Thanh Hóa:

Đăng ký thi THPT quốc gia: Nhiều học sinh "né" môn Lịch sử

(Dân trí) - ​Đến thời điểm này, hầu hết các thí sinh đã đăng ký thi THPT quốc gia 2016. Trong đó, tại nhiều trường THPT, học sinh “né” đăng ký môn Lịch sử để xét tốt nghiệp vì cho rằng, môn Lịch sử khó kiếm điểm hơn các môn khác.

Chủ động hướng nghiệp cho học sinh

Đến thời điểm này, các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang bước vào giai đoạn “nước rút” trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016 sắp tới. Hiện các trường đang nhận hồ sơ về cho học sinh đăng ký dự thi. Việc lựa chọn trường, ngành học với học sinh không còn thụ động như những năm trước đây do học sinh đã được định hướng và tư vấn từ trước.


Trường THPT Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) trắng thí sinh chọn môn Lịch sử thi xét tốt nghiệp THPT.

Trường THPT Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) "trắng" thí sinh chọn môn Lịch sử thi xét tốt nghiệp THPT.

Thầy Trịnh Bá Phòng - Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Nhà trường đã tổ chức hướng nghiệp cho học sinh nếu có khả năng theo học thì mới đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Còn những học sinh không có điều kiện, khả năng thì nên học nghề và tìm kiếm việc làm sau khi hết THPT”.

Việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016 đã được nhà trường thực hiện ngay từ đầu năm học. Cùng với việc giáo viên và phụ huynh tích cực trong công tác định hướng nghề nghiệp, các em còn có thêm cơ hội tiếp cận thông tin qua các đơn vị về tại trường tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Trong đó, cả những học sinh lớp 11 cũng được nhà trường tổ chức cho tiếp cận những thông tin để các em có đinh hướng từ xa.

“Thông qua các tài liệu hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, nhà trường cho giáo viên học phổ biến những điểm mới của kỳ thi so với năm trước. Cho học sinh đăng ký mua quy chế tuyển sinh và định hướng để các em chọn môn tự chọn trên cơ sở khả năng, sở trường để các em thi đạt kết quả cao. Trên cơ sở được định hướng nghề nghiệp, khi làm hồ sơ, học sinh bắt đầu chọn ngành với sự hỗ trợ của giáo viên cho các em để học sinh phát huy được năng lực của mình. Hơn nữa, các bảng biểu, chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường cũng đã được nhà trường thu thập và phổ biến đến học sinh. Đến thời điểm này, hầu hết học sinh thi môn nào đã được các em chọn lựa kỹ càng rồi”, thầy Phòng cho biết thêm.

Một trong những thực tế tại nhiều trường ở khu vực miền núi là tỷ lệ học sinh đăng ký xét tuyển tốt nghiệp luôn cao hơn tỷ lệ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Theo thầy Phòng cho biết, sở dĩ có sự chênh lệch đó là vì nhà trường quan tâm hướng nghiệp vì điều kiện của học sinh miền núi không như miền xuôi. Có những trường hợp học sinh có điều kiện học lên nhưng không đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ vì qua tìm hiểu các em cho biết nếu xét tuyển đậu cũng không có điều kiện vào học và ra trường không biết xin việc vào đâu.

Đăng ký thi THPT quốc gia: Nhiều học sinh "né" môn Lịch sử - 2

Còn thầy Trần Hữu Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lai, huyện Ngọc Lặc cho biết, về vấn đề tỷ lệ giữa xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ ở các trường miền núi có sự chênh lệch là vì số học sinh đạt yêu cầu không đến mức nên định hướng cho các em học nghề và tìm kiếm việc làm. Theo đánh giá của thầy Hải, hiện nay, nhiều trường ĐH, CĐ còn có phương án xét tuyển dựa trên kết quả học tập 3 năm học phổ thông nên các em đậu tốt nghiệp vẫn có cơ hội học lên.

