Phú Yên: Lợi ích kép khi vừa học nghề vừa học văn hóa

Trung Thi

(Dân trí) - Thời gian gần đây, nhiều học sinh ở Phú Yên học hết THCS đã chọn các trường nghề để vừa học nghề và học văn hóa. Sau khi tốt nghiệp trường nghề, nhiều học viên tiếp bước lên giảng đường đại học.

Vừa có tay nghề, vừa có bằng văn hóa

Năm học 2020 - 2021, Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên tuyển sinh được 518 chỉ tiêu, thì đã có gần 450 chỉ tiêu là học sinh lớp 9 đăng ký theo học khóa đào tạo vừa học nghề, vừa học văn hóa.

Được biết, nguyên nhân các học viên đăng ký học khóa đào tạo trên vì khi thí sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục theo học nghề được miễn 100% học phí học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT và trung cấp.

Phú Yên: Lợi ích kép khi vừa học nghề vừa học văn hóa - 1

Thời gian gần đây, nhiều học sinh quan tâm đến việc vừa học nghề vừa học văn hóa

Trong thời gian học nghề, học viên được thực hành với khối lượng 70% số giờ học; được đi thực tập đúng với ngành nghề đào tạo. Sau khi tốt nghiệp trung cấp, các em được xét tuyển học thêm 1 năm cao đẳng theo đúng chuyên ngành đã học và được tiếp tục liên thông lên đại học nếu có nguyện vọng.

Đang theo học năm thứ hai nghề Điện Công nghiệp của trường CĐ nghề Phú Yên, em Phạm Gia Huy ở xã Phú Sen (huyện Phú Hòa, Phú Yên) cho biết: “Em vô tình đọc được thông tin về khóa vừa đào tạo nghề, vừa đào tạo văn hóa nên em đã tìm hiểu, qua đó em thích học nghề Điện Công nghiệp, khi học hết 9 em đã đăng ký vào học ngay”.

Phú Yên: Lợi ích kép khi vừa học nghề vừa học văn hóa - 2

Lớp học đào tạo về nghề điện Công nghiệp của trường CĐ nghề Phú Yên

“Vừa học nghề, vừa học văn hóa thứ nhất là được miễn học phí, từ đó giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình. Sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp nghề nếu mình thích thì học lên các bậc học cao hơn, không thích thì mình đã có tay nghề trong tay, từ đó mà kiếm tiền nuôi bản thân” - em Huy chia sẻ về việc chọn học nghề của mình.

Phú Yên: Lợi ích kép khi vừa học nghề vừa học văn hóa - 3

Hiện nay các trường nghề chú trọng đến thực hành hơn lý thuyết, để sau khi ra trường các em chắc tay nghề từ đó có thu nhập cao hơn.

Theo học nghề Chế biến thực phẩm được 2 năm, em Phạm Kim Linh (huyện Tuy An, Phú Yên) cho biết: “Em đăng ký học ở trường Cao đẳng Nghề vì vào trường em có thể học văn hóa và học nghề, sau khi tốt nghiệp em sẽ có 2 tấm bằng. Đặc biệt, hiện nay em thấy các anh chị khóa trên khi ra trường đều có doanh nghiệp nhận vào làm ngay với mức thu nhập khá, chứ không như một số bạn theo học cao đẳng, đại học ra trường lại thất nghiệp hoặc làm trái ngành của mình”.

Nhiều học viên bước theo con đường đại học

Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên cho biết, năm học 2019 - 2020 có 188 học viên được tốt nghiệp các bậc học trung cấp và cao đẳng. Trong gần 150 học sinh tốt nghiệp trình độ trung cấp thì có 74 học sinh tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Phú Yên: Lợi ích kép khi vừa học nghề vừa học văn hóa - 4

Lớp học văn hóa ở trường nghề

Sau khi đỗ tốt nghiệp THPT, nhiều em tiếp tục bước chân vào giảng đường đại học và theo học ngành nghề mà mình đã được học trước đó.

Em Nguyễn Ngọc Trường ở xã An Cư (huyện Tuy An), tốt nghiệp trình độ trung cấp nghề Kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính cho hay: “Khi vào học nghề, em chưa có bằng tốt nghiệp THPT. Trong quá trình học nghề, em đồng thời học chương trình GDTX cấp THPT do trường tổ chức.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vừa qua, em tham gia thi hệ GDTX, kết quả môn Toán 9 điểm, Ngữ văn 6,75 điểm, Vật lý 7,75 điểm, Hóa học 7,5 điểm, Sinh học 6,5 điểm. Với số điểm trên, em được tuyển vào học ngành Công nghệ Thông tin ở trường Đại học Phú Yên. Các kiến thức học ở trường nghề hiện đang giúp ích cho em rất nhiều” - Trường chia sẻ.

Tiến sĩ Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên cho biết: “2 - 3 năm trở lại đây, nhiều học sinh sau khi học lớp 9 đã chọn học nghề, như năm nay trường đã tuyển được gần 450 học viên là học sinh lớp 9. Điều này chứng minh, nhiều học sinh và các bậc phụ huynh hiện đang quan tâm đến các trường nghề.”

Phú Yên: Lợi ích kép khi vừa học nghề vừa học văn hóa - 5

Thầy giáo giới thiệu về hệ thống tự động đóng nắp chai trong ngành Điện Công nghiệp cho các học viên

“Lâu nay, học viên học nghề thường ngại học văn hóa. Tuy nhiên, học chương trình văn hóa GDTX cấp THPT các em chỉ học 7 môn bắt buộc, gồm Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Sinh học, Lịch sử, Địa lý thay vì 12 môn như các bạn học ở trường THPT. Điều này giúp các em tiết kiệm thời gian để tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT và rèn kỹ năng nghề.

Ngoài ra, hiện nay nhà trường đã liên kết các doanh nghiệp để thực hiện đào tạo theo nhu cầu nên hầu hết các học viên khi ra trường đều có việc làm, điều này cũng quyết định đến số lượng học viên theo học ngày càng tăng” - Tiến sĩ Đặng Văn Lái cho hay.