Âm nhạc mùa Vu Lan lên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội

(Dân trí) - Hưởng ứng mùa Vu Lan 2016, tối qua 11/8 tại Nhà hát lớn Hà Nội, chương trình nghệ thuật "Đạo hiếu và Dân tộc" được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trang trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng với tấm lòng thành hướng về cha mẹ.

Video: Âm nhạc về Phật giáo mùa Vu Lan lên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội

Nhà hát lớn Hà Nội với gần 600 ghế đã kín khán giả trong một chương trình "đặc thù" với các tiết mục nghệ thuật về Phật giáo cho thấy mối quan tâm rất lớn về đạo hiếu, về mùa Vu Lan nhớ cha mẹ, tổ tiên, dân tộc...

Chương trình Vu Lan Đạo hiếu và Dân tộc được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trang trọng mỗi mùa Vu Lan, được xem là hoạt động xã hội cộng đồng mang tính nhân văn sâu sắc, với mục đích truyền đi thông điệp giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức cao đẹp của dân tộc, đặc biệt là đạo hiếu trong xã hội ngày nay. Đến tham dự chương trình, mỗi vị khách mời và khán giả sẽ cùng thực hiện nghi lễ “bông hồng cài áo”. Đây là nghi thức đặc biệt để tưởng nhớ, khắc ghi công ơn sinh thành, dưỡng dục lớn lao của cha mẹ.

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch HĐTS TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xúc động cho biết, Vu Lan báo hiếu là một truyền thống tốt đẹp trong giáo lý nhà Phật, được khởi nguyên từ tinh thần hiếu nghĩa tri ân, báo ân với cha mẹ, ông bà tổ tiên. Tinh thần tri ân, báo ân đã có từ thời khai sinh lập quốc và trở thành nền tảng đạo đức trong xã hội Việt Nam. Ngày này, lễ Vu Lan không chỉ là ngày lễ được gói gọn trong chốn Thiện Môn mà nó đã trở thành một ngày hội chung cho những ai cùng hướng lòng về nguồn cội thiêng liêng mà gần nhất là hình ảnh cha và mẹ. Đây cũng là dịp mà mỗi người con đất Việt cùng khơi gợi lại truyền thống uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ đến công lao của các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập tự do của dân tộc.

“Vu Lan về không chỉ có những giọt nước mắt nhớ thương cha mẹ mà còn có biết bao đôi mắt mỏi mòn đã cạn khô dòng lệ của những người mẹ nhớ thương con. Không chỉ trong thời chiến mà trong thời bình vẫn còn những người con trung hiếu, khi máu của các anh đã nhuộm xuống để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc, non sông. Bông hồng cài hoa trên ngực áo không chỉ nhắc nhở con cháu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ ông bà, tổ tiên mà rộng hơn đó còn là tinh thần tri ân, báo ân của dân tộc”, Hòa thượng Thích Gia Quang khẳng định.

Trong chương trình ngoài những tiết mục ca nhạc tôn vinh sự hiếu nghĩa, tình mẫu tử, những tấm gương hiếu thuận trong đời sống con người, đêm Vu Lan “Đạo hiếu và Dân tộc” còn diễn ra buổi tọa đàm bàn về đạo hiếu trong xã hội hiện đại ngày nay. Đây cũng là dịp để mỗi người có thể hiểu hơn về quan niệm của chữ hiếu, đề cao và xiển dương những tấm gương hiếu đạo trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc.

Chia sẻ trong buổi tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, một trong những giá trị sâu sắc khiến đạo Phật đi vào đời sống con người, tạo nên sức mạnh cho dân tộc đó chính là đạo hiếu. Ngày nay đạo hiếu không chỉ là báo hiếu đối với cha mẹ mà là cả đối với chúng sinh. Đạo hiếu hiếu có sức sống rất mạnh mẽ, mang giá trị nhân văn, nhân bản của thời đại. “Chúng ta thường hay nói câu "Phật giáo đồng hành cùng dân tộc", câu nói này có ý nghĩa là Phật giáo luôn có mặt trên mọi phương diện phát triển của đất nước, trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Điển hình là tinh thần đề cao đạo hiếu trong nếp sống sinh hoạt thường ngày”, ông Quốc nói.

Cũng trong tọa đàm, Ts. Nguyễn Mạnh Tùng cũng cho rằng, hiếm có dân tộc nào trên thế giới mà tinh thần đạo hiếu, hiếu nghĩa với cha mẹ ông bà, tổ tiên... lại được đề cao và trở thành sức mạnh tinh thần lớn lao như ở Việt Nam. Tinh thần hiếu đạo không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình mà còn là tình yêu tổ quốc, tưởng nhớ đến nguồn cội và xa hơn nữa chính là ý thức cống hiến, báo đáp cho xã hội.

Ngoài ra, trong đêm Vu Lan Đạo hiếu Dân tộc còn diễn ra lễ trao giải cuộc thi sáng tác “Các tác phẩm về Đạo hiếu” nhằm mục đích tập hợp chân dung những tấm gương Hiếu thảo, tôn vinh và đề cao tinh thần hiếu đạo trong đời sống văn hóa tinh thần. Cuộc thi được khởi động từ ngày 1/10/2015 với hơn 3000 bài dự thi trên khắp cả nước. 16 tác phẩm suất sắc nhất đã được lựa chọn để tôn vinh và trao giải trong buổi lễ. Sau chương trình các tác phẩm tiêu biểu nhất sẽ được tập hợp để in thành sách “Những tấm gương hiếu thảo” với mục đích dành tặng các em học sinh như một món quà ý nghĩa trong mùa Vu Lan 2016.

Xuân Ngọc - Hà Trang