Bạc Liêu: Ưu tiên việc đầu tư các trường liên cấp quốc tế chất lượng cao

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Trong kế hoạch huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Bạc Liêu ưu tiên việc đầu tư các trường mầm non, tiểu học, phổ thông liên cấp quốc tế chất lượng cao.

Trong kế hoạch tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh này phấn đấu 5 năm tới có 13/95 trường Mầm non ngoài công lập (tăng 3 trường, so với trường Mầm non trong tỉnh), tương ứng có 4.000 em theo học.

Trường Tiểu học ngoài công lập có 4/123 trường (tăng 2 trường), tương ứng với số học sinh theo học là hơn 1.200 em; trường THCS ngoài công lập đạt 2/64 trường (tăng 2 trường), tương ứng với số học sinh theo học khoảng 800 em.

Còn trường THPT ngoài công lập đạt 1/21 trường (tăng 1 trường), tương ứng với 400 em học sinh theo học.

Bạc Liêu: Ưu tiên việc đầu tư các trường liên cấp quốc tế chất lượng cao - 1

Một trường THCS ở tỉnh Bạc Liêu.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh từng bước xây dựng, ban hành chính sách về đảm bảo quyền lợi của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập.

Rà soát các chính sách thuế, đất đai, đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa quy trình thủ tục cho nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

“Ưu tiên việc đầu tư các trường mầm non, tiểu học, phổ thông liên cấp quốc tế chất lượng cao”, kế hoạch của tỉnh Bạc Liêu nêu rõ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trong việc công khai mức học phí, tài chính và cam kết chất lượng theo quy định.

Tỉnh cũng đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập nhằm thu hút sự đóng góp, tài trợ của các cá nhân, tổ chức dưới các hình thức khác nhau, trong đó chú trọng giải pháp ban hành giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình phù hợp tình hình thực tế tại địa phương trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục.

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các địa phương rà soát, sắp xếp, bố trí mạng lưới trường lớp trên địa bàn đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành, vừa đảm bảo nhu cầu học tập của người dân; trong đó, thực hiện việc sáp nhập các trường có quy mô nhỏ theo hướng không tiếp tục phát triển mở rộng các cở sở giáo dục công lập mà cần đầu tư có trọng điểm, dành ngân sách nhà nước cho các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc một số cơ sở giáo dục trọng điểm.