Hàng năm, Trường THPT Lê Lai thực hiện định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu năm học và trong nhiệm vụ năm học. Hơn nữa, học sinh cũng được học môn giáo dục hướng nghiệp trong chương trình. Ngoài ra, điều thuận lợi với học sinh là được sự hỗ trợ của đội ngũ cựu học sinh cũng rất quan tâm nên các em có sự lựa chọn đúng đắn hơn.

“Né” Lịch sử, chọn Địa lý

Kỳ thi THPT quốc gia 2016, Trường THPT Ngọc Lặc có 414 học sinh đăng ký dự thi. Trong đó có 215 học sinh đăng ký xét tốt nghiệp và 199 học sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Qua tổng hợp đăng ký thi THPT quốc gia 2016 của nhà trường, đối với môn tự chọn, hầu hết thí sinh đăng ký thi môn Địa lý. Trong đó, các môn Vật lý, Hóa học và Lịch sử “trắng” thí sinh đăng ký.

Tại Trường THPT Thường Xuân 2, huyện Thường Xuân, con số thí sinh đăng ký xét tốt nghiệp chọn môn Lịch sử có nhỉnh hơn một chút với 5 thí sinh đăng ký. Bên cạnh đó, đối với môn Vật lý và Hóa học cũng không có thí sinh nào chỉ xét tốt nghiệp của nhà trường đăng ký dự thi.

Còn tại trường THPT Lê Lai, huyện Ngọc Lặc, theo số liệu đăng ký các môn thi THPT quốc gia 2016 của nhà trường, thì hầu hết các môn thi tự chọn để xét tốt nghiệp đều có học sinh đăng ký, trong đó, có 45 em chọn môn thi Lịch sử. Theo thầy Trần Hữu Hải, có được con số đó là nhờ công tác tuyên truyền, vận động của nhà trường đến học sinh.

Cô Nguyễn Thị Na, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3 - Trưởng nhóm Lịch sử, Trường THPT Thường Xuân 2 chia sẻ: “Nhà trường có tổng 28 học sinh đăng ký thi môn Lịch sử, trong đó có 5 học sinh đăng ký xét tốt nghiệp môn bằng môn Sử. Vấn đề học sinh không chọn môn Lịch sử là vấn đề lâu nay người ta cũng bàn nhiều rồi. Lý do cũng có rất nhiều, đối với mình ở trường miền núi, học sinh chọn môn Địa lý nhiều hơn, bởi vì thực ra môn Sử khó hơn so với môn Địa. Nhiều năm trở lại đây, do đặc thù các trường thi, nhu cầu của xã hội thì học sinh chọn khối C ít, vì học sinh thi khối C thì mới chọn môn Sử là môn thi tự chọn thôi”.

Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2015
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2015

“Với vai trò là trưởng nhóm Lịch sử và trực tiếp đứng lớp, tôi thấy ở trường miền núi của mình thì số này không nhiều nhưng so với trường miền xuôi vẫn là đông. Bởi vì đặc thù của học sinh miền núi là yếu các khối khác nên dẫn đến tình trạng chọn khối C. Xét một cách đúng nghĩa, môn Sử không nhàm chán, không khô khan và cũng không phải là môn khó đến mức mà không thể học được. Hơn nữa, những năm gần đây, đề thi có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho thí sinh, rất tích cực. Hc sinh không phải học một cách máy móc vẫn có thể tư duy để làm bài thi. Trước thực trạng môn học, đôi khi tôi cũng rất trăn trở”.

Em Lò Kim Thúy, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Thường Xuân 2 chia sẻ: “Em rất thích học môn Lịch sử, ngày trước giữa thi học sinh giỏi môn Văn và môn Sử thì em quyết định chọn môn Sử vì em thích học Sử hơn. Em đã quyết định rồi, không hối hận với lựa chọn của mình vì môn Sử em học được hơn môn Địa”.

Duy Tuyên