5 đặc sản “tiến vua” ngày Tết

(Dân trí) - Bánh gai làng Mía, bánh răng bừa làng Trung Lập, phi Cầu Sài, mắm tép Hà Yên…xưa kia đều là những sản vật được người dân xứ Thanh dâng lên tiến vua. Những món ăn này trong ngày Tết trở thành đặc sản của những vùng quê.

Bánh gai làng Mía

Huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) là vùng đất linh thiêng nằm bên dòng sông Chu nổi tiếng với nhiều đặc sản như: chè sánh, chè lược, cá rô Đầm Sét, nem nướng... Trong những đặc sản trên, bánh gai ở làng Mía, xã Thọ Diên là một trong những món ngon nổi tiếng xưa kia dùng để tiến vua.

Bánh gai tiến vua xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân.
Bánh gai tiến vua xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân.

Là loại bánh làm từ nông sản nhưng bánh gai làng Mía có được hương vị thơm ngon đặc trưng nhờ vào bí quyết gia truyền. Để làm ra chiếc bánh gai, phải bỏ ra nhiều công sức từ việc chọn những hạt gạo nếp ngon rồi giã nhỏ, sau đó trộn với mật mía.

Màu chủ yếu của chiếc bánh gai là màu đen của nước lá gai hòa quyện vào bột nếp tạo nên màu đen sánh. Nhân bánh được làm bằng đậu xanh giã nhuyễn, dừa hoặc thịt lợn. Sau khi nhào nặn bột nếp lá gai rồi cho nhân vào bên trong, bánh gai được gói lại bằng lá chuối khô… Sự công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn tạo cho chiếc bánh gai làng Mía ngon có tiếng ở xứ Thanh. Chính vì thế, xưa kia bánh gai làng Mía được chọn làm sản vật dâng tiến vua.

Ngày nay, ở làng Mía nói riêng nhiều nơi khác của huyện Thọ Xuân vẫn giữ được nghề làm bánh gai. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ của hai vị anh hùng dân tộc Lê Lai và Lê Lợi người dân khắp vùng Thọ Xuân làm bánh gai dâng trong mâm lễ vật.

Mỗi dịp Tết, bánh gai còn là món ăn không thể thiếu dâng lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên. Bánh gai còn là món quà quê được gia chủ đem ra đãi khách trong ngày Tết, làm quà biếu thể hiện niềm tự hào quê hương của người làng Mía gửi đi nơi xa.

Bánh răng bừa Trung Lập

Những người cao niên ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cho biết, bánh răng bừa của làng có từ xa xưa. Dân làng làm ra loại bánh này để dâng tiến vua Lê Hoàn. Theo sử sách, khi còn trị vì vua Lê Hoàn đã về làng Trung Lập vào ngày đầu xuân để chúc Tết dân làng. Ông đã xuống ruộng đi cày bừa, cấy lúa với người dân để cầu mong một năm mới may mắn. Năm đó, làng Trung Lập được mùa, cuộc sống no đủ.

Bánh răng bừa, đặc sản tiến vua ở xứ Thanh.
Bánh răng bừa, đặc sản tiến vua ở xứ Thanh.

Không quên công lao của vua, dân làng Trung Lập đã chọn những sản vật ngon nhất dâng lên tiến vua. Trong những món ngon này có một loại bánh rất đặc biệt, đó là bánh răng bừa. Gọi là bánh răng bừa vì chiếc bánh có hình giống với chiếc răng bừa. Bánh được làm từ bột gạo tẻ, trộn với nhân bằng thịt lợn và mộc nhĩ rồi gói bằng lá chuối tươi hoặc lá dong đã được hơ mềm qua lửa. Sau khi gói, chiếc bánh răng bừa có hình thon nhỏ bằng ngón tay cái người lớn, chiều dài khoảng 20cm rồi đem luộc hoặc hấp.

Khi chín, bánh răng bừa có mùi thơm ngon của bột gạo quyện với mùi lá gói bánh. Khi ăn có độ dẻo của gạo, độ dai dai của thịt lợn và mộc nhĩ. Đây làm món ngon đặc trưng không thể thiếu ở làng Trung Lập mỗi dịp lễ, Tết. Hầu hết gia đình nào cũng biết làm bánh, mỗi dịp lễ Tết, mâm cỗ ở làng Trung Lập không thể thiếu được món bánh răng bừa. Bánh răng bừa có thể dùng ăn thay cơm trong mâm cỗ ngày Tết. Nhà nào không có bánh răng bừa coi như mâm cỗ thiếu đi món đặc sản của quê hương.

Mắm tép Hà Yên

Mắm tép là loại mắm đặc chưng chỉ ở vùng chiêm chũng xã Hà Yên, huyện Hà Trung mới có. Đây là loại mắm được làm từ loại tép riu ủ với muối và thính gạo. Để làm ra được một bát mắm tép ngon phải mất cả năm để muối mắm. Theo đó, loại tép riu sau khi bắt ở những khúc sông quanh vùng về phải được rửa sạch, loại bỏ cặn bẩn. Với tỷ lệ mười bát tép, bốn bát muối và hai bát gạo tẻ rang (làm thính) tất cả được cho vào trong chum hoặc thùng để muối.

Bánh răng bừa, đặc sản tiến vua ở xứ Thanh.

