GS Phạm Phụ:

Đề xuất tăng học phí đại học khoảng 2,5 lần

(Dân trí) - Tại hội thảo Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học mới đây, GS Phạm Phụ đề xuất 5 kiến nghị về tài chính và các giải pháp liên quan để bổ sung vào dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, trong đó có đề xuất tăng học phí đại học khoảng 2,5 lần.

Tại hội thảo Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức tại TP.HCM mới đây, GS Phạm Phụ, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng Luật Giáo dục ĐH hiện nay gần như thiếu hẳn các điều luật có liên quan đến khía cạnh tài chính.

Trong khi đó, giáo dục ĐH trên thế giới suốt 30-40 năm qua vấn đề cải cách tài chính lại gần như là một “mẫu số chung” và vấn đề hàng đầu trong mọi công cuộc cải cách giáo dục.

GS Phạm Phụ tại hội thảo Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ ĐH ​
GS Phạm Phụ tại hội thảo Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ ĐH ​

Theo ông, cần bổ sung vào luật để từng bước tăng suất đầu tư cho sinh viên mỗi năm. “Việt Nam không thể đặt vấn đề là đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa mà lại có suất đầu tư ở giáo dục ĐH quá thấp”, GS Phụ nhấn mạnh.

Theo ông, hiện tại, mức đầu tư này ở Việt Nam quá thấp, chỉ khoảng 1.000 USD/năm trong khi ở Mỹ 22.000 USD (năm 2004-2005), các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) 12.000 USD/năm, hay Đài Loan 7.000 USD. GS Phạm Phụ đề xuất “Việt Nam hiện có GDP/đầu người khoảng 2.300 USD/đầu người, nên tăng mức đầu tư này lên khoảng 2.100 USD/sinh viên/năm”.

GS Phạm Phụ cho rằng, để tăng mức đầu tư này cần phải tăng trách nhiệm của người học ĐH. Do đó kiến nghị thứ hai của ông là thực hiện nguyên tắc người học và gia đình chủ yếu phải gánh chịu chi phí ở giáo dục ĐH. Theo ông, ở các ĐH công lập Việt Nam hiện nay, tỉ lệ từ ngân sách nhà nước chiếm đến 45-50% của suất đầu tư. Phần ngân sách dành cho giáo dục đã ở mức 20% của tổng ngân sách nhà nước, nghĩa là khá cao, có lẽ không còn “dư địa” để tăng ngân sách cho giáo dục ĐH. Vì vậy, nên bỏ khoản 2 điều 12 "Tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH".

GS Phạm Phụ đề xuất 5 kiến nghị cho Luật giáo dục ĐH
GS Phạm Phụ đề xuất 5 kiến nghị cho Luật giáo dục ĐH

Giải pháp của vấn đề này chính là tăng học phí lên khoảng gần 2,5 lần hiện nay. “Tóm lại, cần phải đổi mới căn bản tư duy về học phí của sinh viên ở ĐH, không thể nói "học phí tùy mức thu nhập của dân chúng". Đề nghị bổ sung điều luật: "Từng bước tăng học phí sinh viên ở giáo dục ĐH, để đến năm 2024-2025, đóng góp của người học và gia đình trong suất đầu tư có tỉ lệ vào khoảng 50-55%", GS Phụ kiến nghị.

Khi đó, kiến nghị thứ ba chính là cần phát triển các quỹ cho sinh viên vay vốn để đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục ĐH. Ông Phụ cho rằng ở Việt Nam đã có quỹ cho sinh viên vay vốn nhưng quy mô còn rất nhỏ, chưa đủ chi trả chi phí học phí mức thấp hiện nay. Do đó, khi nền giáo dục ĐH có quy mô lớn đồng thời với việc tăng học phí lên đòi hỏi cũng phải mở rộng quy mô của quỹ này lên.

Từ đó đề nghị bổ sung điều luật: “Sớm nghiên cứu để lập các quỹ cho sinh viên vay vốn với nhiều mục đích khác nhau, có quy mô tương đối lớn để đảm bảo công bằng xã hội khi tăng học phí, trong bối cảnh quy mô hệ thống giáo dục ĐH đã đủ lớn”.

“Nhà nước nên có nhiều quỹ cho vay, thậm chí nhà nước có thể đi vay quốc tế để lập quỹ này. Điều này còn tăng trách nhiệm với sinh viên thay vì gia đình như hiện nay”, GS Phạm Phụ nói.

Ở kiến nghị thứ năm, GS Phạm Phụ cho rằng luật cần bổ sung việc nhanh chóng mở rộng quy mô giáo dục ĐH ngoài công lập. Theo ông, ở Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu này từ năm 2005, nhưng từ đó đến nay tỉ lệ sinh viên ĐH tư thục trong tổng số sinh viên vẫn chỉ quanh quẩn ở mức 14-15%, không tăng lên được. Lý do của tình hình này có lẽ một mặt do Nhà nước thiếu những chính sách khuyến khích phát triển các ĐH tư thục như chính sách cấp đất, miễn thuế, tài trợ sinh viên ĐH tư thục...

Mặt khác Nhà nước còn buông lỏng quản lý ở ĐH tư thục và còn có nhiều điều luật mù mờ về ĐH tư thục, như khoản 7 điều 4 về ĐH tư thục không vì lợi nhuận, về "tài sản chung không chia"...

Ông đề nghị cần bổ sung điều luật: "Sớm có những chính sách và quy chế hợp lý để tăng số sinh viên ở ĐH tư thục lên đến 40% trong tổng số sinh viên ĐH vào năm 2024-2025".

Ở kiến nghị thứ năm, GS Phụ cho rằng cần phải thí điểm phát triển loại hình ĐH tư thục có mức lợi nhuận thích hợp và ĐH công tư phối hợp. Ông cho rằng thị trường giáo dục ĐH có đặc điểm là “thông tin bất đối xứng”, mà người mua thường được biết rất ít và cũng khó đánh giá về loại hàng hóa mà họ đang mua. Theo GS Phụ, thị trường như vậy thương được gọi là “thị trường của niềm tin” hay thị trường của vận may.

Trong một thị trường như thế thì tốt nhất là phát triển các ĐH tư thục không vì lợi nhuận. Tuy nhiên ở Việt Nam chưa có truyền thống cho tặng trong giáo dục ĐH. Vì vậy ít ra trong khoảng 15-20 năm nữa, chắc rằng nước ta chưa thể có ĐH tư thục không vì lợi nhuận đúng nghĩa.

GS Phụ cho biết, gần đây trên thế giới còn có loại hình ĐH công tư phối hợp (Public-private partnership - PPP). Thiết nghĩ, ở Việt Nam, Nhà nước với quỹ đất công của mình có thể vận dụng mô hình này để phát triển nhanh chóng loại hình ĐH tư thục có mức lợi nhuận thích hợp ở dạng PPP.

Lê Phương