Hành trình phát triển trí não của trẻ theo từng giai đoạn

Khi chào đón một đứa trẻ chào đời, người làm cha làm mẹ nào cũng mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất, từ môi trường đến dinh dưỡng cho thiên thần bé bỏng của mình. Một đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh, sáng dạ là niềm tự hào của mỗi ông bố bà mẹ.

Giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi

Loạt 3 bài viết về hành trình phát triển trí não của trẻ, dưới những chia sẻ của GS. TS Hoàng Trọng Kim (Chủ tịch hội Nhi khoa Tp HCM) sẽ là bức tranh rõ ràng về từng bước phát triển và biểu hiện trí khôn của trẻ qua từng cột mốc vàng. Kì 1 của loạt bài viết sẽ nói đến các biểu hiện phát triển trí não của trẻ trong cột mốc vàng từ 1 đến 3 tuổi.

Từ khi vừa ra đời đến 12 tháng tuổi, bộ não của trẻ sẽ diễn ra những biến chuyển cực kì quan trọng, được ví như từ một tờ giấy trắng sẽ bắt đầu có những màu sắc chấm phá đầu tiên cho bức tranh hoàn chỉnh sau này. Khi bé được 1 tuổi, não bé đã bằng 70% kích thước não người lớn. Bé ở độ tuổi này cũng là lúc mà các bậc cha mẹ “triệt để” khoe con. Trong khi có những bà mẹ hớn hở gặp ai cũng kể rằng hôm nay con mình mới có 1 tuổi mà đã biết gọi cả ba, mẹ, ông bà và cả xe… 2 tuổi rưỡi đã biết đếm từ 1 đến 15 thì tất nhiên cũng có những bà mẹ âm thầm lo lắng vì tại sao chú bé một tuổi rưỡi nhà mình mãi chưa gọi được chính xác tên mắt, mũi, miệng…

Thật ra, không có một chuẩn nào cụ thể và chính xác cho sự phát triển trí não của bé, nhất là trong điều kiện dinh dưỡng ngày càng được cải thiện và chất lượng sống ngày càng được nâng cao, giúp cha mẹ có thể chăm sóc và nuôi dạy con tích cực hơn. Để tránh những lo lắng không cần thiết, cũng như để chuẩn bị cho bé sự động viên, hướng dẫn, giúp bé phát triển trí não một cách tốt nhất, các ông bố bà mẹ nên nắm được các cột mốc, thời điểm phát triển trí não vàng của con, với những biểu hiện trí tuệ đa dạng nhưng không phải là không dễ nhận biết. Các cột mốc phát triển này có thể thay đổi so với từng bé, nhưng đó đã là một trong những công trình nghiên cứu của khoa học, vì vậy bố mẹ có thể đối chiếu và phân biệt được.

Trong cột mốc từ một đến hai tuổi, bé sẽ bắt đầu tự thích xúc ăn bằng muỗng, biết leo cầu thang, thích đi xe đạp 3 bánh dù bé chưa tự đạp được. Cũng trong thời gian này, khả năng phối hợp tay và mắt của bé phát triển, bé thích ném bóng, biết lật từng trang sách, biết tự cởi giày và nếu được mẹ hướng dẫn, bé sẽ biết tự rửa tay. Bạn cũng đừng la lên khi bé vớ được một mẩu sáp màu và bắt đầu vẽ những “tác phẩm hội họa” đậm chất trừu tượng của mình ở tất cả những nơi bé có thể như tường nhà, tài liệu của ba mẹ, mặt của búp bê. Khả năng sáng tạo, tưởng tượng và tập trung của bé cũng bắt đầu phát triển trong thời gian này. Bé cũng sử dụng được thành thạo khoảng 40 từ ngữ, biết gọi tên đồ vật, bộ phận cơ thể. Đây chính là thời điểm người lớn trong nhà “cưng” bé nhất, vì bé ham học hỏi, có thể bám theo người lớn cả ngày chỉ để nhắc lại những từ ngữ mà mọi người thường nói với vẻ háo hức, thích thú rất ngộ nghĩnh.

Từ 1 tới 2 tuổi, bé bắt đầu tự xúc ăn bằng muỗng

Từ 1 tới 2 tuổi, bé bắt đầu tự xúc ăn bằng muỗng

Khi bé ở trong cột mốc 2-3 tuổi, sự phát triển trí não của bé càng dễ nhận biết hơn. Đó là vào một ngày đẹp trời, ba mẹ nhận ra bé có thể tự cầm chén muỗng ăn cơm, dù còn vung vãi nhưng bạn cứ để yên cho bé trổ tài. Ở tầm tuổi này bé thích vận động, ham leo trèo, thích tự mặc quần áo, tự gài nút. Bé cũng nhận biết màu sắc chính xác hơn, biết đếm số, có thể học thuộc số điện thoại nhà mình dù là học vẹt. Thời điểm này các bà mẹ hãy chú ý đến vấn đề giao tiếp của bé: bé sẽ rất thích nói chuyện, nghe kể chuyện, hát và thích kể lại cho người thân nghe về các trò chơi bé đã chơi hoặc học trong ngày. Thời điểm này bé bắt đầu nhận biết được thái độ, cảm xúc của người đối diện như là buồn, vui, hoặc giận dữ.

Ở tầm tuổi này, bé thích xem sách nhiều hơn và thích nghe người lớn kể chuyện

Ở tầm tuổi này, bé thích xem sách nhiều hơn và thích nghe người lớn kể chuyện

Ngày nay, để chăm con tốt và phát huy tối đa tiềm năng trí não của bé, việc nắm rõ các mốc phát triển vàng của bé là một bước chuẩn bị vô cùng quan trọng, vì đây là công cụ đánh giá mang tính khoa học đã được nghiên cứu từ các bác sĩ chuyên khoa và áp dụng rộng rãi. Khi hiểu được các cột mốc vàng, mẹ sẽ có những biện pháp kích thích trí não bé thích hợp, từ các bài tập, và từ chế độ dinh dưỡng sao cho bé phát triển toàn diện nhất, học hỏi nhanh và ghi nhớ tốt nhất. Mẹ có thể tham khảo website www.iqbaby.com.vn để đánh giá mức độ phát triển trí não của con, thực hiện những bài kiểm tra, phác hoạ biểu đồ tăng trưởng của chính con mình, cũng như tham khảo các phương pháp dinh dưỡng, vui chơi hợp lí giúp kích thích tư duy của bé. Đặc biệt trong những năm tháng đầu đời, dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng, không những giúp trẻ phát triển thể chất mà còn làm nền tảng, cung cấp năng lượng cũng như dưỡng chất kích thích các tế bào thần kinh hoạt động. Chính vì vậy, mẹ cần chú ý đảm bảo một hệ dưỡng chất toàn diện, bao gồm tất cả những dưỡng chất cần thiết nhất để bé tăng cường khả năng học hỏi nhanh, ghi nhớ tốt. Sữa công thức là một yếu tố cần thiết song hành cùng bữa ăn hàng ngày, giúp hỗ trợ hiệu quả cho hệ dưỡng chất toàn diện mà mẹ luôn cố gắng dành cho bé, do đó mỗi ngày mẹ cần cung cấp 2 đến 3 ly sữa công thức ngay từ khi bé còn nhỏ sẽ tối đa hoá trí tuệ tươi sáng và nhanh nhẹn của bé trong tương lai.

Huyền Trang


Huyền Trang