Điều trị thành công ca bướu giáp nhân thòng phức tạp, hiếm gặp

Ca phẫu thuật do êkip bác sĩ bệnh viện FV thực hiện thành công đã giúp ông Ông Khm Um Narin (83 tuổi, người Campuchia) thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần” trong tình trạng bệnh đã rất nguy kịch kèm nhiều nguy cơ…

Ông Khm Um Narin được người nhà đưa nhập viện với triệu chứng thở khó kèm với tình trạng suy nhược nặng. Sau khi hàng loạt các kỹ thuật chuyên môn và hội chẩn, BS Gerard Desvignes (Trưởng khoa Ngoại tổng quát), và BS Phan Văn Thái đi đến kết luận: Bệnh nhân bị bướu giáp nhân thòng - Một  dạng khối u của tuyến giáp phát triển lớn vào trong lồng ngực.
 

Khối u có kích thước đường kính gần 10cm,  xuất phát từ thùy phải tuyến giáp, gần như toàn bộ khối u nằm sâu trong lồng ngực, đẩy khí quản lệch hẳn qua bên trái và chèn ép khí quản đã khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng khó thở thường xuyên, tăng dần và kéo dài suốt 5 tháng qua, đã khiến ông Narin suy yếu rất nhanh. Không chỉ thế, ông Narin còn mắc nhiều bệnh kèm theo: Huyết áp, suy thận, thiếu máu mãn tính, suy tuần hoàn não…

 
Êkip BS của bệnh viện FV kết luận: Đây là một ca khó và hiếm gặp, lại ở bệnh nhân có nhiều nguy cơ. Tuy nhiên, nếu không phẫu sẽ có khả năng nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Và chỉ định cuối cùng là phẫu thuật để điều trị đã được đưa ra.
 
Sau 5 ngày nhập viện để chuẩn bị, ông Narin đã được Bác sĩ Phan Văn Thái phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp có chứa khối u một cách an toàn nhất. Tình trạng chèn ép khó thở được cải thiện hoàn toàn, ông Narin đã được xuất viện sau 10 ngày phẫu thuật. Tình trạng sức khỏe với tiên lượng  rất khả quan: ăn uống tốt, nói chuyện và thở bình thường, đi lại tốt.
 
BS Phan Văn Thái đang
BS Phan Văn Thái đang xem xét về chuyên môn ca bệnh của ông Khm Um Narin

 

Nói thêm về trường hợp này, BS Phan Văn Thái cho biết: “Tôi thật sự  vui mừng khi ca phẫu thuật thành công. Không chỉ có êkíp phẫu thuật trực tiếp thực hiện “tròn vai” mà quan trọng hơn, ở sự chuẩn bị của  những bác sĩ khoa nội đã phải có liệu trình nâng đỡ sức khỏe cho bệnh nhân có nhiều nguy cơ thực hiện trước mổ đã góp phần rất quan trọng trong thành công này. Có thể nói, điều trị nội khoa trước mổ, chăm sóc và điều trị hồi sức sau phẫu thuật là hai bước quan trọng để phòng các biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng, suy gan thận… hay ập tới  sau một phẫu thuật lớn ở bệnh nhân già yếu mang nhiều bệnh kèm. Có thể nói, dù cuộc phẫu  thuật có diễn ra tốt đẹp nhưng nếu các biến chứng hậu phẫu như trên xảy ra thì coi như ca mổ thất bại.

 

Điều trị thành công ca bướu giáp nhân thòng phức tạp, hiếm gặp
Êkíp BS, kỹ thuật viên của Bệnh viện FV trong cả phẫu thuật cho ông Khm Um Narin
 

Về phần kỹ thuật phẫu thuật, vì khối u to xô đẩy các cơ quan lân cận, khi mổ ca này rất dễ xảy ra các tai biến như: thứ nhất là chảy máu; thứ hai là chấn thương hay cắt đứt dây thần kinh chi phối cho giọng nói, khiến giọng nói khàn hay nặng hơn là không nói được hoặc khó thở kéo dài; Thứ ba, là tổn thương tuyến cận giáp sẽ khiến hạ canxi máu sau mổ, gây tê tay chân hay nặng hơn là co quắp tay chân. Một biến chứng cũng rất có thể xảy ra đó là khó thở cấp thời sau mổ do nhuyễn khí quản. Một tình trạng bệnh do khối bướu giáp to đè vào khí quản lâu ngày, làm khí quản thiếu máu nuôi và “mềm” ra, một khi khối bướu được lấy ra, phần khí quản “mềm” này sẽ xẹp lại, gây khó thở. Rất may là các tai biến trên không xảy ra”, và bệnh nhân đã được xuất viện. BS Phạn Văn Thái kết luận.

 

Khánh Ly