An Hiếu - nhạc sĩ của người lính

Nhật Phương

(Dân trí) - An Hiếu là con trai cố nhạc sĩ An Thuyên. Khi nhạc sĩ An Thuyên còn sống, nhiều người sợ rằng cái bóng của người cha sẽ làm cho An Hiếu "lu mờ". Nhưng An Hiếu đã tự đi lên bằng đôi chân của mình.

Nhạc sĩ An Hiếu từng quyết tâm đi du học rồi quay về Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội làm giảng viên. Các sáng tác đề tài về tình yêu hay bảo vệ môi trường của anh có sức lan tỏa rộng được nhiều lứa ca sĩ chọn tham gia các cuộc thi âm nhạc như Lời yêu xa, Tình yêu âm nhạc, Bão đêm, Vì đâu?...

Hơn thế, trong sự nghiệp sáng tác của mình, An Hiếu còn là tác giả có nhiều sáng tác viết về người lính như Thư nhà, Tết của lính, Phiên gác đêm, Guitar lính, Chiến sĩ thật đáng yêu,... Đề tài này vốn đòi hỏi phải sự quan sát, tài năng cũng tâm huyết của người sáng tạo.

An Hiếu - nhạc sĩ của người lính - 1

Nhạc sĩ An Hiếu hiện là Phó trưởng khoa Quản lý Văn hóa của Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Chính với những tác phẩm âm nhạc phong phú, có thể ghi nhận An Hiếu không chỉ là một Trung tá theo con đường binh nghiệp mà còn là một nhạc sĩ của sáng tạo nghệ thuật với nhiều tác phẩm âm nhạc được người nghe yêu thích và có sức cổ vũ, động viên lớn.

Những người từng gắn bó nhiều năm với quân ngũ, luôn thấu hiểu trái tim người lính thích hát những gì, cần nghe những gì... thì luôn cảm nhận rằng, An Hiếu là nhạc sĩ của người lính.

Nhân 22/12 năm nay, nhạc sĩ An Hiếu vừa cho ra mắt ca khúc Lính hát dân ca. Đây là tác phẩm mới nhất trong cả chùm sáng tác những câu chuyện đời thường về người lính gồm 20 bài của anh.

Lính hát dân ca - An Hiếu

"20 bài hát tôi đã sáng tác này nhiều câu chuyện đời thường muôn mặt của cuộc sống người lính, đó là những lát cắt nhỏ, có thể là tập thể dục buổi sáng, chờ lá thư nhà, một phiên gác đêm...'', nhạc sĩ An Hiếu tâm sự.

Hình ảnh người lính trong nhạc An Hiếu không còn là người lính trong chiến tranh mà là hình ảnh người lính của ngày hôm nay. Nhạc sĩ khéo léo khi viết những lời ca đương đại, gần gũi và thực hơn rất nhiều trong mắt thế hệ trẻ.

Hơn nữa, các tác phẩm lại được nhạc sĩ viết theo tạng vốn có của mình đó là tình ca, dễ đi vào lòng người. Lính hát dân ca là một ví dụ rõ nhất về những tự sự, tâm tình của anh lính trẻ cũng là của cái tôi nhạc sĩ, đồng thời cũng là một người lính.

Lý giải việc hiện nay hiếm những bài hát viết về người lính mà thoát khỏi lối mòn, nhạc sĩ An Hiếu cho rằng, có lẽ vì nó khó viết hay về mặt kỹ thuật.

''Có những mảng đề tài mà khi chạm vào nó thì đương nhiên sử dụng những từ ngữ, hình ảnh mang tính đặc thù của đối tượng hướng đến, khiến cho bài hát ít nhiều vang vọng giống nhau.

Thực ra, người lính hôm nay cũng có nhiều câu chuyện cần được kể, và nó vẫn là đề tài hấp dẫn, nếu người sáng tác đủ rung cảm, đủ duyên và muốn chinh phục", nhạc sĩ An Hiếu nói.

Không chỉ có nhiều sáng tác về người lính trong quân đội, ngay cả về đề tài ngợi ca những chiến sĩ áo trắng, áo xanh nơi tuyến đầu chống dịch, nhạc sĩ An Hiếu cũng có 2 tác phẩm được mọi người yêu mến và ghi nhận, đó là: Ánh sao nơi đầu tuyếnNgười đi trong bão.

An Hiếu - nhạc sĩ của người lính - 2

Gần như với An Hiếu, ở bất cứ thời điểm nào, anh cũng như đang trong trạng thái hưng phấn sáng tác.

Trong đó bài hát Người đi trong bão được viết riêng cho bộ phim tài liệu Chuyện ở thành phố thức do VTV sản xuất khi phát sóng đã gây sự chú ý đặc biệt của cộng đồng mạng.

Bài hát này cũng được giải thưởng trong cuộc vận động sáng tác "Giai điệu nơi tuyến đầu" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.

Hơn 40 tuổi, nhạc sĩ An Hiếu đang ở độ tuổi sung sức và nhiệt tình với công tác đào tạo nghệ sĩ trẻ, tình yêu với nghệ thuật vẫn như ngọn lửa luôn bừng cháy trong anh.

Nhạc sĩ An Hiếu hiện là Phó trưởng khoa Quản lý Văn hóa của Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Anh vẫn miệt mài sáng tác và tiếp tục ấp ủ từng lời thơ, câu hát, sáng tác bằng tất cả tấm lòng mình.

Gần như với An Hiếu, ở bất cứ thời điểm nào, anh cũng như đang trong trạng thái hưng phấn sáng tác để bừng lên các giai điệu âm nhạc và ở khoảnh khắc nào cũng lao tâm khổ tứ cho những dự án nghệ thuật của mình...