Giáo viên chỉ ra “bất ổn” trong đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn

(Dân trí) - “Bắt đầu từ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, đề thi môn Ngữ văn đã có một số thay đổi nhỏ: Rút gọn thời gian làm bài. Từ yêu cầu viết bài văn nghị luận xã hội, đề thi chuyển thành viết đoạn văn nghị luận xã hội từ một vấn đề đặt ra trong văn bản đọc hiểu. Tuy nhiên, giáo viên và học sinh vẫn chưa thực sự hiểu thấu đáo những yêu cầu khi viết đoạn văn”.

Trên đây là nhận xét của cô Lê Trần Diệu Thu, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Trần Quang Khải, Hà Nội. Xin trân trọng đăng tải bài viết của cô Diệu Thu, với mong muốn Bộ GD&ĐT lắng nghe để có thay đổi trong yêu cầu viết đoạn văn trong đề thi Ngữ văn, kỳ thi THPT quốc gia, sao cho phù hợp.

Đề yêu cầu viết đoạn văn: Chưa hợp lý

Viết đoạn văn là bước đầu tiên trong kĩ năng tạo lập văn bản nên thường được dạy ở phân môn Tập làm văn của chương trình cấp THCS.

Trong sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn lớp 8 tập 1 ban cơ bản, trang 36 định nghĩa: “Đoạn văn là đơn vị trực tiếp tạo nên văn bản, bắt đầu từ chữ viết hoa lùi đầu dòng, kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng và thường biểu đạt một ý tương đối hoàn chỉnh. Đoạn văn thường do nhiều câu tạo thành”.

Một văn bản thường được chia thành nhiều ý, mỗi ý được diễn đạt bằng một đoạn văn. Trong đoạn văn nghị luận, mỗi đoạn văn tương ứng diễn đạt một luận điểm, khi chuyển sang luận điểm khác thì người viết phải xuống dòng và chuyển đoạn.

Như vậy sẽ không có đoạn văn tồn tại độc lập mà phải đặt đoạn văn trong chỉnh thể một bài văn và liên kết với các đoạn văn khác. Đoạn văn chỉ diễn đạt một luận điểm, không thể yêu cầu đoạn văn diễn đạt và nghị luận về một vấn đề trọn vẹn. Khi đoạn văn đứng độc lập hoặc diễn đạt một vấn đề trọn vẹn thì phải gọi đó là “văn bản”.

Đề thi yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội là chưa đúng với khái niệm đoạn văn là gì mà SGK Ngữ văn lớp 8 đưa ra.
Đề thi yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội là chưa đúng với khái niệm "đoạn văn là gì" mà SGK Ngữ văn lớp 8 đưa ra.

Mặc dù theo kiến thức trong SGK, đoạn văn chỉ diễn đạt một vấn đề chưa trọn vẹn, tương đối hoàn chỉnh nhưng đề thi THPT quốc gia lại yêu viết "đoạn văn nghị luận xã hội". Điều này chưa thực sự phù hợp, thậm chí chưa đúng theo kiến thức của SGK lớp 8 đã đưa ra.

Là những giáo viên trực tiếp dạy Văn, chúng tôi thấy khó có thể yêu cầu học sinh viết một đoạn văn mà không biết bài văn nói về vấn đề gì, các đoạn văn khác có luận điểm như thế nào. Nó cũng chưa phù hợp bởi học sinh khó đưa ra được quan điểm đầy đủ.

Ngoài ra, việc viết đoạn văn là một bước trong kĩ năng tập làm văn ở cấp THCS để hướng tới kĩ năng làm bài văn hoàn chỉnh ở cấp THPT. Trong khi đó, đề thi lại yêu cầu viết đoạn văn đối với học sinh sau khi tốt nghiệp THPT là chưa đúng với chuẩn đầu ra của chương trình.

Đề thi tuyển sinh vào 10 tại Hà Nội, không yêu cầu viết đoạn văn đối với vấn đề nghị luận trọn vẹn mà chỉ quy định về dung lượng.
Đề thi tuyển sinh vào 10 tại Hà Nội, không yêu cầu viết đoạn văn đối với vấn đề nghị luận trọn vẹn mà chỉ quy định về dung lượng.

Nên thay đổi yêu cầu viết đoạn văn ở câu nghị luận xã hội

Trước những băn khoăn về yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội trong đề thi THPT vài năm gần đây, để học sinh có thể bày tỏ quan điểm trọn vẹn và đầy đủ, có kĩ năng tạo lập một văn bản trọn vẹn, theo tôi, nên yêu cầu học sinh viết một văn bản nghị luận, thay vì yêu cầu viết đoạn văn như đề thi gần đây.

Thực chất, một số tỉnh thành khác đã thực hiện rất tốt, nhưng với đề thi THPT ở cấp quốc gia, thiết nghĩ, cần có điều chỉnh phù hợp.

Chẳng hạn, đề thi tuyển sinh vào 10 tại Hà Nội, không yêu cầu viết đoạn văn đối với vấn đề nghị luận trọn vẹn mà chỉ quy định về dung lượng: “Hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về vai trò của gia đình trong cuộc sống chúng ta”. (Đề tuyển sinh vào 10, Sở GD-ĐT Hà Nội, 2018)

Đề thi tuyển sinh vào 10 tại TPHCM yêu cầu: “Từ một trong ba hình ảnh trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) bàn về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội ngày nay”. (Đề tuyển sinh vào 10, Sở GD ĐT TPHCM, 2018)

Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cần thống nhất giữa chương trình, SGK với kiểm tra đánh giá. Thống nhất giữa khái niệm đoạn văn, câu hỏi yêu cầu viết đoạn văn, với đáp án viết đoạn văn để giáo viên và học sinh có những định hướng rõ ràng. Những cách hiểu sai có thể ảnh hưởng đến việc dạy và học, và kết quả thi của học sinh trên cả nước.

Lê Trần Diệu Thu

(Giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Trần Quang Khải, Hà Nội)