Không mặn mà với ngành Sư phạm

Dù chỉ tiêu vào khối Sư phạm tăng hơn 10.000 nhưng năm nay số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành Sư phạm lại giảm

Các trường ĐH có truyền thống như Kinh tế Quốc dân, Bách khoa Hà Nội, Ngoại thương, Thương mại, Công nghiệp Hà Nội, Y Hà Nội và ĐHQG Hà Nội có số nguyện vọng đăng ký xét tuyển cao, từ 15.000 đến 30.000. Trong khi các trường ĐH vùng, khối như nông - lâm, sư phạm, khối trường tư thục... tỉ lệ đăng ký nguyện vọng sụt giảm nhiều so với năm 2018.

Sư phạm tăng chỉ tiêu, giảm nguyện vọng

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm nay có hơn 653.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ với hơn 2,5 triệu nguyện vọng. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào các ĐH tăng gần 7,6% so với năm 2018, tương đương gần 490.000. Trong số này, chỉ tiêu ngành sư phạm là 46.285, tăng hơn 30% so với năm ngoái.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), giải thích năm nay, dự báo nhu cầu giáo viên của các địa phương rất cao nên tổng chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm tăng. Để xác định nhu cầu tuyển sinh sư phạm, 2 năm nay bộ kết hợp với địa phương khảo sát nhu cầu giáo viên của từng địa phương hằng năm. Trên cơ sở này, Bộ GD-ĐT phân bổ chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm dựa vào năng lực của trường cũng như vùng tuyển sinh. Tổng số chỉ tiêu ngành sư phạm năm nay đạt 69,56% nhu cầu của các địa phương theo các ngành đào tạo.

Dù chỉ tiêu tăng tới hơn 10.000 nhưng năm nay số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm lại thấp hơn năm trước. Trước lo lắng các trường sư phạm có phải hạ điểm sàn để tuyển đủ chỉ tiêu hay không, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay năm 2018, các trường sư phạm và trường có tuyển ngành sư phạm chỉ tuyển được khoảng 44% nhưng điểm sàn vẫn giữ để không ảnh hưởng chất lượng. Năm nay mức sàn vẫn tiếp tục được giữ để bảo đảm chất lượng đào tạo. Bà Phụng cũng đề nghị các tỉnh, thành cần truyền thông cho xã hội hiểu và tăng cường tuyên truyền về các tổ hợp xét tuyển để tuyển sinh các ngành sư phạm.

Không mặn mà với ngành Sư phạm - 1
 

Chọn ngành lương cao, dễ xin việc

Theo TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, các trường được thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhất đều nằm ở nhóm trường có uy tín, trường có quy mô lớn, trường đa ngành đại diện cho vùng. Những ngành nghề được thí sinh lựa chọn nhiều nhất thuộc nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ôtô, công nghệ kỹ thuật cơ khí, điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, logistics, cơ điện tử, công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, khách sạn, du lịch, nhà hàng, ngôn ngữ Anh, luật... Đây đều là những ngành có tỉ lệ việc làm và lương cao.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay nhận được hồ sơ đăng ký xét tuyển của 32.753 thí sinh, trong khi trường chỉ có 6.680 chỉ tiêu (chưa tính 2 chương trình quốc tế do trường đối tác cấp bằng), tỉ lệ "chọi" tương đương với 1/5. Trong tổng số 17 tỉnh, thành có số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường cao nhất thì Hà Nội là địa phương dẫn đầu với 8.329 thí sinh (25,42%). GS-TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết trường nhận được hơn 17.500 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong khi chỉ tiêu của trường là 1.120 sinh viên. Theo ông Tú, ngành bác sĩ y khoa được thí sinh đăng ký nhiều nhất.

Theo Yến Anh

Người Lao Động