1. Dòng sự kiện:
  2. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

5 sự thật từng bị phủ nhận cách đây 100 năm

(Dân trí) - Có những sự thật được khoa học chứng minh là đúng nhưng ở thời điểm nó xuất hiện đã bị xem là... ngớ ngẩn.

Trong những năm 1920, hãng Lambert và Butler English Cigarette đã phát hành bộ bưu ảnh đề cập đến những điều bí ẩn thường gặp khi đó và một số đã bị phủ định. Tuy nhiên gần 100 năm sau, nhiều bí ẩn trong số đó đã trở thành sự thực và được khoa học chứng minh.

Uống trà nóng sẽ làm mát cơ thể
 
5 sự thật từng bị phủ nhận cách đây 100 năm

Hãng Lambert & Butler cho rằng uống trà nóng sẽ làm thân nhiệt tăng lên. Dù sau đó cơ thể sẽ trở lại bình thường, đó lại là điều khiến não bộ bị lừa rằng cơ thể đang được làm mát. Các nghiên cứu sau này cho thấy uống trà nóng thật sự có thể làm mát cơ thể. Khi đó, các xúc giác ở lưỡi sẽ báo về não, cho biết cơ thể đang nóng và kích hoạt hệ thống giải nhiệt của cơ thể, chủ yếu thông qua việc đổ mồ hôi. Thực tế, việc giải nhiệt qua quá trình đổ mồ hôi sẽ nhiều hơn lượng nhiệt cơ thể hấp thụ, khiến cơ thể được làm mát.

Đạn pháo gây ra mưa
 
5 sự thật từng bị phủ nhận cách đây 100 năm

Theo Lambert & Butler việc mọi người khi đó tin rằng đạn pháo gây ra mưa xuất phát từ những trận chiến nổi tiếng như Waterloo hay trận chiến giữa hải quân Anh và hạm đội Tây Ban Nha. Nhưng các nhà khoa học đã loại bỏ giả thuyết này vào năm 1907, khi họ bắn hàng loạt các loại pháo lên không trung mà không có kết quả. Cùng với đó là kết luận  không vụ nổ nào có thể tạo đủ năng lượng để mưa rơi. Tuy nhiên, năm 1945, giả thuyết này trở thành sự thực. Các vụ nổ  hạt nhân xảy ra tại Hiroshima và Nagasaki thực sự có thể gây mưa. Hiện tượng này được gọi là "mưa đen", gây ra bởi sự thay đổi cực kỳ đột ngột trong nhiệt độ và áp suất không khí, cũng như sự có mặt của hàng triệu mảnh vụn nhỏ để cô đọng mưa. Đáng chú ý là các cơn mưa đen này có hàm lượng phóng xạ cực kỳ cao.

Ánh nắng mặt trời có thể gây cháy rừng
 
5 sự thật từng bị phủ nhận cách đây 100 năm

Theo Lambert & Butler ngay cả trong những ngày nóng nhất ở sa mạc Bắc Phi, nhiệt độ chỉ chạm ngưỡng 60 độ, quá thấp để có thể gây bắt lửa cho các cánh rừng. Mặt trời có thể làm cây cỏ khô và dễ bắt lửa, nhưng không trực tiếp gây cháy. Trên thực tế, rất khó để ánh nắng mặt trời gây cháy rừng. Nhưng trong những điều kiện thích hợp, điều đó có thể xảy ra. Điểm cháy của gỗ là 300 độ C, và đó là nhiệt độ khá chênh lệch so với ánh nắng thông thường. Nhưng cháy rừng vẫn có thể xảy ra nếu ánh nắng được hội tụ bởi một yếu tố nào đó, hoặc được phản chiếu vào các loại gỗ có nhiệt độ bắt lửa thấp, như cỏ khô hay lá thông. Các thứ có thể làm được điều này rất dễ gặp như đáy lon nước hay đĩa thức ăn, thậm chí là một giọt nước cũng có thể là tác nhân giúp ánh nắng hội tụ gây cháy rừng.

Thời tiết thay đổi theo Mặt Trăng
 
5 sự thật từng bị phủ nhận cách đây 100 năm

Hãng Lambert & Butler cho rằng Mặt Ttrăng không gây ảnh hưởng tới thời tiết. Các nghiên cứu năm 1774 đã so sánh sự thay đổi thời tiết tương ứng với các giai đoạn của Mặt Trăng trong tháng. Kết luận là không hề có sự liên hệ nào giữa hai yếu tố này. Bí ẩn này đã xuất hiện  từ thời La Mã. Năm 2010, các nhà nghiên cứu ở Arizona và Trung tâm dữ liệu khí hậu Mỹ đã nhận ra sự gia tăng lưu lượng nước vào những ngày đầu và cuối chu kỳ Mặt Trăng, do vậy họ đã xem xét các dữ liệu về lượng mưa từ năm 1895. Kết luận cuối cùng là lượng mưa gia tăng vào các ngày trước và sau rằm. Đó là một hiệu ứng rất nhỏ, lượng mưa chỉ tăng 5%, nhưng nó đã khẳng định bí ẩn trên là đúng sự thật.

Khí Ozone có ở vùng bờ biển
 
5 sự thật từng bị phủ nhận cách đây 100 năm

Lambert & Butler khẳng định hương vị tươi mát ở bờ biển không phải do khí Ozone, đó chỉ là mùi tảo biển. Điều này có vẻ đúng nhưng tới thời điểm hiện nay đã không còn chính xác. Bởi lẽ vùng bờ biển có nồng độ Ozone cao hơn nơi khác chính là do quá trình vận tải biển. Động cơ diesel trên tàu biển tạo ra nitơ oxit, chúng phản ứng với chloride trong muối biển, tạo thành nitryl chloride, chất này kích thích sự hình thành của ozone. Tại một số vùng bờ biển nước Mỹ, nồng độ nitryl chloride cao gấp 20 lần so với các nơi khác. Lượng ozone tạo ra vào buổi sáng ở Houston (Mỹ) có thể cao hơn từ 10-30% so với các thời điểm khác nhờ luồng gió biển. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt quan trọng đó là trước đây, người ta tin rằng ozone giúp con người khỏe mạnh hơn thì nay người dân lại tin vào điều ngược lại.

Phan Hạnh

Theo Mentalfloss