Tùy từng kiểu ăn mà mắm tép có thời gian ủ khác nhau. Loại mắm ăn nhanh thì được muối hơn hai tháng, mắm trường thì phải muối một năm mới ăn được. Khi muối chín, con tép phải có màu đỏ gạch, mắm có mùi thơm nồng, nước cốt có màu vàng mật ong mới ngon. Xưa kia, người Hà Yên phải kỳ công mất một năm muối mắm để dâng lên tiến vua.

Do ngày càng hiếm loại tép riu nên nghề làm mắm tép ở Hà Yên ngày càng mai một. Hiện nay, ở Hà Yên chỉ còn lại làng Đình Trung là muối mắm tép nhiều và ngon. Món mắm tép giờ đây không chỉ là món ăn thường ngày của người Hà Yên mà trở thành đặc sản có tiếng. Mỗi kilôgam mắm tép sỗi được bán với giá 70 nghìn. Loại mắm trường được bán 100 nghìn đồng/ kg.

 Đặc sản mắm tép tiến vua Hà Yên, Hà Trung.
 Đặc sản mắm tép tiến vua Hà Yên, Hà Trung.

Mắm tép thường được dùng làm nước chấm với các loại rau, củ quả ăn sống hoặc với thịt lợn luộc. Người dân Hà Yên cho biết, mắm tép ăn ngon nhất là kho với thịt lợn. Thịt lợn khi kho chín cho thêm ít mém tép sẽ có mùi rất thơm, khi ăn cũng rất ngon.

Trong ngày Tết, người Hà Yên thường dùng mém tép làm món nước chấm không thể thiếu trong mâm cơm. Khách quý đến nhà, người Hà Yên mới chiêu đãi món mắm tép kho với thịt lợn.

Phi cầu Sài

Cầu Sài nằm trên QL10 bắc qua sông Trà nối hai xã Hoằng Xuyên (huyện Hoằng Hóa) và xã Thuần Lộc (huyện Hậu Lộc). Vùng đất cầu Sài gần với Chợ Phủ (xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc) xưa kia là trung tâm văn hóa lớn của vùng Hậu Lộc, Hoằng Hóa.

Sông Trà đoạn qua cầu Sài nơi có nhiều Phi trước kia được bắt để dâng lên tiến vua.
Sông Trà đoạn qua cầu Sài nơi có nhiều Phi trước kia được bắt để dâng lên tiến vua.

Vùng đất Chợ Phủ xưa có bà Nguyễn Thị Minh Thụy là vợ vua Lê Trung Tông. Trong lần về thăm quê, khi đi qua cầu Sài thấy cũ nát, nguy hiểm bà đã cho tiền giúp dân tu sửa lại cây cầu. Chợ Phủ cũng được bà trùng tu nâng cấp trở thành một trong những chợ lớn của xứ Thanh thời bấy giờ.

Đoạn sông Trà qua cầu Sài có nước lớn nên loài Phi (giống con trai) sống rất nhiều. Phi ở đây có vỏ mỏng, ruột trắng ăn rất ngon nấu được nhiều món. Nhớ công ơn của Hoàng hậu Nguyễn Thị Minh Thụy, sau khi bà hồi cung người dân đã đi bắt và chọn những con trai ngon nhất dâng tiến vua làm sản vật quê hương.

Sông Trà đoạn qua cầu Sài nơi có nhiều Phi trước kia được bắt để dâng lên tiến vua.

Hiện nay, do nước sông ô nhiễm cộng với việc ngăn sông đắp đập không có nước lợ từ sông lớn vào nên loài Phi không còn sinh sôi phát triển ở sông Trà. Để có được những con Phi ngon phải về vùng bãi bồi ven biển gần đảo Nẹ của huyện Hậu Lộc mới mua được loại Phi này.

Từng được biết đến là món ăn ngon nên nhiều người dân ở Hậu Lộc, Hoằng Hóa vẫn thường tìm mua loại đặc sản này với giá từ 100 - 120 nghìn/kg. Các món ăn làm từ Phi rất tốt và bổ dưỡng cho sức khỏe. Ngày Tết, nhiều người thường mua Phi về nấu cháo cho những người say rượu ăn để giã rượu. Bên cạnh đó, người mới ốm dậy chỉ cần thưởng thức bát cháo Phi sức khỏe cũng sẽ mau lành hơn.

Bưởi Luận Văn

Bưởi Luận Văn ở làng Luận Văn, xã Thọ Xương là giống bưởi nổi tiếng của vùng đất Thọ Xuân, Thanh Hóa. Khi còn nhỏ bưởi Luận Văn có màu xanh nhưng lúc chín thì chuyển sang màu đỏ gấc chín. Là giống bưởi có vị chua ngọt đặc trưng, màu sắc đặc biệt và rất thơm khi chín nên bưởi Luận Văn Xưa kia đã được chọn làm sản vật để dâng lên tiến vua.

Bưởi tiến vua Luận Văn, đặc sản của vùng đất Thọ Xuân.
Bưởi tiến vua Luận Văn, đặc sản của vùng đất Thọ Xuân.

Ngày nay, giống bưởi Luận Văn được nhiều người tìm mua về nhà làm đặt lên mâm ngũ quả cúng Tết. Nhiều người quan niệm, vì bưởi Luận Văn có màu đỏ dùng để cúng Tết sẽ đem lại may mắn, thịnh vượng. Bên cạnh đó, loại bưởi này khi để trong nhà có mùi thơn đặc biệt nên được nhiều người ưa thích…

Thái Bá