Đổi mới thi THPT quốc gia: Nên tăng cường giảng viên ĐH tham gia chấm thi

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho rằng, phương án thi THPT quốc gia hiện tại về mặt tổng thể là ổn, cách thức thi, chấm thi nên duy trì như hiện nay và chỉ cần điều chỉnh một số biện pháp kỹ thuật.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, thời gian tổ chức thi cần giữ nguyên như những năm trước, từ ngày 24 – 27/6. Việc giữ nguyên thời gian tổ chức thi rất quan trọng để lịch học của các trường không bị xáo trộn vì các trường còn tổ chức kiểm tra học kỳ I, học kỳ II, ôn tập và còn liên quan đến tuyển sinh lớp 1, lớp 6 và nhất là lớp 10.

Ông Vĩnh cũng kiến nghị, với các môn thi trắc nghiệm nằm trong tổ hợp môn thì không trả lời chung một phiếu trắc nghiệm nữa mà tách ra các phiếu riêng. Lý do là nếu dùng chung phiếu thì không còn chỗ để làm phách nữa. Thêm nữa, nếu tách riêng ra phiếu của từng môn thì xong môn nào, giám thị sẽ thu bài thi của thí sinh để vào từng túi đựng bài thi riêng.

Đặc biệt, thí sinh sẽ không có cơ hội trao đổi bài trong thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi rồi bổ sung, chỉnh sửa trong thời gian làm bài của các môn sau; trên thực tế đã có hiện tượng như vậy. Chính vì vây, nên tách riêng phiếu trả lời trắc nghiệm các môn thành phần trong tổ hợp môn, xong môn nào là “khép” môn đó. Việc kết nối điểm giữa các môn để tính điểm bài thi tổ hợp cũng không phải là quá khó khăn và mất nhiều thời gian.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần có quy định tăng cường công tác giám sát khi chấm các bài thi trắc nghiệm; mỗi máy quét bài phải có thêm thanh tra từ các trường đại học hoặc thanh tra của Bộ.

Một giải pháp nữa là Bộ nên tăng cường lực lượng của các trường đại học tham gia công tác chấm thi. Không nhất thiết trường ĐH đóng chân trên địa phương nào thì tham gia công tác chấm thi ở địa phương đấy mà có thể điều động chéo từ các địa phương khác.

Về giải pháp chấm chéo giữa các địa phương, ông Nguyễn Đình Vĩnh cho rằng thực ra trước đây, Bộ cũng đã từng sử dụng hình thức này nên nếu có triển khai thực hiện thì cũng không có gì phức tạp. “Vấn đề là cần tính toán khoảng cách giữa các địa phương để có thể di chuyển bài thi hợp lý.

Tuy nhiên, hiện chúng ta chỉ có môn Ngữ văn là thi theo hình thức tự luận, đối với các môn trắc nghiệm, chấm chéo hay chấm tập trung, chấm tại chỗ thì kết quả cũng sẽ không có sự thay đổi gì vì đều là do máy chấm, chỉ cần tăng cường khâu thanh tra, giám sát là được” – ông Vĩnh nhận định.

Theo Hà Nguyên

Giáo dục & Thời đại