Cá tính bản thân được đưa vào đề thi học sinh giỏi Quốc gia môn Văn

Đề thi học sinh giỏi Quốc gia môn Văn năm nay đã đề cập tới cá tính của bản thân cũng như sự sáng tạo trong văn học ở thời đại mới.

Ngày 13/1, kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia đã chính thức diễn ra trên phạm vi toàn quốc với 12 môn thi. Đề thi học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn năm 2019 vẫn giữ nguyên cấu trúc gồm 2 câu: nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Theo đó, đề thi môn Ngữ văn năm nay được đánh giá là hay, phù hợp với năng lực của học sinh giỏi. Trong đó, cả 2 câu trong đề thi đều mang hướng mở. Cụ thể, câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh bàn về cá tính bản thân, trong khi câu nghị luận văn học lại bàn về sự sáng tạo trong văn học là độc quyền của con người.

Cụ thể:

Câu 1 (8 điểm): “Hãy để tâm đến tiếng nói nội tâm nhỏ bé nhưng bền vững trong bạn hơn là những tiếng nói ồn ào, náo loạn từ bên ngoài”.

Anh/chị hãy bình luận ý kiến trên?

Câu 2 (12 điểm): “Rồi đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó, sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người"?

Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày quan điểm của mình.

Cá tính bản thân được đưa vào đề thi học sinh giỏi Quốc gia môn Văn - Ảnh 1.

Đề thi môn Văn kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm 2019.

 

Nhận định về đề học sinh giỏi Quốc gia môn Văn năm nay, em Bùi Thùy Dung (đội tuyển Văn, THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, Kiên Giang) chia sẻ: “Em thấy đề thi năm nay khá mở, cả 2 câu em đều tận dụng tối đa thời gian 180 phút làm bài. Trong 2 câu thì em tâm đắc với câu nghị luận văn học hơn vì đề khá mới và lạ. Tuy nhiên, đề thi rộng quá nên em nghĩ mình còn nhiều thiếu sót. Dù sao đây cũng lần cuối thi học sinh giỏi nên em cũng viết hết khả năng của mình”.

Theo thầy Trịnh Quỳnh (giáo viên môn Ngữ Văn tại Nam Định), đề thi học sinh giỏi Quốc gia môn Văn năm 2019 hay, hấp dẫn, thiết thực với người học. Theo đó, câu nghị luận xã hội đòi hỏi học sinh xác định được thông điệp về cá tính của bản thân, sự khác biệt và niềm tin vào chính mình.

“Có thể thấy, thông điệp này không mới nhưng vẫn mang tính chất thời sự. Với yêu cầu này của đề, học sinh có thể làm tốt và khai thác được nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề”, thầy Quỳnh cho biết.

TS. Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội) cho rằng, câu nghị luận văn học trong đề thi năm nay khá mới mẻ khi bàn về vai trò cá tính sáng tạo của nhà văn trong quá trình sáng tác.

“Để làm rõ vấn đề nghị luận, học sinh cần chứng minh qua thực tế sáng tạo văn học. Chẳng hạn, cùng một đề tài, mỗi tác giả có hướng khai thác, cảm nhận, góc nhìn và cách thể hiện khác nhau. Đó là điều mà không công nghệ nào có thể thay thế. Hay, cùng một tác giả, một đối tượng thẩm mĩ, nhưng vẫn có những sản phẩm văn chương khác nhau do sự trải nghiệm, tâm thế, hoàn cảnh sáng tác…”, cô Tuyết chia sẻ.

Bởi vậy, theo cô Tuyết, cá nhân mỗi nhà văn, với trải nghiệm, tài năng, trí tuệ riêng sẽ tạo ra cá tính sáng tạo cho văn chương. Từ đó, nhà văn sẽ tạo nên những sản phẩm tinh thần mang giá trị thẩm mĩ không lặp lại.

Cũng theo cô Tuyết, với yêu cầu của đề, học sinh có thể vận dụng linh hoạt những kiến thức xã hội, đời sống, kiến thức lí luận văn học, kiến thức văn học... Mặt khác, học sinh cũng được tự do thể hiện cá tính sáng tạo của bản thân thông qua đề Văn năm nay.

Theo CTV Phan Đăng Mạnh

VOV