Chủ động nguồn máu cho phẫu thuật

(Dân trí) - Máu cho phẫu thuật tại các bệnh viện chưa có lúc nào được cho là đảu dùng. Tại bệnh viện Việt Đức, lượng máu do Viện Truyền máu và Huyết học TƯ cũng chỉ đáp ứng được tối đa khoảng 25% nhu cầu, còn lại vẫn phải bươn chải tự lo thêm nguồn máu mới có thể đảm bảo máu cho mọi hoạt động

 


Bộ phận sản xuất các đơn vị máu và chế phẩm máu.

Bộ phận sản xuất các đơn vị máu và chế phẩm máu.

Theo Ths.Bs, Trưởng khoa Truyền máu BV Việt Đức Vi Quỳnh Hoa: “Bình thường thì Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cung cấp tương đối đầy đủ các nhu cầu máu cho BV nhưng vào những lúc cao điểm như Tết hay mùa hè đến, BV Việt Đức thiếu máu trầm trọng. Nếu không có những nguồn tự huy động máu tại chỗ này chắc khi đó BV chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong cấp cứu và điều trị”.

Hiện nay, hàng ngày, các bác sĩ ở đây thực hiện phẫu thuật từ 170 đến 200 ca bệnh hiểm nghèo, thuộc đủ các chuyên khoa từ các bệnh viện chuyển đến, hàng năm - trên 40.000 ca phẫu thuật lớn, nhỏ. Để đáp ứng được phần nào nhu cầu máu một cách tối thiểu, hàng năm, BV vẫn thường xuyên phải tự huy động thêm từ 20-25 nghìn đơn vị máu.

Máu mà BV này tự huy động được chủ yếu từ 4 nguồn: Hiến máu nhân đạo tình nguyện lưu động (tại các huyện Phú Xuyên, Thanh Trì, Thường Tín...), hiến máu tình nguyện tại bệnh viện. Một phần rất nhỏ là hiến máu thù lao và hiến máu từ người thân. Riêng nguồn hiến máu nhận đạo tại bệnh viện, theo chỉ đạo của Ban giám đốc, Đảng ủy, Công đoàn và Đoàn Thanh niên đã tổ chức các đợt hiến máu định kỳ hàng năm với sự tham gia đông đảo các cán bộ công nhân viên tại bệnh viện.

Tính riêng trong năm 2014, bệnh viện đã tiếp nhận trên 25.000 đơn vị máu toàn phần, thực hiện sản xuất, sàng lọc và cung cấp gần 41.000 đơn vị máu và chế phẩm máu các loại, đáp ứng 82% nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân. Lượng máu còn lại, bệnh viện tiếp nhận từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung Ương.

Tháng 06/2015 vừa qua, BV cũng đã cho lắp đặt hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử NAT trong sàng lọc máu. Theo các chuyên gia y tế, đây là kỹ thuật hiện đại, chính xác mà chỉ hiện có ở một số trung tâm truyền máu lớn như Viện Huyết học - Truyền máu Trung Ương, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Truyền máu của BV Chợ Rẫy…

Hiện nay, 100% các đơn vị máu và chế phẩm máu truyền cho người bệnh ở đây được sàng lọc bằng kỹ thuật hóa phát quang, điện hóa phát quang trên máy xét nghiệm miễn dịch tự động và kỹ thuật NAT này.

Trong ngoại khoa, máu là yếu tố sống còn trong các cuộc mổ và truyền máu trong cấp cứu ngoại là không thể trì hoãn, lại thường phải truyền khối lượng máu lớn, nhanh chóng. Vấn đề chủ động nguồn máu, vì vậy, là hết sức cấp thiết ở đây. Như tại một số tỉnh đã và đang hình thành một số trung tâm chủ động nguồn máu, theo các chuyên gia y tế, tại các BV ngoại khoa đầu ngành như BV Việt Đức cũng nên hình thànhnhững trung tâm như vậy, chứ không chỉ dừng lại ở mô hình các khoa truyền máu như hiện nay. Được như vậy mới có thể đáp ứng được nhu cầu máu ngày càng tăng.

Nhân Hà