Tuyển sinh dạy nghề năm 2017: Giữa muôn trùng khó...

Thiếu dữ liệu tuyển sinh, “khuyết danh” trong hồ sơ đăng ký nguyện vọng, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớn hơn số học sinh tốt nghiệp PTTH, áp lực từ quan niệm “trọng thầy hơn thợ”… là những vấn đề mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đối mặt trong mùa tuyển sinh 2017.

Đây còn là mùa tuyển sinh đầu tiên các cơ sở dạy nghề hoạt động dưới sự quản lý của Bộ LĐ-TB&XH trong khi nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp chưa được ban hành kịp thời. Có thể thấy, mùa tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp 2017 đang đứng giữa muôn trùng khó…

“Như ngồi trên lửa!”

Đó là lời cảm thán của Thạc sĩ Nguyễn Phúc Đức, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội, khi nói về những vấn đề cấp bách trong mùa tuyển sinh 2017. Theo Thạc sĩ Nguyễn Phúc Đức: Mùa tuyển sinh đã bắt đầu nhưng nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề vẫn thiếu những điều kiện căn bản như mã đăng nhập, chỉ tiêu tuyển sinh, cầm nang hướng dẫn… Cùng với đó, khi kế hoạch thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia được công bố, không ít trường nghề hụt hẫng khi không còn thấy tên trong danh sách thí sinh đăng ký nguyện vọng của Bộ GD-ĐT bởi Bộ này đã không còn quản lý.

Một giờ học tại Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội. (Ảnh: Bá Hoạt)
Một giờ học tại Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội. (Ảnh: Bá Hoạt)

Công tác chuẩn bị mùa tuyển sinh 2017 bắt đầu với một thách thức không nhỏ khác: Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT nới rộng cơ hội vào đại học cho thí sinh bằng cách không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển. “Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giáo dục đại học nằm trên đỉnh của tháp giáo dục nhưng điều kiện xét tuyển ngày càng nhẹ; chỉ tiêu tuyển sinh tăng lên từng năm… Thực tế đó cùng với tâm lý “sính” bằng cấp còn nặng nề trong xã hội, các trường nghề khó “có cửa” giành học sinh với các trường thuộc hệ thống giáo dục đại học” - Thạc sĩ Nguyễn Phúc Đức lo lắng.

Đó là nỗi lo chung của nhiều trường nghề khi thời điểm tuyển sinh ngày một cận kề. Lâm vào "nhóm yếu thế" bởi quan niệm “trọng thầy hơn thợ” dù số người tốt nghiệp trường nghề có việc làm luôn ở mức cao (năm 2016 là hơn 70%), hằng năm, các trường nghề phải triển khai nhiều chính sách riêng nhằm thu hút học sinh, như miễn giảm học phí, học bổng đối với những ngành nghề độc hại, khó tuyển sinh, nghề trọng điểm quốc gia; bắt tay với doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra, cam kết hoàn tiền nếu không có việc… Tuy cố gắng là vậy nhưng số trường hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh không lớn; có năm, có tới 8 tỉnh chỉ tuyển được dưới 100 sinh viên cao đẳng nghề, thậm chí 4 tỉnh gồm: Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Trị, Kon Tum còn lâm cảnh “trắng” sinh viên ở trình độ này.

Khó khăn cũ còn đó, nay lại thêm áp lực mới, nhiều trường lo lắng khó có thể giữ được số lượng đầu vào như ở mùa tuyển sinh trước. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội, ông Đồng Văn Ngọc xác định: "Đây là thách thức lớn, đòi hỏi các trường phải năng động tìm cơ chế vận hành phù hợp. Nếu giữ lối tư duy ngồi chờ sinh viên, chắc chắn khó tồn tại".

Theo Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH quy định về Quy chế tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng mà Bộ LĐ-TB&XH mới ban hành, các trường cao đẳng được phép tự chủ trong hoạt động tuyển sinh. Điều này có nghĩa là các trường được quyền xây dựng quy chế tuyển sinh với hình thức, chỉ tiêu cũng như số lượt tuyển sinh trong năm. Đây là điểm mới so với giai đoạn mà các trường còn thuộc quyền quản lý của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, với nhiều trường, không phải cứ muốn tuyển sinh lúc nào cũng được vì còn ảnh hưởng tới việc áp dụng giáo trình, khung thời gian đào tạo, chưa kể những khó khăn khác do đặc thù ngành nghề, đối tượng tuyển sinh... Đại tá Lê Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề số 3 - Bộ Quốc phòng, cho biết: “Dựa theo Luật Nghĩa vụ quân sự thì trong thời gian tới, nhà trường chỉ có thể áp dụng mỗi năm một đợt tuyển sinh thay vì hai đợt như hiện nay”.

Dự báo nhu cầu và phân luồng học sinh phù hợp

Đặt ra chỉ tiêu tuyển sinh các trường nghề năm 2017 vào khoảng 2,2 triệu học viên, trong đó, với trình độ cao đẳng và trung cấp là 540 nghìn người; với hệ sơ cấp và các khóa đào tạo dưới 3 tháng là 1,66 triệu người, ông Nguyễn Hồng Minh (Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định: Sẽ gấp rút làm việc với Bộ GD-ĐT về dữ liệu và liên thông cổng thông tin tuyển sinh giữa hai bộ. Nội dung cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh cao đẳng, trung cấp năm 2017" sẽ được phát hành rộng rãi, trên website. Thí sinh truy cập vào đó có thể biết được trường nào đào tạo ngành nghề gì, ở đâu, tỷ lệ có việc làm ở những năm trước là bao nhiêu... Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Hồng Minh, để thu hút được thí sinh thì ngoài việc chú trọng tuyên truyền, các trường cần chủ động nâng cao chất lượng đào tạo nghề, hơn nữa chương trình đào tạo phải theo sát nhu cầu của doanh nghiệp, cần kết nối với doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường; tăng cường công tác giới thiệu việc làm và tạo nguồn xuất khẩu lao động…

Để công tác đào tạo nghề thực sự phát huy hiệu quả, xứng với vai trò quan trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, về lâu dài, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực dạy nghề, cần thực hiện tốt việc dự báo thị trường, thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, giảng viên đạt chuẩn giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân có nhận thức đúng đắn hơn về vai trò, vị trí của đào tạo nghề. Một điều quan trọng khác là tìm cách thúc đẩy sự vào cuộc thực chất của doanh nghiệp đối với công tác đào tạo nghề...

Theo Miên Hạo

Hà Nội Mới