Chính thức có thêm cơ sở đào tạo ngành Báo chí trình độ đại học

(Dân trí) - Năm 2016, sau 5 năm chuẩn bị dưới hình thức đào tạo chuyên ngành Viết báo (thuộc ngành Sáng tác Văn học), trường ĐH Văn hóa Hà Nội đã chính thức được phép tuyển sinh và đào tạo ngành Báo chí ở trình độ đại học.

Với hướng đào tạo chuyên sâu được xác định là đào tạo báo chí-truyền thông cho lĩnh vực văn hóa văn nghệ, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội sẽ góp thêm nguồn nhân lực cho lĩnh vực báo chí truyền thông.

Qua khảo sát thực tế, nhu cầu xã hội và nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực Báo chí - Truyền thông tập trung vào một số đối tượng: Nhân lực là phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên…hoạt động trong các tòa soạn báo (báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử), các tổ chức truyền thông… Đây là lực lượng đông đảo nhất, chiếm vai trò quan trọng trong hoạt động báo chí - truyền thông. Nguồn nhân lực phục vụ cho ngành “công nghiệp truyền thông” (quảng cáo, PR, Makerting…), và nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về báo chí - truyền thông.


Sau 5 năm chuẩn bị, trường ĐH Văn hóa Hà Nội chính thức mở chuyên ngành đào tạo Báo chí.

Sau 5 năm chuẩn bị, trường ĐH Văn hóa Hà Nội chính thức mở chuyên ngành đào tạo Báo chí.

Cùng với sự đa dạng các loại hình báo chí hiện đại, đặc biệt là sự bùng nổ của báo mạng điện tử - truyền thông đa phương tiện đã khiến hệ thống báo chí không ngừng được mở rộng qui mô và tốc độ phát triển mau lẹ, tuy nhiên cũng dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát nguồn tin cũng như chất lượng thông tin.

Vì vậy lực lượng này sẽ đảm nhận công việc của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin - truyền thông với các nghiệp vụ như: xây dựng và triển khai việc thực hiện Luật báo chí trong thực tế, giám sát hoạt động tòa soạn, cơ quan báo chí truyền thông; xử lý và hướng dẫn xử lý những sai phạm trong việc thực hiện Luật báo chí...

Nhân lực làm công tác nghiên cứu và giảng dạy về báo chí-truyền thông: Các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy ở các Trường, Trung tâm, cơ sở đào tạo nghiệp vụ rất cần những người nghiên cứu/giảng dạy có kiến thức vừa tổng hợp mang tính lý thuyết, vừa có khả năng tác nghiệp báo chí hoặc tham gia hoạt động truyền thông trong thực tế. Đội ngũ này hiện nay đã được tăng cường về số lượng và không ngừng nâng cao về chất lượng, song vẫn luôn cần được bổ sung, rà soát để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực do thực tế đòi hỏi, hiện nay đào tạo báo chí trên thế giới không chỉ hướng tới việc đào tạo bậc đại học (cử nhân báo chí) mà còn đào tạo ở các bậc học cao hơn như Thạc sĩ, Tiến sĩ dưới nhiều hình thức đào tạo khác nhau như chính quy tập trung, đào tạo từ xa.

Tuy nhiên, xu thế chung của ngành báo chí - truyền thông hiện nay là phát triển thành các tổ hợp truyền thông đa loại hình, đa chức năng, đa phương tiện, đòi hỏi người học không chỉ được trang bị kiến thức nền tảng vững chắc mà còn phải có kỹ năng chuyên sâu tinh thông về một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của mình.

Vì vậy, tính chuyên môn hóa là một trong những lí do cơ bản để các cơ sở đào tạo đa dạng hóa sản phẩm đào tạo của mình, đặc biệt là ở những nước tiên tiến có ngành công nghiệp truyền thông phát triển cao.

Bên cạnh các khóa học đào tạo chuyên sâu về một lĩnh vực của truyền thông như báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử, quảng cáo, PR..., các khóa đào tạo “kép”, kết hợp báo chí truyền thông với một ngành khoa học xã hội khác như xã hội học, tâm lí, kinh tế, luật, hay nhân loại học…cũng phát triển mạnh mẽ. Những khóa học này thể hiện tính liên ngành của truyền thông với các ngành khoa học khác trong xã hội.

Ở Việt Nam, đào đạo báo chí - truyền thông những năm gần đây đã có bước những phát triển đáng kể và không ngừng được đa dạng hóa, chuyên môn hóa nhằm bắt kịp xu hướng chung của báo chí - truyền thông thế giới cũng như đòi hỏi thực tế nguồn nhân lực trong nước.

Tuy nhiên nhìn trong mặt bằng chung với nhiều nước trên thế giới, việc đào tạo ngành học mang tính thực tế và ứng dụng cao này ở Việt Nam vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Việc đào tạo các chuyên ngành sâu theo hướng chuyên nghiệp bắt kịp với xu thế phát triển chung của thế giới cần được chú trọng, nhất là đối với mảng đào tạo báo chí về văn hóa nghệ thuật.

Trước yêu cầu đào tạo chuyên sâu của báo chí hiện đại, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã lựa chọn một hướng đi riêng, dựa trên thế mạnh là bề dầy kinh nghiệm đào tạo viết văn - báo chí và văn hóa nghệ thuật. Tuy là đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo ngành Báo chí khá muộn, nhưng đó là sự chuẩn bị cần thiết để có những bước đi chắc chắn hơn.

Hương Việt