Làm bài thi trên máy tính: Không thể trì hoãn

Góp ý cho Bộ GD&ĐT về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh sau năm 2020, hầu hết các thành viên Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực đều tán thành chủ trương ứng dụng công nghệ.

Cụ thể, Bộ sẽ chuẩn bị phương án thi THPT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 với hình thức học sinh (HS) làm bài thi trên máy tính. Tiến hành theo hướng kết hợp cả thi trên giấy và thi trên máy tính, rồi sẽ mở rộng dần từ thí điểm đến đại trà. 

Không mới lạ

Thực tế, hình thức làm bài thi trên máy tính ở nước ta đã được áp dụng cách đây hàng chục năm trước chứ không hề mới mẻ hay xa lạ. HS đã từng làm bài thi trên máy tính trong các kỳ thi ngoại ngữ, tin học; cán bộ, công chức, viên chức cũng từng làm bài thi môn Tin học trong kỳ thi thăng hạng, ngạch lên giảng viên chính, chuyên viên chính trên máy tính.

Hình thức này cũng từng được thí điểm trong kỳ thi tuyển sinh ĐH vào ĐH Quốc gia Hà Nội mấy năm gần đây, cho thấy nó hoàn toàn khả thi và HS nước ta có thể dễ dàng tiếp cận và áp dụng được.

Tuy nhiên, áp dụng hình thức thi này trong các kỳ thi nói trên là chỉ mới trong phạm vi hẹp và tiến hành ở những cơ sở giáo dục mạnh, có cơ sở vật chất, hệ thống máy tính tương đối đầy đủ, hiện đại với đối tượng dự thi hoàn toàn chủ động. HS tự nguyện tìm hiểu, nắm vững quy trình, rèn luyện kỹ năng sử dụng máy tính thuần thục. Còn việc nhân rộng ra toàn quốc với nhiều đối tượng HS trình độ không đồng đều, các cơ sở giáo dục trên mọi vùng miền đất nước chưa ngang bằng về điều kiện cơ sở vật chất thì hoàn toàn không đơn giản, cần có sự thận trọng chuẩn bị kỹ lưỡng.

Làm bài thi trên máy tính: Không thể trì hoãn - 1

( Ảnh minh họa/ INT)

Xu thế tất yếu

Phương án đổi mới Kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa trình Thủ tướng là một sự thay đổi theo hướng tích cực và đáng mừng: Đổi mới thi cử theo hướng thúc đẩy công nghệ, đưa công nghệ vào thi cử là xu thế tất yếu vì nó giảm thiểu sự can thiệp không cần thiết của con người, tiệm cận với xu hướng kiểm tra, đánh giá của thế giới.

Việc đổi mới hình thức thi theo hướng áp dụng công nghệ thông tin, tổ chức thi trên máy tính sẽ làm tăng tính chính xác, gọn nhẹ và quá trình thi được triển khai tốt hơn.

Thi THPT quốc gia trên máy tính không hề làm cho công tác dạy học ở nhà trường bị xáo trộn nhiều, bởi sự thay đổi này chỉ là hình thức làm bài thi, còn lại kiểu bài trắc nghiệm và nội dung chương trình vẫn giữ nguyên, không đổi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT phải bảo đảm tiến độ chuẩn hoá, cập nhật, mở rộng ngân hàng đề thi, không trì hoãn lộ trình tổ chức thi trên máy tính. Giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản giữ ổn định như Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi và đặc biệt chú trọng hình thức làm bài thi trên máy tính.

Làm bài thi trên máy tính có nhiều ưu điểm hơn so với cách thức tổ chức hiện nay, giúp thí sinh ở các địa phương giảm chi phí đi lại, bảo đảm kỳ thi khách quan, an toàn, hiệu quả, nghiêm túc, công bằng, hạn chế gian lận và đỡ tốn kém.

Nhiều ý kiến còn đề xuất các trung tâm khảo thí độc lập sẽ tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính nhiều đợt trong năm; thí sinh có thể dự thi một số đợt trong năm, giúp HS không phải mất một năm ôn thi lại vì một số lý do bất khả kháng như sự cố, đau ốm trong ngày thi, sau đó sẽ chọn lấy kết quả của đợt thi nào cao nhất để xét công nhận tốt nghiệp THPT hoặc các trường ĐH, cao đẳng có thể sử dụng trong tuyển sinh.

