Quảng Ngãi:

Chi 20,9 tỷ đồng phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em miền núi

(Dân trí) - Tỉnh Quảng Ngãi vừa triển khai thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở 6 huyện miền núi, giai đoạn 2017 - 2020. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 20,9 tỷ đồng.

Bữa ăn của trẻ em mầm non huyện miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi
Bữa ăn của trẻ em mầm non huyện miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi

Việc triển khai thực hiện đề án nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi 6 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi về cân nặng và chiều cao, giảm tỷ lệ tử vong do suy dinh dưỡng cấp, cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ và phụ nữ mang thai, góp phần nâng cao tầm vóc người dân miền núi.

Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020 giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi 6 huyện miền núi xuống dưới 22%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi xuống dưới 30%; bổ sung vitamin A liều cao 2 lần/năm cho 99% trẻ em từ 6 - 36 tháng tuổi, trẻ từ 37 - 60 tháng tuổi có nguy cơ cao và trẻ dưới 6 tháng tuổi thiếu sữa mẹ; 100% trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng nặng và vừa được nhận can thiệp bằng thực phẩm điều trị ăn liền tại cộng đồng. Thông qua thực hiện đề án, 100% giáo viên, cán bộ y tế của trường mầm non các huyện miền núi được tư vấn các nội dung cơ bản về cải thiện dinh dưỡng cho học sinh mầm non; 100% trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi được tẩy giun định kỳ 2 lần/năm; 100% trẻ em dưới 5 tuổi được uống sữa miễn phí…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ nhấn mạnh, việc thực hiện đề án sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân miền núi trong việc quan tâm đến bữa ăn của trẻ, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em. Trong quá trình thực hiện đề án, Nhà nước chỉ đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ tạo thói quen tốt trong cách chăm sóc trẻ chứ không đứng ra làm thay người dân trong việc chăm sóc trẻ.

Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến khoảng 20,9 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương, vốn ngân sách của tỉnh, 6 huyện miền núi và nguồn vốn huy động khác. Trong đó trên 75% kinh phí phục vụ trực tiếp cho trẻ em dưới 5 tuổi và bà mẹ mang thai, chỉ có một phần nhỏ kinh phí dành để chi thù lao cho cán bộ y tế xã làm nhiệm vụ bổ sung vi chất định kỳ mỗi năm 2 đợt cho trẻ em.

Hà Xuyên