Bạn đọc viết:

Môn Tự nhiên lên ngôi, môn Xã hội “thất thế”

(Dân trí) - Tết năm nay tôi được giao một trọng trách đặc biệt của dòng họ là tư vấn tuyển sinh cho các cháu thi đại học sắp tới. Các anh chị luôn nghĩ tôi là người “sáng suốt” hơn cả trong dòng họ. Vì vậy mà chuyện này các anh chị đã ủy quyền cho tôi quyết định tương lai và số phận của các cháu.

Ngay sau khi tập hợp các "sĩ tử", tôi trao đổi hỏi han tình hình học tập của các cháu. Tôi thật mừng vì các cháu bây giờ hiểu biết xã hội hơn tôi ngày xưa rất nhiều. Các cháu thao thao bất tuyệt về các ngành nghề nóng nhất trong xã hội bây giờ. Thậm chí có cháu còn biết ngành gì bây giờ ra trường dễ xin việc mà lương lại cao. Có lẽ các cháu đã tham khảo trên mạng hết rồi. Cháu nào cũng mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình khi quyết định tương lai. Các cháu đều chọn tự nhiên và khá xem trọng ngành học.

Các em học sinh lớp 12 tham dự một chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 tại Huế (ảnh minh họa)
Các em học sinh lớp 12 tham dự một chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 tại Huế (ảnh minh họa)

Có điều tôi buồn nhất là các cháu có phần "xem nhẹ" các môn Xã hội. Các cháu đều cho rằng giờ ai chọn xã hội bị bạn bè chê là học dốt. Trong khi đó, chọn tự nhiên học hành vừa nhẹ nhàng, vừa có nhiều cơ hội khi chọn trường. Ngoài ra, Tự nhiên khi thi có rất nhiều lợi thế như có thể hỏi được bài nhau. Nhất là bây giờ thi theo hình thức trắc nghiệm.

Là một giáo viên dạy Văn, bản thân tôi cảm thấy thật buồn khi nghe các cháu chê bai môn học mình dạy. Có lẽ học sinh bây giờ đều không thích các môn học Xã hội mà nghiêng hoàn toàn về Tự nhiên. Ngay cả các phụ huynh cũng thế, ai cũng muốn con giỏi tự nhiên chứ ít khi vui mừng khi con giỏi các môn xã hội. Phụ huynh có thể bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư cho con học thêm các môn Tự nhiên để mong sau này con có tương lai. Có em đam mê các môn Xã hội như Văn, Sử, Địa nhưng phụ huynh lại luôn cấm cản. Họ cảm thấy không bằng lòng khi con thích học các môn xã hội.

Thực ra, lí do họ đưa ra không phải không có lí. Học Xã hội vừa cực, vừa ít ngành học. Bên cạnh đó học Xã hội ra cũng rất khó xin việc. Vì vậy mà các môn Xã hội bây giờ bị học sinh “quay lưng”.

Qua buổi trao đổi cùng các cháu, tôi hoàn toàn giật mình vì cách nghĩ của giới trẻ bây giờ. Các cháu rất thông minh và năng động. Đó là một điều chắc chắn. Điều này tôi thật sự mừng cho các cháu. Tuy nhiên cách nghĩ, cách lựa chọn ngành nghề của các cháu có phần thực dụng. Hầu hết các cháu chọn ngành không hẳn vì yêu ngành, nghề ấy mà vì ngành ấy sau này ra trường kiếm được nhiều tiền. Dường như các em bị đồng tiền chi phối nhiều hơn là những đam mê với nghề mình lựa chọn. Chỉ nghĩ đến đó thôi tôi đã cảm thấy lòng buồn vô cùng.

Nhớ lại thời đi học của tôi, chúng tôi lựa chọn ngành nghề hoàn toàn theo sở thích. Những năm tháng đi học tôi thích môn Văn và luôn khao khát được đứng trên bục giảng để truyền kiến thức cho học trò.

Ngay cả bây giờ sau gần 20 năm đi dạy cũng chưa bao giờ ân hận về nghề mình đã lựa chọn. Mỗi khi lên lớp nhìn đám học trò thơ ngây trong lòng tôi lại cảm thấy hạnh phúc tràn trề. Chưa bao giờ tôi tính toán thiệt hơn với nghề mình đã lựa chọn. Có lẽ, được làm công việc mình yêu thích là hạnh phúc lớn nhất trong đời tôi.

Mặc dù lòng cảm thấy rất buồn nhưng tôi vẫn động viên các cháu cố gắng, tập trung ôn tập để đạt kết quả cao trong kì thi tốt nghiệp và đại học sắp tới. Mong rằng các cháu - thế hệ trẻ tương lai của đất nước sẽ định hướng nghề nghiệp đúng với năng lực, sở thích của mình.

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!