Thầy giáo mầm non “3 nhất”

Từng thí sinh đầu tiên và duy nhất của tỉnh Kiên Giang dự thi Sư phạm Mầm non, rồi trở thành nam sinh duy nhất học chuyên ngành này, cho đến khi là giáo viên nam duy nhất dạy bậc mầm non của tỉnh, thầy Lê Quốc Trí cũng đã từng nhận được nhiều ánh mắt nghi ngờ, soi mói, thậm chí là chế giễu…

Nhưng bằng tình yêu nghề và nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy đã lấy được lòng tin của phụ huynh, đồng nghiệp và trở thành điểm sáng cho ngành Giáo dục của địa phương.

Từng bị bạn bè đồng môn trêu chọc

Sinh năm 1989, thầy Lê Quốc Trí – giáo viên Trường Mầm non Họa My (Giồng Riềng, Kiên Giang), vẫn còn nhớ như in ngày dự thi vào khoa Sư phạm Mầm non của Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang.

Ngày ấy, thầy là thí sinh nam duy nhất thi vào khoa này nên rất nhiều người hiếu kỳ đến xem. Có người thì động viên, nhưng cũng có người thì nghi ngờ hoặc trêu chọc.

Tình trạng này cũng được lặp lại khi thầy trở thành nam sinh duy nhất học khoa Sư phạm Mầm non của Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang.

“Cũng có những lúc thấy buồn và mặc cảm vì mọi người nhìn mình như một vật thể lạ. Đã có những lúc tôi có ý định bỏ học để chuyển sang học ngành, nghề khác. Nhưng tôi đã chót yêu nghề giáo viên mầm non rồi nên không nỡ từ bỏ” – thầy Lê Quốc Trí tâm sự.

Thầy giáo mầm non “3 nhất” - 1

Thầy cho biết: Thầy rất yêu thích trẻ con. Hồi còn làm trong nhà thờ, thầy được phân công phụ trách mấy bạn nhỏ, thi thoảng thầy dạy các bé đọc thơ, kể chuyện, cùng tham gia chơi các trò chơi và thầy có thể chơi với chúng cả ngày mà không biết chán. Đây chính là lý do để thầy quyết định đăng ký dự thi vào ngành Sư phạm Mầm non.

Trong thời gian học tập, rất nhiều người ngạc nhiên và lấy làm lạ khi biết thầy là sinh viên Sư phạm Mầm non. Lúc đầu thầy bị các bạn trêu chọc, thậm chí là chế giễu.

Nhưng dần dần mọi người hiểu và rất thông cảm, chia sẻ. Thầy luôn nhận được những lời động viên của các thầy, cô giáo và bạn bè trong lớp. Tuy nhiên, ngành Sư phạm Mầm non có nhiều môn đặc thù và khác hẳn với giáo dục phổ thông.

Vì thế thầy cũng gặp không ít khó khăn để hoàn thành chương trình học. “Chẳng hạn như môn Múa, Thiết kế đồ dùng, đồ chơi cho trẻ… những môn này thì các bạn nữ sẽ có ưu thế hơn, vì thế những môn này, điểm thi của tôi thường không được cao; thậm chí tôi phải học bằng năm, bằng mười các bạn nữ trong lớp mới có thể hoàn thành môn học” – thầy Lê Quốc Trí bộc bạch.

Bị từ chối việc làm vì là nam giới

Song kỷ niệm đáng nhớ nhất là những ngày đi xin việc. Sau khi tốt nghiệp Sư phạm Mầm non, thầy mang hồ sơ đi “gõ cửa” nhiều trường, nhiều phòng GD&ĐT nhưng đều nhận được những cái lắc đầu từ chối. “Lý do rất đơn giản chỉ vì tôi là nam giới, trong khi giáo viên mầm non thường được mọi người mặc định và gắn mác là nữ” - thầy Lê Quốc Trí chia sẻ.

Thầy Lê Quốc Trí kể lại: Những ngày thầy mang hồ sơ xin việc, khi thầy trình bày nguyện vọng muốn được làm giáo viên mầm non vì đã được đào tạo bài bản, chính quy, ai nấy đều tròn xoe đôi mắt và tỏ ra hết sức ngạc nhiên.

