Hỗ trợ chi phí học tập: Kỳ vọng đổi thay đào tạo ngành sư phạm

Thời điểm này, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên (HS-SV) sư phạm. Cụ thể HS-SV sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Hỗ trợ chi phí học tập: Kỳ vọng đổi thay đào tạo ngành sư phạm - 1

Nhiều kỳ vọng trong đổi thay đào tạo ngành sư phạm. (Ảnh: Phạm Quang Vinh)

Theo các chuyên gia, Nghị định này nhằm mục đích gắn trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý từ đặt hàng đào tạo đến khâu tuyển dụng, bố trí việc làm sau khi SV tốt nghiệp. Từ đó mở ra những kỳ vọng đột phá trong đào tạo sư phạm lâu nay. 

Hỗ trợ trực tiếp cho người học

Theo ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch -Tài chính (Bộ GD&ĐT): Trước đây, chính sách không thu học phí được qui định tại Điều 77, Luật Giáo dục 1998, Điều 89 của Luật Giáo dục 2005. Chính sách này được thực hiện hơn 20 năm qua đã góp phần tích cực trong việc thu hút SV đăng ký vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, thực trạng trong thời gian qua SV ra trường không làm đúng ngành gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, kinh phí cấp chi thường xuyên cho cơ sở đào tạo sư phạm còn hạn chế trong khi các trường không được thu học phí, dẫn đến thiếu nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm.

Nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách này, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Giáo dục 2019 trong đó thay đổi phương thức hỗ trợ tiền cho HSSV sư phạm để đóng học phí cho nhà trường đồng thời quy định thêm chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho HSSV sư phạm để thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm, tránh trường hợp SV sư phạm ra trường không làm đúng ngành được đào tạo. Luật Giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực từ tháng 7 năm 2020. Để triển khai cụ thể các quy định tại Luật Giáo dục 2019, ngày 26/7/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg giao Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với HSSV sư phạm để hướng dẫn chi tiết khoản 4 Điều 85 của Luật này.

Mục tiêu của Nghị định quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho HSSV sư phạm để HSSV yên tâm học tập tốt không phải lo tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sẽ thu hút được SV giỏi vào học ngành sư phạm đồng thời xây dựng cơ chế đào tạo gắn với việc sử dụng SV sau tốt nghiệp nhằm tránh tình trạng SV sư phạm làm trái ngành và thừa thiếu giáo viên cục bộ đang diễn ra tại các địa phương trong thời gian qua.

Về mức hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng, ông Trần Tú Khánh phân tích: Nội dung chính tại dự thảo nghị định quy định chính sách hỗ trợ HSSV sư phạm, đó là học sinh SV sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Mức hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi HSSV sư phạm theo học nhưng tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ. Mức hỗ trợ sinh hoạt phí là 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường tương đương với mức hỗ trợ sinh hoạt phí của lưu học sinh Lào, Campuchia đang theo học tại Việt Nam. Như vậy, so với quy định hiện hành SV, học sinh sư phạm vẫn được hỗ trợ toàn bộ học phí chỉ thay thế phương thức cấp bù học phí sư phạm cho các cơ sở đào tạo thành kinh phí hỗ trợ học phí trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng, đồng thời theo quy định SV sư phạm sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí để bảo đảm cho mức sống tối thiểu và SV sư phạm yên tâm chuyên tu vào việc học. Qua khảo sát thực tế, mức sinh hoạt phí này đã phù hợp với thời điểm hiện tại và hàng năm được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng để phù hợp với mức lạm phát giá cả hàng hóa.

Ông Trần Tú Khánh cho hay, để đảm bảo việc đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng, dự thảo Nghị định cũng quy định về đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và các quy định cụ thể tại Nghị định này nhằm mục đích gắn trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý từ đặt hàng đào tạo đến khâu tuyển dụng, bố trí việc làm sau khi SV tốt nghiệp. Quy định về đặt hàng giúp hạn chế việc đào tạo tràn lan, đào tạo vượt nhu cầu sử dụng, khắc phục được tình trạng giáo viên thiếu, thừa cục bộ tại các địa phương. Đồng thời việc gắn trách nhiệm của địa phương sẽ giúp cho phương án thu hồi, hoàn trả kinh phí bồi hoàn thuận lợi và khả thi. 

Đẩy mạnh tự chủ đào tạo

Nhận định về dự thảo Nghị định nói trên, GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, đây là một trong các văn bản được các cơ sở đào tạo kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi mạnh mẽ việc đào tạo giáo viên, giúp các trường ĐH đào tạo giáo viên tăng cường tự chủ và nâng cao chất lượng.

Theo đó, trong nhiều năm qua, nhà nước đã hỗ trợ cho SV sư phạm thông qua cơ chế cấp ngân sách trực tiếp cho các trường đào tạo giáo viên và miễn học phí cho SV các ngành sư phạm. Chính sách này có mục đích thu hút thí sinh giỏi vào học các ngành sư phạm và đã có những đóng góp đáng kể trong việc đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, khi triển khai cũng có rất nhiều hạn chế cần khắc phục. Đơn cử như việc chưa thực sự thu hút được nhiều SV giỏi vào các ngành sư phạm như kỳ vọng; sự bao cấp cùng hạn chế về ngân sách nhà nước khiến mức kinh phí hỗ trợ thường thấp hơn mức đầu tư”cần thiết để đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng. Hơn thế, ngân sách cấp theo năm tài chính (cấp đầu năm), còn SV tuyển sinh theo năm học (giữa năm) cũng dẫn đến những bất cập trong tính toán kế hoạch. Việc hỗ trợ sư phạm tính theo quy mô tuyển sinh, khi quy mô tăng sẽ làm tăng tổng kinh phí hỗ trợ, ảnh hưởng đến cân đối chung. Ngược lại, khi quy mô đào tạo tăng, nhưng ngân sách hỗ trợ ổn định không tăng, thậm chí giảm (do ngân sách khó khăn), hệ quả là kinh phí đào tạo trung bình cho một SV giảm đi. Cùng với đó, việc cấp ngân sách hỗ trợ sư phạm trực tiếp cho các trường cũng phần nào làm giảm sự chủ động trong việc tìm kiếm thu hút sinh viên giỏi vào học các ngành sư phạm.

Phân tích về những tác động của dự thảo Nghị định nói trên-  nếu được thông qua, GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng: Khi phải đóng học phí, với tinh thần của người “sử dụng dich vụ”, chắc chắn SV sư phạm sẽ đòi hỏi nhiều hơn với các trường đào tạo giáo viên, từ chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo chất lượng. Mối quan hệ giữa nhà trường với sinh viên sẽ chuyển sang quan hệ đối tác bình đẳng. Việc nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người học cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các trường đào tạo giáo viên để thu hút được SV giỏi. Đồng thời tạo ra một mặt bằng pháp lý để cạnh tranh bình đẳng hơn giữa trường công, trường tư trong đào tạo giáo viên. Như vậy, các cơ sở đào tạo giáo viên sẽ phải đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của người học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Từ những nội dung mới trong Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với HSSV sư phạm, các chuyên gia kỳ vọng sẽ sớm khắc phục cơ bản tình trạng thừa thiếu giáo viên, tăng hiểu quả sử dụng ngân sách, gắn nhu cầu đào tạo với nhu cầu sử dụng, đảm bảo được nguồn kinh phí thực hiện chính sách đồng thời sử dụng nguồn ngân sách hỗ trợ đúng mục đích, hiệu quả.

Theo Dung Hòa

Đại Đoàn Kết