Như vậy, quy mô kỳ thi có thể tổ chức linh động, không phải diễn ra đồng loạt cùng ngày trên phạm vi cả nước; kỳ thi được tổ chức chắc chắn nhẹ nhàng và hiệu quả hơn.

Đôi điều băn khoăn

Tuy chủ trương đúng đắn là thế, nhưng hình thức thi trên máy tính vẫn còn gây ít nhiều băn khoăn từ các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo, phụ huynh HS lẫn HS.

Đó là sự lo ngại về hệ thống máy móc, trang thiết bị ở các địa phương hiện nay chưa hoàn hảo, kỹ năng sử dụng máy tính của học sinh không đồng đều. Việc chuẩn bị cho công tác bảo mật và chống gian lận thi cử khi cho học sinh thi trên máy tính cần phải có phương án tối ưu.

Nỗi lo còn ở chỗ HS chưa nắm vững kỹ năng làm bài, trình độ HS các vùng miền chưa đồng đều, nhiều HS chưa quen sử dụng máy tính sẽ rất thiệt thòi, nhất là những em ở vùng sâu vùng xa, ít có điều kiện tiếp cận với máy tính.

Về đề thi, đối với hình thức thi trên máy tính, yếu tố trọng tâm, khó khăn, phức tạp, quyết định sự thành công chính là đầu tư xây dựng và chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi đề thi trắc nghiệm. Theo phương án tổ chức kỳ thi gồm nhiều đợt thi thì yêu cầu đề ở các đợt thi phải có độ khó tương đương, để máy tính có thể chọn ngẫu nhiên câu hỏi sao cho vẫn bảo đảm công bằng, khách quan cho các thí sinh. Cần lưu ý chuẩn bị tốt năng lực của đội ngũ nhân sự tham gia ra đề, tích cực cập nhật, mở rộng ngân hàng đề thi; chú trọng tăng cường về số lượng và bảo đảm chất lượng cũng như các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, thiết bị phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi trên máy tính.

Làm bài thi trên máy tính: Không thể trì hoãn - 2

( Ảnh minh họa/ INT)

Một số giải pháp

Rõ ràng, để triển khai thuận lợi phương thức thi trên máy tính từ năm 2021, Bộ GD&ĐT phải tích cực xây dựng kế hoạch, khẩn trương thiết kế lộ trình phù hợp, chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, thiết bị phần mềm quản lý và tổ chức thi, chấm thi. Xây dựng ngân hàng đề thi bảo đảm chất lượng và số lượng, thường xuyên cập nhật, mở rộng ngân hàng đề thi, sao cho độ khó giữa các đề tương đương nhau để phục vụ cho kế hoạch thi nhiều đợt, nhằm bảo đảm công bằng cho tất cả thí sinh.

Yêu cầu các cơ sở giáo dục phải tạo điều kiện tối đa cho HS làm quen với máy tính và được thi trên loại máy tính quen thuộc, phù hợp.

Bước đầu Bộ GD&ĐT có thể thử nghiệm việc thi trên máy tính ở một số trường đạt chuẩn, có trang thiết bị công nghệ thông tin ổn định; thí điểm ở phạm vi hẹp để đánh giá và có lộ trình mở rộng dần ra quy mô lớn.

Giai đoạn ban đầu sẽ thi trên giấy và trên máy tính nhưng từng bước sẽ tăng dần hình thức thi trên máy tính để tiệm cận xu hướng thế giới. Công bố trước một năm các nội dung điều chỉnh về phương thức tổ chức, nội dung thi, hình thức thi... để thầy trò chủ động trong dạy - học, ôn tập và chuẩn bị tham gia kỳ thi. Tích cực luyện tập thao tác, kỹ năng cho HS, giúp các em làm quen với hình thức thi mới.

Để xã hội có thể an tâm về hình thức thi mới, Bộ cần thận trọng tính toán các bước đi hợp lý để kết quả thi trung thực, chính xác, bảo đảm quyền lợi và công bằng cho học sinh ở các hệ đào tạo cũng như ở mọi vùng miền trên cả nước.

Theo Đỗ Thành Dương

Giáo dục & Thời đại