“Lúc đó, tôi có cảm giác thế giới này không thuộc về mình, chán nản vì nhiều lần xin việc bị từ chối nên tôi đã từng có ý định bỏ nghề để đi làm công nhân. Nhưng may mắn tôi được Trường Mầm non Họa My cho thử sức. Sau khi dạy thử một số tiết, cô hiệu trưởng đã nhận tôi vào làm việc. Kể từ đó tôi gắn bó với ngôi trường này cho đến ngày hôm nay” – thầy Lê Quốc Trí cho hay.

Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, thầy gặp rất nhiều khó khăn, đồng nghiệp, phụ huynh chưa tin tưởng vì từ trước tới nay chưa có tiền lệ giáo viên nam dạy mầm non. “Lại một lần nữa, tôi như người ngoài hành tinh, khi mỗi lần đưa con đến trường, phụ huynh ai nấy đều nán lại để xem thầy giáo mầm non múa hát, dạy trẻ như thế nào.

Tuy nhiên, điều tôi buồn nhất là nhiều phụ huynh chưa tin tưởng vì lo sợ tôi chăm sóc, dạy dỗ không được tỷ mỉ, cẩn thận như các cô. Càng nghĩ tôi càng thêm quyết tâm phải nỗ lực, cố gắng hết mình để khẳng định chuyên môn, nghiệp vụ và đón nhận được sự tin yêu của cha mẹ học sinh.

Tất cả những việc gì các cô làm được, thì tôi cũng làm được, từ việc múa hát cho đến đổ bô, vệ sinh cá nhân cho các con…” – thầy Lê Quốc Trí chia sẻ.

Giáo viên “cứng” của trường

Sau bao nỗ lực, cố gắng của bản thân, giờ đây thầy Lê Quốc Trí là một trong những giáo viên “cứng” của Trường Mầm non Họa My, được phụ huynh tin yêu, quý mến. Thầy luôn được Ban giám hiệu nhà trường giao phụ trách lớp 5 tuổi – lớp khó nhất của bậc Mầm non, kế cận cho bậc Tiểu học.

Đầu năm học, phụ huynh nào cũng muốn gửi con cho thầy Trí chăm sóc và nuôi dạy. Song điều mà thầy Lê Quốc Trí ái ngại nhất đó là sợ phụ huynh hiểu nhầm khi thầy chăm sóc, dạy dỗ các bé gái, nhất là khi hỗ trợ các con vệ sinh cá nhân. Vì thế trong lớp thầy thường nhận trọng trách những việc nặng, việc khó và vệ sinh những học sinh nam.

Khi được hỏi, nếu được chọn lại nghề, thầy có chọn “nuôi dạy hổ” như hiện nay không? Thầy Lê Quốc Trí – trải lòng:

Cuộc sống như những nốt nhạc, lúc trầm, lúc bổng. Thế nhưng chưa lúc nào tôi hết yêu nghề “nuôi dạy hổ” mà tôi đã chọn lựa, đã từng vất vả thậm chí phải vượt lên dư luận để có được thành quả như hôm nay.

Tôi không hối hận về sự lựa chọn của mình và tôi nguyện đem hết tâm sức của mình để cống hiến cho giáo dục mầm non.

Gần 10 năm gắn với con trẻ, đã để lại cho thầy Lê Quốc Trí nhiều kỷ niệm đẹp. “Cách đây 2 năm, có học sinh nhất định không chịu gọi tôi là thầy mà khăng khăng gọi bằng bố, xưng con. Hay như có năm, vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy được phụ huynh tặng cả buồng chuối làm quà. Nghĩ cũng thấy vui và hạnh phúc” - Thầy Trí tự hào kể lại.

Được biết, hiện nay thầy Lê Quốc Trí là Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Họa My. Thầy là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và có 5 năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở. Ngoài ra, thầy cũng là một trong những giáo viên của nhà trường tích cực sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học.

“Quan niệm nữ làm việc này, nam làm việc kia đã không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Nam – nữ bình quyền nên nam làm được thì nữ cũng làm được và ngược lại. Đối với giáo viên mầm non cũng vậy, không nên “gắn mác” đây là công việc của nữ giới. Dù nam hay nữ thì điều quan trọng vẫn phải yêu nghề, mến trẻ thực sự” - Thầy Lê Quốc Trí.

Theo Minh Phong

Giáo dục & Thời đại