Phật giáo Việt Nam vừa không ngừng bản địa hóa, vừa liên tục chuyển mình, mang tinh thần nhập thế vào xã hội và nhân sinh, góp phần phát huy bản thân và văn hóa dân tộc trong thời đại mới, có vai trò ngày càng nổi bật trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế

Về phía tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, Phật giáo ở Quảng Ninh đã không ngừng phát triển cả về cơ sở hạ tầng, số lượng các phật tử cũng như tổ chức các nghi thức tôn giáo; đồng thời tham gia tích cực các chương trình an sinh xã hội, nhất là công tác từ thiện cộng đồng.

Hiện nay Quảng Ninh cũng đang tích cực thực hiện có hiệu quả đề án “mở rộng và phát triển khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu xây dựng Yên Tử thành một trung tâm Phật giáo-Thiền phái Trúc lâm Việt Nam; là trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử cấp quốc gia; là điểm du lịch quan trọng trên tuyến Hà Nội-Hạ Long.

Hội thảo không chỉ 
Hội thảo không chỉ đơn thuần là tọa đàm về phật giáo màcòn góp phần thúc đẩy quan hệ quốc tế giữa các dân tộc, các tôn giáo và giữa Việt Nam với các nước.

Các nhà học giả cho rằng, Phật giáo đã góp phần xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, triết lý nhân sinh, là nguồn cảm hứng cho văn chương, nghệ thuật, là chất keo gắn kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc, không ít lần hiện diện một cách huy hoàng trên các trang sử độc lập của nhiều nước và trở thành hệ tư tưởng của một số quốc gia châu Á hiện nay.

Hội thảo sẽ cung cấp tài liệu, tư liệu, lịch sử xác thực, cụ thể, đề nghị UNESSCO tiếp tục công nhận các di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật của Phật giáo cũng như văn hóa dân tộc. Riêng Việt Nam đã có Bảo tàng Phật giáo Việt Nam tại Sóc Sơn, Hà Nội sẽ là thành viên của Bảo tàng Phật giáo Châu Á.

Những bài nghiên cứu của các giáo sư, thượng tọa đến từ nhiều quốc gia mang tính chất lượng đã làm sống lại buổi ban đầu khi phật giáo được truyền bá vào các nước châu Á và Việt Nam. Đáng chú ý là nghiên cứu “ Thuyết đường tròn vĩ đại ” của GS. Lewis Lancaster đến từ Đại học California của Mỹ. “ Thuyết đường tròn vĩ đại ” chỉ ra rằng phật giáo có nguồn gốc từ  Ấn Độ truyền bá vào Việt Nam cùng các nước Châu Á và ngược lại. Nó không đơn thuần là “ thứ  hàng hóa và chỉ được truyền bá theo con đường tơ lụa” như suy nghĩ của nhiều người. Cung của đường tròn vĩ đại này nằm trong mọi thứ  thuộc về con đường tơ lụa.

Thượng tọa Thích Thanh Đạt - Viện trưởng Học Viện Phật Giáo Việt Nam cho biết: “Hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng, Hội thảo không chỉ đơn thuần là tọa đàm về phật giáo mà còn góp phần thúc đẩy quan hệ quốc tế giữa các dân tộc, các tôn giáo và giữa Việt Nam với các nước.

Anh Thế - Nhất Nam